Đại biểu Quốc hội Nguyễn Minh Sơn - đoàn Tiền Giang

Trong buổi làm việc tại Quốc hội vừa qua, khi thảo luận về các báo cáo của cơ quan tư pháp tại hội trường, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Minh Sơn - đoàn Tiền Giang đã phát biểu một câu khiến chúng ta vô cùng thấm thía: “Một bao cát bỏ trong hẻm, đổi 100 USD ở tiệm vàng cũng nhìn thấy, mà nhà cao tầng, biệt phủ, biệt thự xây trái phép nhan nhản lại không ai thấy”.

Phát biểu của Đại biểu Nguyễn Minh Sơn đã đánh đúng, đánh trúng vào thực trạng xã hội hiện nay. Nói như vậy không có nghĩa là cơ quan nào cũng toàn sai phạm, cơ quan nào cũng làm ngơ trước những chuyện “chướng tai, gai mắt”. Nhưng thẳng thắn mà nói, số lượng những người cố tình không chịu xử lý các sai phạm không hề nhỏ.

Đó là việc quan tỉnh này mua chức, bán quyền, cò kè, ngã giá cho từng chiếc ghé lãnh đạo; Đó là chuyện ông này bổ nhiệm con trai không đúng quy định, ông kia cho bồ nhí chui sâu, leo cao vào tổ chức; Đó là chuyện của những ông quan đi bán chổi đót, đi nuôi lợn xây biệt phủ hoành tráng giữa rừng nhưng vẫn chẳng bị làm sao..v..v.

Ngược lại, một bao cát bỏ trong hẻm, đổi 100 USD ở tiệm vàng cán bộ lại cũng nhìn thấy và bắt phạt thẳng tay, hoặc dân xây cái chòi vịt cũng bị đập..v..v. Nó cho thấy rõ một điều, khi người dân với cảnh “thân cô, thế cô”, sức yếu, lực mỏng thì chỉ cần sai phạm một lỗi nhỏ xíu cũng sẽ bị mang ra xử “làm gương” răn đe cho những người khác.

Thực tế này khiến chúng ta nhớ đến đại thi hào Nguyễn Du khi ngòi bút của ông như “đâm” thẳng vào thực trạng xã hội lúc bấy giờ, rằng: “Trong tay có sẵn đồng tiền. Dẫu rằng đổi trắng, thay đen khó gì?” Tương tự, Friedrich Engels - nhà lý luận chính trị, là một triết gia và nhà khoa học người Đức thế kỷ 19 cũng từng nói thế này: “Thế lực của đồng tiền giống như “cái bùa”, “cái bùa” này có thể hóa phép thành mọi thứ mà người ta muốn”.

Suy cho cùng, những nghịch lý trên chung quy lại vẫn là hệ quả của công tác cán bộ. Theo đó, nếu một xã hội mà đồng tiền làm mờ mắt cán bộ, nếu một xã hội mà đồng tiền có thể thay thế cho luật pháp quốc gia, nếu một xã hội mà đồng tiền có thể “xui ma, khiến quỷ”, nếu một xã hội mà đồng tiền có thể hoá giải mọi sai phạm… thì xã hội đó sẽ vô cùng hỗn loạn, vô cùng rối ren.

Việc xử lý cán bộ sai phạm, loại bỏ những cán bộ thiếu năng lực, phẩm chất ra khỏi bộ máy nhà nước, đồng thời ngăn chặn những cán bộ đang có thiếu ý chí tu dưỡng, rèn luyện, luôn tìm cách lợi dụng sơ hở, cố ý làm trái, trục lợi, làm thất thoát vốn, tài sản nhà nước, gây hậu quả nghiêm trọng là cái trước mắt cần phải làm.

Còn về lâu dài đó là nhiệm vụ phải xây dựng được một đội ngũ chiến lược có đầy đủ năng lực, phẩm chất và phải đạt được những yêu cầu về nhiệm vụ, tránh được tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, lợi ích nhóm. Đó là vấn đề kiểm soát quyền lực, để tránh việc dẫn tới lạm quyền, làm trái, trục lợi, vơ vét tài sản Nhà nước và nhân dân.

Song song, chúng ta vẫn thường nói “Chính quyền là của dân, do dân và vì dân”, nhưng đâu đó vẫn có không ít những ông quan là người đại diện cho chính quyền lại xa dân và hách dịch với người dân, nó dẫn tới bao bất ổn trong xã hội. Nói theo kiểu thi hào Goethe, mọi khẩu hiệu “Vì dân vì nước” đều là lý thuyết xám xịt, cho tới khi các vị có chức có quyền hiện thực hóa bằng hành động cụ thể thiết thực cho dân, thì nó mới trở thành cây lá xanh tươi”.

Chính vì vậy, một trong những hành động thiết thực nhất là cán bộ phải công tâm, phải “thật lòng, thật tâm, thật tình” với nhân dân. Có như thế, những chuyện “chướng tai, gai mắt” mà Đại biểu Nguyễn Minh Sơn mới vơi dần đi được.