fa

Các giải pháp hỗ trợ nền kinh tế mới tiếp tục được nghiên cứu, cân nhắc, cùng với rà soát, điều chỉnh quy định liên quan đến tiếp cận một số gói hỗ trợ trước đó về tín dụng, thuế, an sinh xã hội...

Ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng Ban Nghiên cứu tổng hợp của Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết, nếu chỉ nới lỏng tài khoá và tiền tệ, tăng trưởng kinh tế sẽ cao hơn, song đi kèm với áp lực lạm phát lớn hơn. Nhưng nếu nới lỏng tài khoá và tiền tệ cùng với cải cách thể chế, tăng trưởng kinh tế sẽ cao hơn và đi kèm với cải thiện đáng kể về năng suất. Đây là cách để phục hồi tăng trưởng nhanh và bền vững hơn, ngay cả khi kinh tế thế giới còn nhiều bất định.

Nói như bà Trần Thị Hồng Minh - Viện trưởng CIEM, “Việc đảm bảo các chính sách phục hồi kinh tế và cải cách thể chế có sự song hành và ý nghĩa đặc biệt quan trọng". Dưới góc nhìn của CIEM, nếu nền kinh tế chậm phục hồi, cải cách thể chế kinh tế cũng sẽ thiếu sự đồng thuận và động lực cần thiết hoặc không tạo ra những chuyển biến mạnh mẽ để đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế.

Một lưu ý được nhóm phân tích của CIEM đưa ra là, dù Việt Nam đang có tiền đề để kinh thế phục hồi và tái mở cửa kinh tế nhưng mở cửa phải an toàn và Việt Nam đang cần một kế hoạch dài hơi hơn, việc ban hành chính sách mới, giải pháp mới cũng phải lường tránh rủi ro “cạn kiệt” không gian chính sách và giảm động lực cải cách thể chế kinh tế.

Bên cạnh đó là vấn đề về sự đồng bộ và bền vững của chính sách hỗ trợ phục hồi một số ngành, lĩnh vực quan trọng cũng như tổng thể nền kinh tế. Trong bối cảnh nhiều bất định, khó lường thì quá trình phục hồi kinh tế và cải cách thể chế kinh tế trong thời gian tới có nhiều điều cần cân nhắc.

Ông Dương nói đến các cân nhắc yêu cầu về ổn định kinh tế vĩ mô và phục hồi kinh tế, về cải cách thể chế kinh tế trong nước và hội nhập kinh tế quốc tế, cân nhắc về vai trò của Nhà nước trong đó phải tạo được không gian kinh tế cho khu vực tư nhân.

Bên cạnh đó, các giải pháp hỗ trợ nền kinh tế mới tiếp tục được nghiên cứu, cân nhắc, cùng với rà soát, điều chỉnh quy định liên quan đến tiếp cận một số gói hỗ trợ trước đó về tín dụng, thuế, an sinh xã hội...

Tốc độ tăng trưởng GDP trung bình của Việt Nam có thể đạt 6,76%/năm trong giai đoạn 2021 - 2023 nếu kết hợp tốt các giải pháp thúc đẩy phục hồi kinh tế và cải cách thể chế.

Tốc độ tăng trưởng GDP trung bình của Việt Nam có thể đạt 6,76%/năm trong giai đoạn 2021 - 2023 nếu kết hợp tốt các giải pháp thúc đẩy phục hồi kinh tế và cải cách thể chế. (Ảnh: Báo Đấu thầu).

Và thời điểm cải cách và lộ trình cải cách cho 3 năm tới (giai đoạn 2021-2023) cũng được CIEM đưa ra: Theo đó, Tiếp tục phòng chống dịch COVID-19 hiệu quả, tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp và người lao động, kết hợp với cải cách thể chế kinh tế trong năm 2021; Kết hợp giải pháp phục hồi và cải cách thể chế kinh tế trong năm 2022; Rút dần các giải pháp hỗ trợ phục hồi tăng trưởng, tập trung vào cải cách thể chế kinh tế trong năm 2023.

Bà Hồng Minh cho hay nhóm nghiên cứu dự báo triển vọng kinh tế Việt Nam giai đoạn 2021-2023: “Nếu đạt được những đột phá trong chất lượng cải cách thể chế sẽ dẫn tới cải thiện chất lượng tăng trưởng song hành với các biện pháp nới lỏng tài khóa, tiền tệ đúng trọng tâm và đúng thời điểm, tốc độ tăng trưởng GDP trung bình có thể đạt tới 6,76%/năm đi kèm với cải thiện đáng kể về năng suất.”

“Khi ấy, kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi tăng trưởng nhanh và bền vững hơn, ngay cả khi kinh tế thế giới còn nhiều bất định,” bà Minh nhấn mạnh.