Đợt dịch COVID-19 lần thứ tư đang diễn ra phức tạp với quy mô cũng như mức độ ảnh hưởng lớn hơn nhiều so với các lần bùng phát trước. Trong bối cảnh đó, sức khỏe của rất nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) đã đến giới hạn chịu đựng. Nhiều doanh nghiệp vay vốn ngân hàng đến hạn trả gốc và lãi nhưng không có khả năng trả đúng hạn. Nếu không trả gốc và lãi đúng hạn, doanh nghiệp sẽ bị xem xét đánh giá xếp hạng tín dụng, dẫn đến khó khăn càng chồng chất.

Nhiều DNNVV đồng loạt kêu cứu vì quá khó khăn trong làn sóng bùng phát đại dịch mới

Nhiều DNNVV đồng loạt kêu cứu vì quá khó khăn trong làn sóng bùng phát đại dịch mới

Trong văn bản gửi tới Thủ tướng Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, Hội Doanh Nhân Trẻ Việt Nam đã đề xuất 6 giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho các DNNVV, cụ thể như:

Thứ nhất, cho phép các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch có hợp đồng tốt và lịch sử trả nợ tốt, đúng hạn, đến kỳ trả nợ gốc và lãi được khoanh lại đến tháng 6/2022 mà không bị phạt và đưa vào nhóm nợ xấu.

Thứ hai, giảm đồng loạt lãi suất mọi khoản vay hiện tại của doanh nghiệp 2% trong ít nhất 1 năm, trong đó đề xuất ngân sách bù 1% và ngân hàng thương mại chịu 1%.

Hiện nay lãi suất đã giảm nhưng vẫn còn rất cao, rất nhiều doanh nghiệp không tiếp cận được lãi suất rẻ và tín dụng ưu đãi. Do đó, cần có giải pháp giảm lãi suất cho vay từ 1,5 đến 2%/năm (áp dụng cho 12 tháng kể từ tháng 7).

Thứ ba, hỗ trợ nguồn vốn vay cho doanh nghiệp thông qua ngân hàng từ nguồn ngân sách Nhà nước, Quỹ Phát triển DNNVV để tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận được nguồn lực tài chính cần thiết.

Thứ tư, giảm 50% các chi phí liên quan tới ngân hàng như chuyển tiền, phí quản lý tài khoản, phí duy trì tài khoản,… cũng áp dụng cho 12 tháng từ tháng 7.

Thứ năm, không giảm điều kiện tín dụng thông thường, không định giá lại các tài sản cầm cố nhưng tăng tỷ lệ hạn mức cho vay lên tối thiểu 10% (ví dụ trước đây cho vay 70% trị giá tài sản đảm bảo thì nay cho vay 77%) và tối đa được phép cho vay 110% trị giá tài sản đảm bảo.

Thứ sáu, thành lập Ban nghiên cứu phát triển các giải pháp fintech và tiền kỹ thuật số theo tinh thần Quyết định 942/QĐ-TTg ngày 15/6/2021 của Thủ tướng và đề xuất đại diện Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam được tham gia vào ban này nhằm tận dụng khả năng sáng tạo và thế mạnh về công nghệ của hơn 10.000 hội viên doanh nhân trẻ.

Có thể thấy, các DNNVV đang thực sự cần một đòn bẩy mạnh về tài chính để có đủ tiềm lực vượt qua khó khăn, phục hồi kinh tế. Mặc dù, các ngân hàng đã giảm lãi suất hưởng ứng khuyến khích của Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ vì nền kinh tế chung, theo Hội, việc tiếp cận vốn vẫn còn hẹp, khiến các doanh nghiệp gặp khó.

Theo PGS.TS. Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP.Hồ Chí Minh, mặc dù các ngân hàng sẵn sàng giảm lãi nhưng họ cũng là đơn vị kinh doanh và rất sợ không thu hồi được vốn, nên việc phát sinh nợ xấu cần phải đảm bảo hài hoà lợi ích giữa người cho vay và người đi vay.

Chính phủ nên có gói hỗ trợ bổ sung vốn cho Quỹ bảo lãnh tín dụng giúp các doanh nghiệp tiếp cận vốn vay ngân hàng dễ dàng hơn. Đây là quỹ tài chính Nhà nước ngoài ngân sách do Ủy ban Nhân dân tỉnh, thành phố lập, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, bảo toàn và phát triển vốn. Hiện nay, quỹ bảo lãnh tín dụng cho DNNVV chưa phát huy được hết vai trò là do vốn quá mỏng, tuỳ thuộc vào ngân sách từng địa phương và điều kiện bảo lãnh khó khăn”, vị P.GS đề xuất.

Nhìn từ kinh nghiệm quốc tế sẽ thấy, Pháp là quốc gia đã triển khai gói hỗ trợ này với quy mô rất lớn. Cơ quan địa phương Paris đã hợp tác với Bpifrance tung ra "kế hoạch khẩn cấp" giúp DNNVV dễ dàng hơn khi tiếp cận vốn vay ngân hàng và rút ngắn thời gian giải ngân chỉ trong vòng 30 ngày. Theo đó, Quỹ Bpifrance đứng ra bảo lãnh giúp các DNNVV tiếp cận khoản vay ngân hàng trị giá hơn một tỷ euro.

Thống kê của Bộ Tài chính Việt Nam cho biết, thực tế quy mô của Quỹ bảo lãnh tín dụng hầu hết còn nhỏ do nhiều địa phương chưa có nguồn lực để bố trí vốn điều lệ cho quỹ; năng lực tài chính, quản trị điều hành các quỹ còn hạn chế. Cùng với đó, quy trình nghiệp vụ trong công tác thẩm định hồ sơ, kiểm tra, giám sát, thu hồi các khoản nhận nợ bắt buộc còn chưa hoàn thiện; một số DNNVV chưa đủ điều kiện để được cấp bảo lãnh, hạn chế về công tác kế toán, năng lực tài chính, quản trị rủi ro...; sự phối hợp giữa một số quỹ và các ngân hàng thương mại còn chưa chặt chẽ, thiếu hiệu quả.

Về vấn đề này, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV cho rằng, để các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn thông qua các quỹ là hướng đi đúng đắn, nhưng cần nâng cao năng lực về cả nguồn nhân lực, tài chính công nghệ của các quỹ này.

Bên cạnh đó, cần tăng cường phát huy vai trò của Quỹ phát triển DNNVV, bằng cách phối hợp tốt hơn nữa với ngân hàng thương mại để thúc đẩy dòng vốn tín dụng cho các doanh nghiệp.

Trao đổi với phóng viên, một vị chuyên gia cũng nêu, trong một báo cáo gần đây nhất về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí về tình trạng hoạt động của các quỹ tài chính Nhà nước ngoài ngân sách, có 12 quỹ ở Trung ương đang làm thủ tục giải thể hoặc xem xét giải thể, sắp xếp lại, sửa đổi hoặc bổ sung, hoàn thiện quy định về tổ chức, hoạt động vì kém hiệu quả.

Điều này cho thấy, các quỹ ở Việt Nam hoạt động nhiều, nhưng hiệu quả, tác dụng của quỹ không cao, vô hình chung sẽ gây ra sự lãng phí khi phải có một bộ máy vận hành, tốn chi phí hoạt động cũng như nhiều bất cập khác. Thay vì để các quỹ dàn trải, Chính phủ nên cơ cấu bộ máy các quỹ, dành nguồn lực tập trung và rót vốn cho những quỹ có vai trò then chốt trong mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp - động lực của nền kinh tế, có điều kiện phục hồi và qua đó góp sức thúc đẩy, lấy lại đà tăng trưởng trước mắt lẫn dài hạn.