>> Kiềm chế lạm phát: Cần đảm bảo thông suốt chuỗi cung ứng

Năm 2022, Việt Nam đặt ra mục tiêu CPI tăng khoảng 4%. Đây là quyết tâm cao của Quốc hội, Chính phủ, tuy nhiên việc thực hiện mục tiêu CPI của năm 2022 sẽ là thách thức rất lớn đòi hỏi linh loạt, uyển chuyển trong việc thực thi các chính sách vĩ mô.

Theo TS. Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh: Năm 2022 áp lực lạm phát dù đã được dự báo rất lớn nhưng cú sốc không lường trước đến từ xung đột giữa Nga – Ukraine có thể sẽ đẩy lạm phát vượt qua có số mục tiêu 4% mà Chính phủ đề ra.

- Một số tổ chức quốc tế đã có những nhận định cảnh báo Việt Nam về rủi ro lạm phát liên quan đến giá nhiên liệu thế giới tăng cao và thiếu hụt nguồn cung trong nước, ông nhìn nhận như thế nào?

Việc thiếu hụt nguồn cung, giá nguyên nhiên liệu, đặc biệt là giá xăng dầu tăng cao trong thời gian gần đây không phải là mới mà bắt đầu xuất hiện từ cuối năm 2021.

Tuy nhiên có yếu tố không được tính đến đó là địa chính trị xung đột giữa Nga – Ukraine với các đòn trừng phạt kinh tế từ phương Tây nhằm vào Nga làm trầm trọng thêm gián đoạn, đứt gãy nguồn cung, sự khan hiếm của nguyên vật liệu, đẩy giá xăng, dầu tăng mạnh. Bên cạnh đó, Việt Nam đang gặp tình trạng thiếu hụt nguồn cung xăng, dầu trong nước sau khi Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn đang phải cắt giảm công suất xuống còn 80% và tạm ngưng nhập khẩu dầu thô từ tháng 1/2022.

Xăng, dầu chiếm tỷ trọng khá cao và tác động mạnh vào giá thành sản phẩm sản xuất, phản ánh tác động rất mạnh của biến động giá xăng, dầu chắc chắn sẽ gây áp lực lạm phát lớn hơn. Lạm phát tăng 1,4% trong tháng 2/2022 so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu là do chi phí vận chuyển tăng trên 15% so với cùng kỳ năm trước, xu hướng này đã kéo dài một thời gian.

>> Ba yếu tố ảnh hưởng tới lạm phát năm 2022

 Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1/2022 tăng 1,9% so cùng kỳ năm trước. Nguồn: World Bank

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1/2022 tăng 1,9% so cùng kỳ năm trước. Nguồn: World Bank

- Theo ông đâu là lời giải cho bài toán xăng, dầu hiện nay?

Giá xăng, dầu được điều chỉnh tăng 6 lần liên tiếp từ đầu tháng 12/2021 và giá xăng dầu tăng 60% tính từ đầu năm đến nay. Giá xăng dầu tăng là áp lực rất lớn với nền kinh tế, vì xăng dầu là nguyên vật liệu huyết mạch, tác động làm tăng giá nhiều loại hàng hóa khác. Theo tính toán của các chuyên gia kinh tế, nếu xăng dầu tăng 10% sẽ tác động làm lạm phát tăng 0,36%, trong khi đó từ đầu năm đến nay xăng dầu tăng 60% cho thấy áp lực lớn như thế nào.

Tình thế hiện nay đòi hỏi ứng xử về mặt chính sách thách thức hơn, linh hoạt hơn, phải bám sát tình hình thực tế để đưa ra các giải pháp kịp thời.

Chẳng hạn như tìm cách hạn chế sự gián đoạn đứt gãy nguồn cung bằng việc tăng thêm đầu mối nhập khẩu cũng như phối hợp tốt hơn để phục hồi sản xuất tại nhà máy lọc dầu Nghi Sơn. Bên cạnh giải pháp mang tính căn cơ là sửa đổi khung pháp lý cũng như cơ chế điều hành, quỹ bình ổn, trước mắt tính đến giải pháp giảm thuế phí đối với xăng dầu. Hiện nay, Bộ Tài chính đã đề xuất giảm thuế bảo vệ môi trường 1.000 đồng/ lít xăng, dầu nhưng theo tôi, có lẽ phải cân nhắc thêm nữa mức độ cắt giảm thuế môi trường cũng như mức độ có thể giảm được đối với các loại thuế phí khác.

- Cùng với giá nguyên vật liệu tăng cao, chính sách tiền tệ và tài khóa nới lỏng hỗ trợ phục hồi kinh tế sẽ tác động như thế nào lên lạm phát, thưa ông?

Khi triển khai gói hỗ trợ nền kinh tế, cùng với vệc chính sách tiền tệ và tài khóa nới lỏng hỗ trợ phục hồi kinh tế sẽ tác động bất lợi lên lạm phát. Chính vì vậy, Chính phủ, các bộ, ngành đã nghiên cứu rất kỹ và có kế hoạch triển khai bài bản, đúng liều lượng. Tuy nhiên, bên cạnh các giải pháp về kỹ thuật cần phải vận dụng linh hoạt uyển chuyển trong tình hình thực tế hiện nay để làm sao hạn chế áp lực đó.

Điều mà chúng ta phải quan tâm hiện nay đó là phạm vi, cường độ, thời gian của xung đột giữa Nga – Ukraine và độ ngấm của các đòn trừng phạt kinh tế. Bởi một số khu vực, quốc gia, ngay cả Châu Âu có thể rơi vào tình trạng đình lạm. Điều này, đòi hỏi Việt Nam sẽ phải quyết liệt thực thi nhưng cũng phải khéo léo trong việc triển khai các gói hỗ trợ phục hồi kinh tế.

- Xin cảm ơn ông!

PGS, TS Đinh Trọng Thịnh, giảng viên cấp cao Học viện Tài chính:

Trong năm 2022, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính cần xem xét kỹ lưỡng nhu cầu và khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế, tính toán cẩn trọng mức độ, thời hạn, hình thức, phương thức huy động vay nợ công để vừa bảo đảm kích thích nền kinh tế phục hồi và phát triển nhanh chóng, vừa bảo đảm hiệu quả sử dụng vốn vay, bảo đảm khả năng trả nợ vay và sự ổn định, phát triển trong dài hạn của nền kinh tế.

Ông Nguyễn Bích Lâm - nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê:

Trong hai tháng đầu năm, lạm phát tăng 1,68% trong đó xăng dầu đóng góp tới 1,63%. Về các giải pháp kiểm soát lạm phát, yếu tố đầu tiên là kiểm soát nguồn cung, vì áp lực lạm phát năm nay đến từ việc thiếu hụt nguồn cung để dáp ứng cho tổng cầu, đặc biệt là cung về xăng dầu. Giái pháp tiếp theo là không để đứt gãy chuỗi cung ứng. Cuối cùng, cần phải điều hành chính sách tài chính, tiền tệ một cách linh hoạt, nhịp nhàng, hiệu quả đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô.