>>>24 doanh nghiệp tham gia mạng lưới doanh nghiệp thích ứng biến đổi khí hậu ĐBSCL

Hội thảo Thúc đẩy sự tham gia của doanh nghiệp trong lộ trình thực hiện đóng góp do Quốc gia tự quyết định và mục tiêu phát thải ròng bằng “0” do Văn phòng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - Ảnh: Đình Đại.

Hội thảo Thúc đẩy sự tham gia của doanh nghiệp trong lộ trình thực hiện đóng góp do Quốc gia tự quyết định và mục tiêu phát thải ròng bằng “0” do Văn phòng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức - Ảnh: Đình Đại.

Phát biểu tại Hội thảo Thúc đẩy sự tham gia của doanh nghiệp trong lộ trình thực hiện đóng góp do Quốc gia tự quyết định và mục tiêu phát thải ròng bằng “0”, ông Nguyễn Tuấn Quang – Phó Cục trưởng Cục biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên & Môi trường (Bộ TN&MT) cho biết, biến đổi khí hậu đã trở thành một trong những thách thức lớn của nhân loại, tác động đến mọi mặt kinh tế, chính trị, ngoại giao cũng như an ninh toàn cầu.

Theo ông Quang, Báo cáo đánh giá khí hậu năm 2022 của Chính phủ đã chỉ ra 2 vấn đề đáng lo ngại về biến đổi khí hậu như thời tiết cực đoan diễn ra ở mọi nơi trên trái đất, bầu khí quyển đang nóng lên với tốc độ chưa từng có trong lịch sử, con người và môi trường tự nhiên có nguy cơ chịu nhiều tác động.

Tại Hội nghị lần thứ 26, các bên tham gia công ước khung của Liên Hiệp Quốc về BĐKH năm 2021, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã phát biểu cam kết cắt giảm mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 với sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế. Cùng với Việt Nam, đã có hơn 100 quốc gia cam kết đưa phát thải ròng bằng “0” vào giữa thế kỷ này.

“Như vậy, cá thể thấy đây là mục tiêu phát triển tất yếu của thế giới, là luật chơi mới của thương mại và đầu tư toàn cầu. Đây là một thách thức, nhưng cũng là cơ hội giúp Việt Nam thúc đẩy tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng bền vững, phát triển xanh, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế và thúc đẩy hợp tác thương mại, đầu tư cho phát triển”, ông Nguyễn Tuấn Quang nhấn mạnh.

ông Nguyễn Tuấn Quang – Phó Cục trưởng Cục biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên & Môi trường phát biểu tại Hội thảo - Ảnh: Đình Đại.

Ông Nguyễn Tuấn Quang – Phó Cục trưởng Cục biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên & Môi trường phát biểu tại Hội thảo - Ảnh: Đình Đại.

Ông Quang cho rằng, để thực hiện đóng góp do quốc gia tự quyết định hướng hới mục tiêu đưa phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, đòi hỏi phải có sự vào cuộc của cả hệ thống Chính trị, các Bộ, ngành, địa phương, các tổ chức và đặc biệt là sự tham gia có trách nhiệm của cộng đồng doanh nghiệp.

Cũng theo ông Quang, khu vực kinh tế tư nhân liên tục duy trì mức tăng trưởng khá, chiếm tỷ trọng 40% GDP, thu hút 85% lực lượng lao động của nền kinh tế và đóng góp thuế thu nhập doanh nghiệp chiếm 34%, góp phần quan trọng trong huy động các nguồn lực của xã hội cho đầu tư phát triển. Trong hoạt động sản xuất kinh doanh, phần lớn các doanh nghiệp sử dụng năng lượng cũng như nguyên vật liệu tạo ra các sản phẩm dịch vụ.

Ông Quang cho rằng, đây chính là nguồn gây phát thải khí nhà kính chiếm tỷ trọng lớn trong phát thải của nền kinh tế. Do đó, các doanh nghiệp là một trong các đối tượng thực hiện giảm phát thải khí nhà kinh theo quy định của Luật bảo vệ môi trường năm 2020.

“Hiện nay, Bộ TN&MT cùng với các Bộ ngành có liên quan đang khẩn trương hoàn thiện các quy định kỹ thuật cũng như xây dựng các tài liệu hướng dẫn chi tiết, nhằm hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp thực hiện các hoạt kiểm kê khí nhà kính, xây dựng và áp dụng các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính. Với vai trò quan trọng của doanh nghiệp với nền kinh tế, việc thực hiện lộ trình giảm phát thải khí nhà kính của doanh nghiệp phải đảm bảo sự cân bằng và phát triển của doanh nghiệp”, ông Nguyễn Tuấn Quang chia sẻ.

>>>NGUY CƠ LỚN CỦA ĐBSCL: Những thách thức từ biến đổi khí hậu

Đồng tình, ông Nguyễn Tiến Huy – Giám đốc Văn phòng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, biến đổi khí hậu là nguy cơ cấp bách và nghiêm trọng nhất. Mỗi năm, trên thế giới ước tính có trên 20 triệu người mất đi chỗ ở và sinh kế do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.

ông Nguyễn Tiến Huy – Giám đốc Văn phòng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phát biểu tại Hội thảo - Ảnh: Đình Đại.

Ông Nguyễn Tiến Huy – Giám đốc Văn phòng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phát biểu tại Hội thảo - Ảnh: Đình Đại.

Ông Huy cho biết, Việt Nam là một trong những nước chịu ảnh hưởng nặng nhất của biến đổi khí hậu do phần lớn dân số sinh sống ở vùng trũng ven biển. Nếu nhiệt độ trung bình tăng thêm 2 độ C, Việt Nam sẽ chịu thiệt hại rất lớn về sinh thái, kinh tế và cả xã hội, kinh tế và cả xã hội, 40% diện tích Đồng bằng sông Cửu Long có thể bị ngập lụt.

Ông cho rằng, biến đổi khí hậu có nguyên nhân chính từ sự phát thải khí nhà kính quá mức từ các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội. Theo báo cáo đánh giá về Phát thải khí nhà kính tại TP.HCM, riêng mức tiêu thụ điện tại TP.HCM đến năm 2030 ước khoảng 14 tỷ kWh, tương đương với mức phát thải khí C02 gần 12 triệu tấn.

“Tất cả những nguy cơ này đã khiến nhiều quốc gia bắt đầu xem xét đến việc tính toán lượng khí thải tạo ra khi sản xuất một đơn vị sản phẩm. Để xuất khẩu hàng hóa, doanh nghiệp buộc phải tính toán lượng phát thải sao cho thấp hơn hoặc bằng với mức trung bình của nước sở tại, nếu lớn hơn thì hàng hóa sẽ bị áp thuế rất cao”, ông Nguyễn Tiến Huy khuyến cáo.

Cũng theo ông Nguyễn Tiến Huy, vừa qua, Chính phủ, Quốc hội đã quyết liệt triển khai, hành động mạnh mẽ hơn trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu, thông qua việc phê duyệt hàng loạt chính sách quan trọng, tham gia các cam kết toàn cầu. Gần đây nhất là những cam kết mạnh mẽ đưa Việt Nam đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, giảm 30% phát thải khí mê-tan vào năm 2030 tại COP26.

Theo ước tính của Bộ KHĐT, khu vực kinh tế tư nhân chiếm đến 70% trong tổng số 21 tỷ USD nhu cầu đầu tư về biến đổi khí hậu của Việt Nam. Trong bối cảnh đó, ông Huy cho rằng, các doanh nghiệp tại Việt Nam cần có những động thái mạnh mẽ hơn nhằm thúc đẩy tiến trình cắt giảm phát thải như cung cấp và đưa vào sử dụng nguồn năng lượng bền vững, không cac-bon với giá cả phải chăng hơn, sử dụng tài nguyên tối ưu hơn nhằm đáp ứng các nhu cầu của xã hội trong khi các hệ thống cung cấp tài nguyên vẫn có khả năng tái tạo, thiết lập những cơ chế tài chính xanh nâng cao tính minh bạch và hiệu quả trong báo cáo hoạt động của doanh nghiệp.