Những tháng đầu năm 2021, Biển Đông đã tục thu hút sự quan tâm chú ý cùng những phản ứng mạnh mẽ của dư luận thế giới do Trung Quốc tiếp tục xây dựng trái phép ở quần đảo Hoàng Sa.

Trung Quốc tiếp tục xây dựng trái phép ở Trường Sa

Trung Quốc tiếp tục xây dựng trái phép ở Trường Sa.

Mới đây nhất, hình ảnh vệ tinh đã tố cáo Trung Quốc tiếp tục xây dựng trái phép ở quần đảo này.

Cụ thể, theo hình ảnh vệ tinh ghi được, Trung Quốc đã bí mật xây dựng trái phép nhiều cấu trúc mới trên đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Ảnh vệ tinh được Công ty công nghệ Simularity ở Mỹ công bố hôm 16/2 cho thấy các diễn biến mới trên đá Vành Khăn từ năm 2020 đến đầu năm 2021 trong bối cảnh COVID-19 đang hoành hành khắp thế giới.

Theo phát hiện từ công ty này, đã có nhiều thay đổi ở 7 địa điểm trên Đá Vành Khăn.

Theo đó, các ảnh chụp tại một khu vực được đánh dấu là Khu 1 cho thấy đây là khu vực trống vào 7/5/2020. Tuy nhiên, tới 4/2/2021, ảnh chụp vệ tinh cho thấy việc xây dựng một cấu trúc hình trụ kiên cố có đường kính 16m được cho là bắt đầu kể từ đầu tháng 12/2020. Đây dường như là một cấu trúc trụ tháp ăng ten.

Còn tại khu vực được đánh dấu là Khu 2, ảnh chụp từ vệ tinh của Simularity cho thấy, một cấu trúc vòm lớn mới cùng cấu trúc radar cố định đã xuất hiện và không có ở đó 1 năm trước.

Tương tự, các khu vực được đánh dấu là Khu 4 và Khu 7, cách đây một năm có một cấu trúc hình chữ nhật thì hiện nay đã được dọn sạch kể từ ngày 4/2/2021.

Tại khu vực được đánh dấu là Khu 5 và Khu 6 có một số hoạt động xây dựng mới.

Theo Tiến sĩ Jay Batongbacal, chuyên gia hàng hải của Philippines, các cơ sở radar mới dường như đang trong giai đoạn hoàn thành, các thiết bị xây dựng cùng doanh trại đang được chuyển đến quanh đó và một số khu vực có thể đang được dọn dẹp để xây những cơ sở mới hơn.

Trung Quốc xây đảo nhân tạo trái phép ở bãi Vành Khăn của Việt Nam - Ảnh: CSIS

Trung Quốc xây đảo nhân tạo trái phép ở bãi Vành Khăn của Việt Nam - Ảnh: CSIS

Đá Vành Khăn, cùng với đá Chữ Thập và đá Subi, là 3 đá lớn tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Năm 2018, Trung Quốc ngang nhiên triển khai các tên lửa hành trình và tên lửa đất đối không lên 3 đá này bất chấp quốc tế lên án.

Cụ thể, tháng 4/2018, Trung Quốc tổ chức cuộc diễn tập trận lớn nhất từ trước đến nay ở Biển Đông với 48 tàu chiến, 76 máy bay các loại, cùng hơn 10 nghìn binh lính.

Tháng 5/2018, Trung Quốc đưa các dàn tên lửa hành trình chống hạm YJ-12B và tên lửa đất đối không HQ-9B ra lắp đặt trên các thực thể thuộc quần đảo Trường Sa, là đá Chữ Thập, đá Vành Khăn và đá Subi.

Cũng trong thời gian này, Trung Quốc đã mở rộng và hiện đại hóa các thực thể thuộc quần đảo Hoàng Sa, kéo dài đường băng sân bay trên đảo Phú Lâm lên đến 2.700m và đưa máy bay chiến đấu J-11B của Không quân Trung Quốc đến “đồn trú” trên đảo này.

Những hành động nói trên của Trung Quốc đã gây ra những quan ngại sâu sắc và phản ứng mạnh mẽ của các nước trong khu vực và quốc tế. Dư luận quốc tế cho rằng đây là động thái cho thấy Trung Quốc đang tiếp tục thúc đẩy kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng nhằm mục tiêu chiếm trọn Biển Đông, bất chấp luật pháp quốc tế.

Bình luận về vấn đề này, các bộ Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, Pháp, Anh, Úc đều cho rằng, Trung Quốc đang âm mưu đặt tranh chấp ở Biển Đông trước “sự đã rồi” và đe dọa an ninh, xâm phạm chủ quyền của các quốc gia trong khu vực và làm tổn hại kinh tế, giao thương của nhiều nước khác trên thế giới. Do đó, cần phải tìm cách ngăn chặn Trung Quốc biến các hành động sai trái này thành một “quyền nghiễm nhiên”, nếu cộng đồng quốc tế cứ im lặng và làm ngơ trước những gì Trung Quốc đã tuyên bố và làm.

Về phía Việt Nam, từ trước đến nay, Đảng và Nhà nước ta luôn giữ vững quan điểm kiên định về chủ quyền quốc gia đối với Hoàng Sa và Trường Sa; ủng hộ việc giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của LHQ về Luật biển năm 1982, tuân thủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) năm 2002, thúc đẩy xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) và coi việc xây dựng lòng tin chiến lược giữa ASEAN với Trung Quốc là một biện pháp căn bản để duy trì một trật tự an ninh khu vực dựa trên luật pháp quốc tế ở Biển Đông.

Trước sự gia tăng quân sự hóa ở Biển Đông của Trung Quốc, người phát ngôn Bộ ngoại giao Việt Nam đã nhiều lần khẳng định, việc Trung Quốc liên tiếp tiến hành tập trận ở khu vực quần đảo Hoàng Sa đã vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo này, đi ngược lại tinh thần Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), gây phức tạp tình hình, không có lợi cho quá trình đàm phán hiện nay giữa Trung Quốc và ASEAN về Bộ quy tắc ứng xử giữa các bên ở Biển Đông (COC) và việc duy trì môi trường hòa bình, ổn định và hợp tác ở Biển Đông. 

Có thể thấy rằng việc Trung Quốc leo thang căng thẳng ở Biển Đông đã khiến các nước hợp tác với nhau mạnh hơn, có những đối sách thực tế hơn, nhằm đối phó với Trung Quốc. Các quốc gia ASEAN không thể đơn lẻ chống lại Trung Quốc, càng không thể đối đầu với Bắc Kinh chỉ bằng các phát ngôn cứng rắn, mà quan trọng hơn là phải củng cố ASEAN, biết cách thu hút sự tham gia của các nước lớn và hợp tác đúng thực chất thì mới có thể ứng phó hiệu quả hơn với Trung Quốc nhằm bảo vệ chủ quyền quốc gia, lãnh thổ và các nguồn lợi kinh tế của mình ở Biển Đông.

(Còn tiếp)