>> Triển khai đường vành đai 3, 4: Cân nhắc hình thức chỉ định thầu và gắn trách nhiệm cho từng cơ quan

Theo đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đưa Dự thảo về cơ chế đặc thù chỉ định thầu với các gói thầu thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2021 – 2025 ra lấy ý kiến các bộ, ngành liên quan.

Bên cạnh việc phân cấp mạnh cho các địa phương thực hiện vai trò là cơ quan chủ quản, nội dung của Dự thảo cũng đề xuất cơ chế đặc thù trong chỉ định thầu và kỳ vọng đây là “bộ đôi sức mạnh” để đẩy nhanh tiến độ triển khai các gói thầu xây lắp thuộc Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội (Chương trình) và Dự án Xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025.

Cần tăng cơ chế giám sát khi chỉ định thầu dự án giao thông quan trọng - Ảnh minh họa

Cần tăng cơ chế giám sát khi chỉ định thầu dự án giao thông quan trọng - Ảnh minh họa

Trước đó, tại Công văn số 4934/BKHĐT-QLĐT gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định về nguyên tắc việc áp dụng chỉ định thầu đối với các gói thầu thuộc dự án về hạ tầng giao thông và y tế trong Chương trình và Dự án Xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025. Thủ tục chỉ định thầu phải hoàn thành trước ngày 31/12/2023 theo đúng quy định pháp luật về đấu thầu.

Cơ quan quản lý Nhà nước về đấu thầu cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xác định Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải; Bộ trưởng Bộ Y tế; Thủ trưởng cơ quan ngang bộ; Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ; Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương với vai trò người quyết định đầu tư sẽ là người có thẩm quyền xem xét, quyết định áp dụng hình thức chỉ định thầu trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu. Đồng thời, tổ chức kiểm tra, giám sát công tác lựa chọn nhà thầu, thực hiện hợp đồng, kịp thời phát hiện các hành vi vi phạm, tiêu cực và có biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật, đảm bảo hiệu quả của việc chỉ định thầu.

Các đơn vị chủ đầu tư này có trách nhiệm thực hiện việc chỉ định thầu theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo nhà thầu được lựa chọn có đủ năng lực, kinh nghiệm, giải pháp kỹ thuật khả thi đáp ứng yêu cầu về chất lượng, tiến độ, hiệu quả, tuyệt đối không để xảy ra thất thoát, lãng phí trong quá trình thực hiện.

Theo đơn vị này, tại Nghị quyết số 18/NQ-CP ngày 11/02/2022, Chính phủ cũng đã giao Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải và người có thẩm quyền được áp dụng hình thức chỉ định thầu trong 2 năm 2022 - 2023 đối với các gói thầu tư vấn liên quan đến Dự án, gói thầu phục vụ di dời hạ tầng kỹ thuật, gói thầu thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư. Trình tự, thủ tục chỉ định thầu thực hiện theo quy định của pháp luật đấu thầu.

>> Tìm đáp án cho bài toán giải phóng mặt bằng đường vành đai 3 TP.HCM

Việc giao người đứng đầu Chính phủ quyết định việc áp dụng hình thức chỉ định thầu đối với gói thầu xây lắp đối với các dự án thành phần (tương tự nhóm A) là chưa phù hợp về thẩm quyền - Ảnh minh họa

Nghị quyết số 18/NQ-CP giao Thủ tướng Chính phủ quyết định việc áp dụng hình thức chỉ định thầu đối với gói thầu xây lắp đối với các dự án thành phần (tương tự nhóm A) là chưa phù hợp về thẩm quyền - Ảnh minh họa

Đồng thời, Thủ tướng quyết định chỉ định thầu trong 2 năm 2022 - 2023 đối với gói thầu xây lắp các dự án thành phần, kèm theo yêu cầu tiết kiệm tối thiểu 5% giá trị dự toán gói thầu (không bao gồm chi phí dự phòng) và các gói thầu quan trọng khác nếu thấy cần thiết trên cơ sở đề xuất của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải và kết quả thẩm định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Tuy nhiên, sau khi xem xét các quy định của pháp luật về đấu thầu và đầu tư công, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, Thủ tướng chỉ quyết định đối với dự án quan trọng quốc gia. Việc giao người đứng đầu Chính phủ quyết định việc áp dụng hình thức chỉ định thầu đối với gói thầu xây lắp đối với các dự án thành phần (tương tự nhóm A) là chưa phù hợp về thẩm quyền.

“Trách nhiệm quyết định chỉ định thầu trong trường hợp này thuộc Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải và chủ tịch UBND các tỉnh có liên quan”, Công văn số 4934/BKHĐT-QLĐT nêu rõ.

Thông tin với báo chí về vấn đề đã nêu, PGS.TS Trần Chủng - Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam (VARSI) cho rằng, trong bối cảnh thực hiện nhiều dự án như hiện nay, để khơi thông cho các dự án trong triển khai thực hiện, việc thực hiện chỉ định thầu là một lựa chọn phù hợp. Tuy nhiên, dù chỉ định thầu hay đấu thầu đều phải đảm bảo yêu cầu về năng lực, chuyên môn, tài chính và phải đảm bảo tính công khai trong thực hiện.

“Không thể giảm bớt những tiêu chuẩn đã được quy định về chuyên môn, năng lực thiết kế, thi công, kinh nghiệm triển khai các công trình giao thông, có những cán bộ chỉ huy, cá thể hóa những người đã thực hiện dự án hiệu quả trước đây. Việc chỉ định phải thực hiện minh bạch, công khai để cho xã hội và đối thủ cạnh tranh cùng kiểm soát xem năng lực của nhà thầu được lựa chọn có chính xác hay không”, ông Chủng chia sẻ.

Về trách nhiệm của các cơ quan chức năng có vai trò quyết định trong chỉ định thầu, theo Chủ tịch VARSI, dù đã phân định trách nhiệm của Thủ tướng và các cơ quan liên quan trong thẩm quyền, tuy nhiên, vẫn cần nâng cao vai trò của các cơ quan, đơn vị tham mưu đề xuất; phải có cơ sở, lý lẽ rõ ràng trong các đề xuất để nâng cao tính trách nhiệm của các đơn vị chuyên môn. Việc quyết định chỉ định thầu với các dự án quan trọng quốc gia cũng phải trên cơ sở các cơ quan có chuyên môn tham mưu, đảm bảo tính thuyết phục để lựa chọn chỉ định thầu là đúng quy định.

Còn theo, TS Nguyễn Việt Hùng - nguyên Vụ trưởng Vụ Quản lý đấu thầu (nay là Cục Quản lý đấu thầu) Bộ Kế hoạch và Đầu tư, việc mở rộng phân cấp chỉ định thầu với nhiều dự án giao thông quan trọng như đường cao tốc Bắc - Nam hay các dự án hạ tầng giao thông trong chương trình phục hồi kinh tế - xã hội là cơ chế đặc biệt trong bối cảnh triển khai nhiều dự án giao thông như hiện nay.

Do vậy, quá trình thực hiện phải tăng cường khâu giám sát, thiết kế hồ sơ mời thầu, quá trình thực hiện phải đáp ứng các yêu cầu trong khâu thẩm định để lường trước các rủi ro. Cần thiết phải có một ban chuyên môn, cơ quan thẩm định độc lập các dự án chỉ định thầu.

Bên cạnh đó, theo một số chuyên gia, để triển khai cơ chế đặc thù về chỉ định thầu, vẫn cần có hướng dẫn cụ thể làm cơ sở thực hiện, tránh việc lạm dụng và không đảm bảo tính công khai minh bạch, lựa chọn nhà thầu kém năng lực thực hiện.