Bởi khi ban hành Nghị quyết 68/NĐ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ (sau đây gọi tắt là Nghị quyết 68) và Quyết định 23/2021/QĐ-TTg ngày 07/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 (Quyết định 23) lại nảy sinh nhiều bất cập cần được tháo gỡ kịp thời.

Đáng quan tâm là nhóm thứ 10 và 11 về việc hỗ trợ hộ kinh doanh, cho vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất đang được cộng đồng doanh nghiệp quan tâm, đón đợi nhưng vẫn gặp nhiều rào cản.

Chật vật để tiếp cận “phao cứu sinh”

Là một trong những đơn vị đầu tiên trên địa bàn tỉnh Nghệ An được giải ngân nguồn vốn vay theo Nghị quyết 68, ông Phan Xuân Diện – giám đốc Công ty cổ phần dược liệu Pù Mát (huyện Con Cuông) cho rằng, với chính sách hỗ trợ của Chính phủ đã giúp doanh nghiệp thêm “phao cứu sinh” vượt qua đại dịch COVID-19.

“Dịch COVID-19 liên tục bùng phát đã khiến thị trường hàng hoá bị ngưng tụ. Cung lệch cầu và nhiều hệ luỵ xã hội khiến doanh nghiệp chúng tôi không thể duy trì sản xuất, kinh doanh. Lao động nghỉ việc, doanh thu không có vì dây chuyền máy móc phục vụ sản xuất kinh doanh phải ngừng hoạt động. với đặc thù sản xuất sản phẩm trà túi lọc (cà gai leo, dây thìa canh và giảo cổ lam) và đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao nhưng dịch COVID-19 đã khiến doanh nghiệp rơi vào cảnh lao đao” – ông Phan Xuân Diện cho biết.

Cũng theo ông Diện, khi được Ngân hàng chính sách xã hội giải ngân nguồn vốn vay để trả lương cho 8 lao động với hơn 70 triệu đồng trong 3 tháng đã phần nào giúp doanh nghiệp có thêm động lực để tái sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, giám đốc Công ty cổ phần dược liệu Pù Mát cũng kiến nghị là cần kéo dài thêm thời gian cho vay ít nhất 6 tháng và thời gian trả nợ 24 tháng thì sẽ giúp doanh nghiệp được “hà hơi, thổi sức”, tái sinh bền vững hơn.

Tác động của đại dịch COVID-19 bùng phát đã khiến không ít doanh nghiệp rơi vào cảnh kiệt quệ, khó khăn bủa vây

Tác động của đại dịch COVID-19 bùng phát đã khiến không ít doanh nghiệp rơi vào cảnh kiệt quệ, khó khăn bủa vây

Khác với Công ty cổ phần dược liệu Pù Mát, theo đại diện một doanh nghiệp kinh doanh vận tải, xuất nhập khẩu có trụ sở tại Tp Vinh, Nghệ An thì cho rằng, chủ trương hỗ trợ của Chính phủ trong bối cảnh hiện nay có ý nghĩa rất quan trọng để phục hồi nền kinh tế. Vậy nhưng, để chủ trương được sát với thực tế hơn nữa thì Chính phủ cũng cần sớm cắt giảm các thủ tục quá rườm rà, đòi hỏi khắt khe đối với doanh nghiệp cần nguồn vốn vay hỗ trợ.

Bởi khi người ta đã rơi vào trạng thái “chết lâm sàng” rồi thì làm sao đủ sức để trực tiếp đi “sao kê”, đối chiếu các khoản như thuế, quan hệ tín dụng với ngân hàng nữa? 

“Quy định nếu có nợ xấu đến thời điểm giải ngân cho vay thì hồ sơ sẽ bị out, không đủ điều kiện tiếp cận gói hỗ trợ lãi suất “0” đồng ở nhóm 10, 11 theo Nghị quyết 68 của Chính phủ.

Vậy, tại sao không quy định doanh nghiệp được khoanh nợ xấu ngân hàng vào thời điểm cụ thể nào? Và, nếu như khi bùng phát làn sóng dịch bệnh lần thứ 4 từ ngày 01/5/2021 trở về sau này nhóm doanh nghiệp là chủ sử dụng lao động bị ảnh hưởng nên không có khả năng phục hồi sản xuất để trả nợ, lãi ngân hàng thì sao?” – đại diện một số doanh nghiệp ở Nghệ An nêu vấn đề.

Khó khớp lệnh được nguồn vốn vay

Theo Nghị quyết 68 thì nguồn kinh phí 26 nghìn tỷ đồng, tập trung vào hai đối tượng là người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng sâu bởi đại dịch COVID-19 cũng được bố trí để giải ngân.

Ở gói vay này, chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 sẽ được bố trí khoảng 7.500 tỷ đồng theo Thông tư 10/2021 ngày 21/7/2021 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn và thực hiện tái cấp vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội. Ngân hàng Nhà nước tái cấp vốn không có tài sản bảo đảm đối với Ngân hàng Chính sách xã hội.

Vậy nhưng, để tiếp cận được nguồn vốn vay thì nhiều vấn đề đang nảy sinh thực tế trong thời gian qua khiến ngay cả đơn vị được giao trách nhiệm giải ngân là Ngân hàng chính sách và UBND tỉnh, thành các địa phương cũng loay hoay xử lý.

Đơn cử, để tiếp cận gói vay thì yêu cầu doanh nghiệp phải thực hiện thủ tục quyết toán thuế năm 2020 và thêm điều kiện đã được kiểm tra, thanh tra thuế tại thời điểm đề nghị vay vốn thì hồ sơ mới hợp lệ. Đây cũng là điều kiện để ngân hàng chính sách xã hội hoàn chỉnh, “khớp lệnh” hồ sơ giải ngân nguồn vốn vay.

Vậy nhưng, nhiều doanh nghiệp vì một số lý do khách quan khác nhau như dịch COVID-19 liên tục bùng phát trở lại nên việc đi lại để xác nhận đã hoàn thành quyết toán thuế cũng gặp khó khăn.

Mong muốn được sớm tiếp cận gói hỗ trợ bằng cách tháo gỡ các bất cập tồn tại khi triển khai chủ trương chính sách, tạo động lực sớm tái cơ cấu nền kinh tế xã hội

Mong muốn được sớm tiếp cận gói hỗ trợ bằng cách tháo gỡ các bất cập tồn tại khi triển khai chủ trương chính sách, tạo động lực sớm tái cơ cấu nền kinh tế xã hội

Được biết, sau hơn 2 tháng triển khai, cả nước đã có hàng nghìn doanh nghiệp gửi hồ sơ đề xuất cho vay nhưng do thiếu các thủ tục như trên nên gặp khó trong quá trình giải ngân. Ngân hàng chính sách xã hội các địa phương cũng đã có văn bản gửi các ban, ngành liên quan của địa phương để phối hợp tuyên truyền, phổ biến hồ sơ, thủ tục cũng như quy trình nhưng thực tế số lượng đối tượng đủ điều kiện đảm bảo cho vay không nhiều.

Theo báo cáo của Ngân hàng chính sách xã hội, riêng về nhóm chính sách cho vay vốn để trả lương ngừng việc và phục hồi sản xuất đã có hồ sơ của 927 lượt người sử dụng lao động và 132.400 lượt người lao động được phê duyệt với số kinh phí trên 466,4 tỷ đồng. Và, đến thời điểm 03/10 đã giải ngân gần 462 tỷ đồng, chiếm 6,2% kinh phí dự kiến chính sách về vay vốn của Nghị quyết 68/NĐ-CP.  

Riêng tại tỉnh Nghệ An, theo báo cáo Ngân hàng chính sách xã hội của địa phương này thì tính đến ngày 30/9/2021, đơn vị đã rà soát được 8.856 doanh nghiệp. Trong đó chỉ có 24 doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn với số tiền 5.075 triệu đồng để trả lương cho 1.723 lượt lao động. Tuy nhiên, đến ngày 30/9/2021, Nghệ An mới chỉ có 14 doanh nghiệp đã được hoàn tất thủ tục vay vốn với tổng số tiền được phê duyệt và giải ngân cho vay trên 2.735 triệu đồng/1000 lượt lao động được hỗ trợ.

Liên quan đến những bất cập khi triển khai hỗ trợ khiến nhiều doanh nghiệp không mặn mà tiếp cận, mới đây Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã có tờ trình kiến nghị đề xuất bỏ điều điện về nợ xấu vào tờ trình, dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 68/NQ-CP.