Tòa nhà 8B Lê Trực đã chính thức bước vào tháo dỡ giai đoạn 2

Theo đó, lực lượng chức năng đã tiến hành phá tường, vận chuyển phế thải ra bên ngoài, tạo điều kiện cho công tác tháo kính mặt tiền và lắp giáo văng từ ngày 16 – 28/5; tiếp đó từ ngày 20 - 23/5 sẽ cắt một vài ô sàn để cẩu phế thải xuống mặt đất.

6 năm, ai được ai mất

UBND quận Ba Đình cho biết, sau khi phá dỡ xong phần tường, kính, dự kiến đầu tháng 6 quận sẽ triển khai cắt các ô sàn tiếp theo, đảm bảo đúng kế hoạch, tiến độ.

Từ năm 2015, tòa nhà 8B Lê Trực luôn là điểm nóng được Quốc hội và cử tri cả nước quan tâm, không một cuộc họp nào không nhắc đến phương án xử lý và cũng ngần ấy năm, khách hàng mua căn hộ tại các tầng sai phạm thuộc dự án này đội mưa nắng, mang đơn đến cầu cứu khắp các cơ quan chức năng.

Theo tìm hiểu của phóng viên, công trình 8B Lê Trực khởi công xây dựng từ năm 2010, hồ sơ thiết kế cơ sở được Sở Xây dựng quy định với quy mô 20 tầng và chiều cao công trình 69,1m.

Tuy nhiên, dự án mãi đến năm 2014 mới được Sở Xây dựng TP Hà Nội cấp giấy phép xây dựng, đáng nói giấy phép xây dựng này lại không đồng nhất với quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 được cấp ban đầu, dự án chỉ có 18 tầng, chiều cao công trình chỉ còn 53m.

Không chỉ thế, bất cập còn xảy ra ở chỗ, theo giấy phép xây dựng trên, công trình có bình quân các tầng 2,94m, chiều cao thông thủy sau khi trừ đi độ dày sàn bê tông, hệ thống điện, điều hòa, phòng cháy chỉ còn khoảng 2,09m.

Bên cạnh đó, về phía các tầng thương mại, giấy phép được cấp chỉ có trung bình 2,6m/tầng, trong khi theo quy định, chiều cao tối thiểu phải đáp ứng là 4,5m. Có thể thấy, với giấy phép xây dựng trên, thật khó để chủ đầu tư đáp ứng được chất lượng công trình, bởi dù xây xong cũng khó lòng đưa vào vận hành mà các tầng có chiều cao trần chỉ nhỉnh hơn 2m.

Hàng loạt băng rôn, khẩu hiệu với nội dung kêu cứu của các khách hàng mua nhà lại được trưng lên trước cửa dự án 8B Lê Trực.

Hàng loạt băng rôn, khẩu hiệu với nội dung kêu cứu của các khách hàng mua nhà được trưng lên trước cửa dự án 8B Lê Trực

6 năm ròng rã cùng những lần bị đưa ra để tìm phương án giải quyết, những quyết định “đúng – sai”, nên xử lý như thế nào, không ít lần chủ đầu tư tòa nhà 8B Lê Trực đề nghị được tự khắc phục phần vi phạm để giảm thiệt hại tài sản, tránh mâu thuẫn với người mua nhà.

Ngày 12/5 vừa qua, một lần nữa chủ đầu tư là Công ty CP may Lê Trực đề nghị UBND quận Ba Đình dừng việc cưỡng chế giai đoạn 2 để hoàn thiện các thủ tục pháp lý liên quan đến xử lý vi phạm hành chính. Đồng thời, chủ đầu tư cũng đề nghị được tự khắc phục phần vi phạm theo phương án phá dỡ do Công ty TNHH tư vấn Đại học Xây dựng đề xuất hồi đầu năm 2019. Tuy nhiên, đề xuất này đã bị bác bỏ.

6 năm trôi qua, cũng không ít lần người mua nhà tại tòa 8B Lê Trực căng băng rôn đòi nhà, cả những khách hàng mua nhà ở các tầng xây vượt và cả những khách hàng ở tầng khác. Tất cả họ đều lo ngại việc phá dỡ sẽ làm ảnh hưởng đến chất lượng, kết cấu cũng như không đảm bảo công trình sau cưỡng chế đưa vào sử dụng.

Công trình vô tội

Trước đó, trên cương vị là lãnh đạo đơn vị trực tiếp hoàn thành nhiệm vụ cắt ngọn tòa 8B Lê Trực giai đoạn 1 (tầng 19), ông Đàm Văn Long – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Phương Bắc đã gửi tâm thư về những trăn trở trong nhiệm vụ trên.

Trong thư ông Long cho biết, cắt ngọn các công trình sai phép để chấn chỉnh trật tự xây dựng là biện pháp rất tiêu cực và đau xót, bởi đến nay các công trình sai phép ngày một tràn lan, bao nhiêu mồ hồi, nước mắt, tài sản xã hội đổ xuống sông, đổ xuống biển vô nghĩa nhưng vẫn không chấn chỉnh được trật tự xây dựng.

Hiện Hà Nội đang bắt đầu tiến hành phá giỡ giai đoạn 2 (tầng 17,18) tòa 8B Lê Trực, công tác thực hiện vô cùng nguy hiểm và có thể gây ảnh hưởng lớn đến kết cấu công trình, lãng phí tài sản xã hội.

Ông Long cho biết, nếu muốn phá dỡ giai đoạn 2 thì phải phá bỏ cả tòa nhà. Bởi lẽ, theo phương án phá dỡ giai đoạn 2 được xây dựng bởi Công ty TNHH tư vấn Đại học Xây dựng và những ý kiến của các chuyên gia, kỹ thuật chỉ rõ, tại nóc tầng 18 dự án, theo thiết kế có dầm treo cao 1,8m vượt nhịp 17m để treo hai cột công trình ở mặt đường Trần Phú.

Thiết kế này khiến việc phá vỡ dầm, sàn, cột vách từ tầng 18 tới cao độ + 55,20m bằng cao độ sàn tầng 17 sẽ ảnh hưởng đến hệ kết cấu treo do không còn điểm treo (vì đã phá mất dầm treo trên nóc tầng 18) và phải gia cố kết cấu trước khi phá dỡ.

Bên cạnh đó, từ kinh nghiệm có được từ giai đoạn 1, Chủ tịch Tập đoàn Phương Bắc cũng cho rằng, để phá dỡ phần giật cấp của tòa nhà, sẽ phải bỏ hầu hết các cột và dầm biên chịu lực của tòa nhà. Do đó, việc phá dỡ giai đoạn 2 nếu tiến hành nguy cơ mất an toàn là rất cao, có thể phải phá bỏ cả tòa nhà.

Theo đó, ông Long hiến kế xin dừng toàn bộ việc cắt ngọn các công trình sai phép, cho thanh tra, kiểm tra trên toàn quốc, tất cả các công trình sai phạm tính theo mét vông giá thị trường, nhân với hệ số đủ sức răn đe, thu tất cả về ngân sách.

“Rồi từ sau thời điểm đó, chỗ nào còn vi phạm yêu cầu phá bỏ cả tòa nhà, những con người sai phạm, để xảy ra sai phạm thì kỷ luật ngay bằng hình thức cao nhất. Được như vậy sẽ không còn tình trạng sai phép, lộn xộn, nhếch nhác trong trật tự xây dựng nữa” – Vị Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Phương Bắc bày tỏ quan điểm.