Hãng thời trang H&M vừa bị gỡ mọi hàng hóa khỏi các trang thương mại điện tử lớn của Trung Quốc như Taobao, JD, Tmall... do H&M tẩy chay nguyên liệu từp/Tân Cương. Ảnh: Getty Images.

Hãng thời trang H&M vừa bị gỡ mọi hàng hóa khỏi các trang thương mại điện tử lớn của Trung Quốc như Taobao, JD, Tmall... do H&M tẩy chay nguyên liệu từ Tân Cương. Ảnh: Getty Images.

Đây là chiến lược ngoại giao “chiến lang” của Trung Quốc, trong đó đặc trưng nổi bật là kết hợp việc triển khai cả (i) ngoại giao quyết đoán và (ii) ngoại giao trừng phạt kinh tế.

Ngoại giao quyết đoán

Một trong những mối quan tâm chính của Trung Quốc là việc quốc gia này cần triển khai cách diễn ngôn về hình ảnh Trung Quốc trên mọi phương tiện, mọi trường hợp để tạo dựng một nhận thức mới và khác biệt về Trung Quốc. Bên cạnh việc tìm cách xây dựng các diễn đàn đa phương mới do Trung Quốc có thể chi phối, quốc gia này cũng không ngần ngại thể hiện sự phản đối về mặt ngoại giao để chống lại các quan điểm bất lợi cho lợi ích của mình.

Nguyên nhân sâu xa của sự quyết đoán này được lý giải rằng Trung Quốc không muốn bị cô lập và rơi vào tình cảnh “liên quân tám nước tấn công” như thời cận đại. Và một trong những nỗ lực lớn nhất của quốc gia này là không để nước khác can thiệp vào công việc nội bộ của mình. Các nhà ngoại giao và chính phủ Trung Quốc đã phản ứng nhanh và quyết đoán hơn với các chỉ trích hoặc lệnh cấm đến từ những nơi áp đặt quyền lực như Mỹ và châu Âu.

Phản ứng của Trung Quốc đã đưa ra một tín hiệu rất rõ: quốc gia này sẽ làm gia tăng thiệt hại của đối phương gấp nhiều lần so với mức mà Trung Quốc phải chịu. Nói cách khác, Trung Quốc sẵn sàng để thể hiện rằng quốc gia này sẽ không mềm mỏng trước các sức ép từ bên ngoài.

Ngoại giao trừng phạt kinh tế

Ngày 24/3 vừa qua, nhiều cơ quan truyền thông Trung Quốc phản đối nhãn hàng quần áo H&M khi hãng này tuyên bố không hợp tác với bất kỳ nhà máy may mặc nào ở Tân Cương, không mua nguyên liệu từ Tân Cương, trong đó có bông. Cùng ngày, tất cả trang thương mại điện tử lớn của Trung Quốc như Taobao, JD, Tmall... gỡ mọi hàng hóa của H&M khỏi trang web.

Nhưng lịch sử của ngoại giao trừng phạt kinh tế của Trung Quốc đã có từ lâu khi các hoạt động ngoại giao kinh tế được kết hợp với chủ nghĩa dân tộc một cách rõ nét. Những “nạn nhân” điển hình của ngoại giao trừng phạt của Trung Quốc khác bao gồm Philippines và Nhật Bản vì bùng phát tranh chấp lãnh thổ; Thụy Điển và Na Uy vì chỉ trích hồ sơ nhân quyền của Trung Quốc...

Các mục tiêu trừng phạt của Trung Quốc thường liên quan đến nội dung về (i) chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, (ii) công việc nội bộ của Trung Quốc. Đôi khi nó cũng mang các ý nghĩa và giá trị mơ hồ như “tâm lý và tình cảm của người Trung Quốc”. Nghiên cứu về cách Trung Quốc trừng phạt kinh tế có thể thấy quốc gia này đã thành công trong việc chuyển hoạt động từ các thực thể của chính quyền sang các hoạt động tập thể của người dân.

Lợi bất cập hại 

Trung Quốc là nơi có nguồn cung ứng công nghiệp hoàn bị nhất của nhóm 500 doanh nghiệp hàng đầu thế giới. Trung Quốc đã thành công với nhiều trường hợp trừng phạt chẳng hạn như Na Uy. Tuy nhiên, trừng phạt kinh tế là con dao hai lưỡi.

1. Do thương mại đôi bên cùng có lợi, các hạn chế mang tính cưỡng chế nhất thiết phải gây ra thiệt hại kinh tế cho cả hai bên. Trở lại trường hợp lúa mạch của Australia, Cục Nông nghiệp và Kinh tế Tài nguyên Australia ước tính chi phí cho Trung Quốc cao hơn nhiều lần so với Australia vì khó chuyển sang các nhà cung cấp khác. Tương tự, Australia cung cấp 60% quặng sắt mà Trung Quốc cần để sản xuất thép cho mô hình tăng trưởng dựa trên cơ sở hạ tầng của nước này. Trừng phạt nhập khẩu than đá của Australia khiến nhiều tỉnh Đông Bắc trung quốc rơi vào giá lạnh vì thiếu khí đốt mùa đông.

2. Các nền kinh tế mục tiêu có thể phản ứng bằng cách giảm thiểu rủi ro ở cấp vi mô và vĩ mô. Ở cấp độ vi mô, các nhà xuất khẩu Australia nhận ra các rào cản thương mại và tăng phí bảo hiểm rủi ro đối với thị trường Trung Quốc, do đó làm tăng động cơ đa dạng hóa đối với các thị trường khác của họ. Hay như các nhà xuất khẩu dứa của Đài Loan đã bán hết 50.000 tấn nhờ nền tảng thường mại điện tử. Ở cấp độ vĩ mô, sự nổi bật của các rủi ro cưỡng chế đã thúc đẩy Australia bảo vệ chủ quyền của mình bằng cách tăng cường mối quan hệ với các đối tác Ấn Độ dương - Thái Bình dương.

3. Một lập luận phổ biến là mục tiêu của các hạn chế thương mại gần đây của Trung Quốc giảm thiểu các quan điểm chính trị mà chính phủ Trung Quốc cho là bất lợi. Nhưng có rất ít bằng chứng cho thấy điều này đang xảy ra ở Australia. Ngược lại, việc tiếp xúc nhiều lần với viễn cảnh về các hạn chế thương mại của Trung Quốc dường như đã gây ra hiệu ứng ngược khi càng có nhiều người phản đối Trung Quốc hơn trước.

4. Những gì Trung Quốc làm với các quốc gia khác cũng có thể khiến các quốc gia đáp trả tương tự. Vào tháng 12/2020, Trung Quốc và châu Âu đã đã ký kết Thỏa thuận đầu tư toàn diện EU - Trung Quốc (CAI) bất chấp sự phản đối của Mỹ và những lời chỉ trích liên quan đến việc Trung Quốc thắt chặt kiểm soát đối với đặc khu hành chính Hong Kong. Nhưng tháng 3/2021, sau các đáp trả ngoại giao của Trung Quốc, EU tuyên bố sẽ xem xét việc thông qua CAI – một tổn thất nặng nề với Bắc Kinh.

Điều cần thiết bây giờ là một cơ chế đa phương để các nước nghiên cứu những ví dụ về sự trừng phạt của Trung Quốc cũng như các hành động tập thể để giúp các nước vượt qua sự trừng phạt đó.