Còn nhớ vào thời điểm cuối năm 2016 khi tàu trọng tải lớn vào đến Tân cảng Cái Cui, lãnh đạo TP.Cần Thơ rất xúc động phát biểu đây là sự kiện lịch sử mở ra cơ hội mới cho vùng, ấy thế mà chỉ một năm sau luồng bị cạn và “cảng vẫn chờ tàu” như cũ.
 
 Tân cảng Cái Cui đìu hiu chờ tàu.

Tân cảng Cái Cui đìu hiu chờ tàu

Chia sẻ tại buổi đối thoại giữa chính quyền và doanh nghiệp do UBND TP.Cần Thơ tổ chức mới đây, Phó giám đốc Công ty cổ phần Cảng Cần Thơ Lê Tiến Công cho biết sản lượng hàng hóa thông qua cảng từ đầu năm đến nay chỉ đạt khoảng 1,4 triệu tấn bằng 60% kế hoạch năm. Với khó khăn do dịch bệnh Covid-19 và luồng Quan Chánh Bố bị bồi lắng tàu trọng tải trên 10.000 tấn không ra vào được nên dự báo năm nay công ty sẽ không đạt kế hoạch kinh doanh đã đề ra.

Cảng vẫn chờ tàu

Tại Tân cảng Cái Cui cách đó vài trăm mét cũng trong cảnh đìu hiu“vắng bóng con tàu. Đại diện Công ty Tân Cảng Cái Cui cho biết: Tân Cảng – Cái Cui giai đoạn 1 với tổng diện tích hơn 7 ha; có 2 kho hàng rộng 6.000 m2, cầu tàu dài 180 m, mớn nước trước bến – 8,5 m; có thể tiếp nhận tàu trọng tải 20.000 tấn. Đây là cảng container chuyên dụng đầu tiên ở ĐBSCL được trang bị các phương tiện xếp dỡ hiện đại cho cả hàng container và hàng rời. Ngày 24/10/2016, Tân cảng Cái Cui đã đón chuyến tàu container đầu tiên. Tuy nhiên, chỉ sau 1 năm hoạt động, luồng Quan Chánh Bố có nhiều đoạn bị cạn tàu lớn không vào được, mọi kế hoạch của công ty khai thác cảng này đành phải gác lại.

Dự án luồng sông Hậu là công trình hàng hải trọng điểm của ngành giao thông vận tải (GTVT), quy mô lớn nhất từng được triển khai, tổng mức đầu tư gần 10 nghìn tỷ đồng, mục tiêu thông qua 21 đến 22 triệu tấn (hàng hóa tổng hợp) và 450 đến 500 nghìn TEUs/năm vào năm 2020. Dự án có vai trò là tuyến hàng hải huyết mạch, động lực thúc đẩy phát triển kinh tế toàn bộ vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Trong lúc đường bộ thiếu cao tốc, chi phí vận tải cao thì tuyến hàng hải huyết mạch này là niềm mong mỏi không của riêng Cần Thơ mà còn cho cả vùng ĐBSCL. Do đó khi tuyến hàng hải này tiếp tục ách tắc cũng tức là điểm nghẽn trong phát triển kinh tế cả vùng vẫn chưa được khơi thông.

Dự án kênh Quan Chánh Bố: đã lỡ phóng lao!

Các chuyên gia cho rằng có 3 yếu tố quan trọng trong phát triển logistics ở Cần Thơ, đó là vận tải lớn, hạ tầng bến bãi và dịch vụ hậu cần. Nếu Cần Thơ gỡ được nút thắt về vận tải lớn, thì các yếu tố còn lại sẽ được đẩy mạnh, góp phần thúc đẩy tăng trưởng thương mại cho Cần Thơ nói riêng và toàn vùng ĐBSCL.

Chính vì sự cần thiết gỡ nút thắt về vận tải lớn, ngày 27/12/2009 dự án Dự án Luồng cho tàu biển có trọng tải lớn vào sông Hậu qua Kênh Tắt Quan Chánh Bố được khởi công thực hiện với sô vốn dự kiến trên 5.000 tỷ đồng nhưng sau đó điều chỉnh tăng lên gần 10.000 tỷ đồng.

Theo GS.TSKH Nguyễn Ngọc Trân tại thời điểm lập dự án, nhiều ý kiến chuyên gia tỏ ra lo lắng về hiệu quả của dự án này. Thực tế kiểm chứng: luồng Quan Chánh Bố chưa chứng minh được vai trò thay thế luồng Định An.

Theo số liệu của Cảng vụ Hàng hải Cần Thơ trong hai năm 2017, 2018 mỗi năm có hơn 11 triệu tấn hàng hóa được vận chuyển qua luồng Quan Chánh Bố và cửa Định An, trong đó hàng hóa qua cửa Định An chiếm đến khoảng 40%. Như vậy, mặc dù có luồng QCB nhưng luồng Định An vẫn giữ vị trí quan trọng trong vận chuyển hàng hóa của khu vực.

Giám đốc Sở Công Thương TP.Cần Thơ Nguyễn Minh Toại cho biết, hiện nay mỗi tấn hàng hóa xuất khẩu phải vận chuyển bằng đường bộ lên cụm cảng TP.Hồ Chí Minh thì doanh nghiệp phải mất thêm ít nhất 10 USD. Điều này càng làm cho hàng hóa xuất khẩu bị giảm sức cạnh tranh trong bối cảnh mở cửa hội nhập hiện nay. Để tháo điểm nghẽn này, ông Toại đề nghị Chính phủ cho phép cơ chế mời gọi doanh nghiệp trong, ngoài nước tham gia nạo vét cửa Định An và tận thu cát sỏi để bù đắp chi phí nạo vét.

“Cần Thơ được quy hoạch đầu tư trung tâm logistics hạng 2 diện tích 242 ha, phục vụ cho cả vùng nhưng do thời gian qua luồng tàu bị cạn nên nhà đầu tư còn e ngại chưa dám xin chủ trương đầu tư”, ông Toại cho biết.
Đồng tình quan điểm, Phó giám đốc Công ty cổ phần Cảng Cần Thơ Lê Tiến Công cho rằng, việc nghiên cứu nạo vét cửa Định An là cần thiết, hay xây dựng cảng nước sâu Trần Đề là tầm nhìn dài hạn trong 30-50 năm nữa nhưng trước mắt thì cần đầu tư hoàn chỉnh dự án luồng Quan Chánh Bố để phục vụ cho xuất nhập khẩu hàng hóa của vùng.