Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An nhấn mạnh tại Hội nghị Tổng kết Chương trình cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo giai đoạn 2016 – 2020, ngày 14/1.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An.

Theo Thứ trưởng Đặng Hoàng An, các cuộc khảo sát những năm gần đây cho thấy không chỉ tỷ lệ các hộ dùng điện tăng lên mà sản lượng điện sử dụng của các hộ gia đình có điện cũng gia tăng đáng kể.

Tại các khu vực có điện mới, hoạt động sản xuất kính doanh của các tổ chức, người dân được đẩy mạnh, tốc độ tiêu thụ điện hằng năm tăng trưởng cao. Vì vậy, cấp điện khu vực nông thôn, miền núi, hải đảo không chỉ tập trung chủ yếu vào việc cấp điện sinh hoạt như trước đây mà tiến tới đáp ứng yêu cầu sản xuất, phát triển kinh tế, chuyển dịch kinh tế khu vực nông thôn.

Như vậy đặt ra bài toán kinh tế-kỹ thuật cần cân nhắc kỹ lưỡng khi đầu tư lưới điện trong giai đoạn tới. Cách thức tiếp cận điện cho giai đoạn tới cần tập trung thúc đẩy phát triển kinh tế và xã hội, cải thiện sinh kế cho các cộng đồng nông thôn và đồng bào dân tộc thiểu số.

“Do đó, chúng ta cần xác định lại tiếp cận điện với tư cách là điện cho phát triển, sử dụng điện cho sản xuất và chuyển dịch kinh tế”, Thứ trưởng Đặng Hoàng An nói.

Thứ trưởng Đặng Hoàng An đánh giá, giai đoạn vừa qua, chúng ta đã triển khai giải pháp cấp điện NLTT độc lập khu vực biên giới, vùng đặc biệt khó khăn cho các cụm dân cư nhỏ lẻ tại tỉnh Cao Bằng, giảm suất đầu tư trung bình từ khoảng 450 triệu đồng/hộ dân nếu đầu tư cấp điện từ lưới điện quốc gia xuống còn khoảng 80 triệu đồng/hộ dân khi cấp điện bằng NLTT.

Dự án mang lại hiệu quả tiết kiệm nguồn lực tài chính, trước mắt người dân có ánh sáng điện trong sinh hoạt, sử dụng được các thiết bị nghe nhìn, thiết bị thông tin liên lạc nâng cao dân trí, bám đất giữ làng vùng biên giới tổ quốc.

Ngoài ra, trên cơ sở đề xuất của UBND tỉnh Hà Giang, Bộ Công Thương đã phê duyệt bổ sung dự án thủy điện Mận Thắng 3 vào Chương trình, thực hiện cấp điện 167 hộ dân và bán điện dư thừa vào lưới điện quốc gia.

Giảm đầu tư vốn NSNN khoảng 12 tỷ đồng (quy mô khoảng 8 km ĐZ trung thế, 1 TBA, 7,5 km ĐZ hạ thế), dự án đã huy động nguồn tài chính của doanh nghiệp địa phương. “Các mô hình trên cần được nghiên cứu, hoàn thiện và triển khai hiệu quả trong thời gian tới góp phần tăng tỷ trọng đóng góp của khu vực tư nhân”, Thứ trưởng Đặng Hoàng An bày tỏ.

Vẫn theo Thứ trưởng Đặng Hoàng An, phát triển điện nông thôn phải gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững. Trong đó, tập trung quan tâm lồng ghép việc đầu tư các dự án điện nông thôn vào kế hoạch xây dựng nông thôn mới, xây dựng nông thôn mới nâng cao và giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025 để đẩy nhanh việc phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương, tạo môi trường để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn nhất là tại vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc ít người.

Hội nghị Tổng kết Chương trình cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo giai đoạn 2016 – 2020.

Toàn cảnh Hội nghị Tổng kết Chương trình cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo giai đoạn 2016 – 2020.

Trên cơ sở tiêu chí số 4 về điện giai đoạn 2016 – 2020, có thể xem xét bổ sung/điều chỉnh để phù hợp từng cấp bậc đánh giá xã/huyện nông thôn mới đạt chuẩn, nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 – 2025 phục vụ đánh giá việc sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả và an toàn.

Điện khí hóa nông thôn là một trong những thành tựu quan trọng, nổi bật của Việt Nam từ ngày đất nước thống nhất với tỷ lệ các hộ gia đình có điện tăng từ 2,5% vào năm 1975 lên tới 96% vào năm 2009 và 99,53% vào năm 2019 (bao gồm cả thành thị và nông thôn).

Việt Nam đã thành công trong việc cung cấp điện cho hơn 17 triệu hộ dân nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Tại khu vực nông thôn tỷ lệ số hộ dân được sử dụng điện tính đến 31/12/2019 đạt 99,26%; chỉ còn khoảng 0,74% số hộ dân nông thôn chưa được tiếp cận điện.

Chương trình cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo của Việt Nam không chỉ góp phần xóa đói giảm nghèo mà còn đóng góp vào phát triển bền vững cho khu vực nông thôn, miền núi, hải đảo. Chúng ta có thể thấy rất rõ hiệu quả của việc đưa điện về nông thôn qua sự thay đổi sâu sắc trong cuộc sống hằng ngày của người nông dân.

Từ việc giúp người dân thay đổi cơ cấu cây trồng, thay đổi qui mô và tập quán canh tác, chăn nuôi, tăng năng suất trồng trọt, và chế biến nông lâm sản, nâng cao thu nhập cho người dân khu vực nông thôn, điện cũng giúp cho các làng nghề truyền thống sử dụng công cụ máy móc thay thế sức người, phát huy sản phẩm cổ truyền và mở rộng ngành nghề mới.

Các phương tiện nghe nhìn được sử dụng ngày càng phổ biến trong mỗi gia đình nông dân, đã cải thiện đời sống văn hóa, nâng cao dân trí, đem lại những lợi ích cơ bản và lâu dài cho các địa phương, làm cơ sở để xây dựng nông thôn mới trong thời kỳ công nghiệp hóa và hội nhập kinh tế quốc tế.