Tàu khai thác cát trái phép trên sông Hiếu được người dân ghi lại vào ngày 13/12/2020

Tàu khai thác cát trái phép trên sông Hiếu được người dân ghi lại vào ngày 13/12/2020

Như Diễn đàn Doanh nghiệp đã thông tin trong bài viết “Gio Linh (Quảng Trị) dân kêu cứu vì sông Hiếu sạt lở nghiêm trọng”. Cùng với những hình ảnh, clip người dân xã Gio Mai (Gio Linh) đăng tải trên mạng xã hội đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của công luận.

Ông Hoàng Thanh Lương, Chủ tịch UBND xã Gio Mai cho biết, đã thành lập tổ tuần tra xử lý khai thác cát trái phép trên sông Hiếu đoạn qua địa bàn xã; đồng thời đã báo cáo về UBND huyện tình trạng này.

Xác nhận với Đài truyền hình tỉnh Quảng Trị, ông Võ Quốc Hoàng, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho rằng, việc khai thác cát trái phép thỉnh thoảng xảy ra trên sông Thạch Hãn. Tại địa bàn xã Gio Mai, hiện nay không có tổ chức, cá nhân nào được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép khai thác cát.

Sự thật, việc khai thác cát trái phép trên sông Hiếu (một nhánh của sông Thạch Hãn) đoạn qua xã Gio Mai không phải "thỉnh thoảng" xảy ra như lời vị Phó giám đốc Sở, mật độ diễn ra ngày một dày, tính chất công khai.

Ông Hoàng đề xuất phương án, để xử lý tình trạng này, trước hết UBND huyện phải chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, phối hợp với UBND các xã, lực lượng nòng cốt là công an huyện vào cuộc.

Trao đổi với phóng viên Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Võ Đắc Hóa, Chủ tịch UBND huyện Gio Linh cho biết, đang chỉ đạo các xã và lực lượng công an túc trực, tuần tra, ngăn chặn tình trạng khai thác cát trái phép trên sông Thạch Hãn.

Đất đai mỗi ngày một thu hẹp, nạn

Đất đai mỗi ngày một thu hẹp, nạn "cát tặc" vẫn chưa thể giải quyết dứt điểm

Tuy nhiên, rất nhiều người dân ở xã Gio Mai bày tỏ lo ngại, “cát tặc” chỉ tạm lắng xuống một thời gian khi bị “đặt vấn đề” rồi mọi việc lại trở về như cũ. Lo lắng này có cơ sở bởi theo ông Hoàng “2 năm qua đã xử phạt 166 vụ”. Nhưng không thể quét sạch vấn nạn này.

Đoạn sông bị “cát tặc” hoành hành có liên quan đến nhiều huyện, xã, bao gồm huyện Gio Linh và Triệu Phong, các xã Gio Quang, Gio Mai, Triệu Độ, Triệu Phước,…

Tình trạng sạt lở không chỉ diễn ra tại xã Gio Mai, toàn tuyến từ Cầu Đông Hà đến Cảng Cửa Việt hơn 13km đều ghi nhận hiện tượng mất bờ sông, nhiều vùng đang báo động đỏ. Liệu rằng, chính quyền, lực lượng chức năng bất lực?

Khai thác cát trái phép bị xử lý như thế nào?

Nghị định 142/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản. Phạt tiền đối với hành vi khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường không sử dụng vật liệu nổ công nghiệp mà không có giấy phép khai thác khoáng sản, cụ thể như sau:

Mức xử phạt hành chính thấp nhất từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng khi khai thác với khối lượng khoáng sản khai thác đến 5m3/ngày. Mức phạt hành chính cao nhất từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng khi khai thác với khối lượng khoáng sản khai thác từ 25 m3/ngày trở lên.

Ngoài ra, còn có hình phạt bổ sung, tịch thu toàn bộ tang vật là khoáng sản; tịch thu phương tiện sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm.

Tại xã Gio Mai, theo tính toán của người dân, mỗi ngày có tới 7 tàu hút cùng lúc, mỗi tàu có sức chứa 80m3, kéo dài nhiều năm. Số lượng khoáng sản, tài nguyên bị “chảy máu” quả thật khó đo đếm. Chủ tàu có thể chấp nhận nộp phạt để tiếp tục hoạt động.

Hơn nữa, thứ mất đi không chỉ là tài nguyên mà còn là sinh kế, tương lai của hàng vạn người dân; mất niềm tin của nhân dân đối với chính quyền. Đó đều là những thứ không thể bù đắp được.

“Cát tặc” hoạt động như thế nào, vì sao vi phạm nối tiếp sai phạm nhưng không thể xử lý triệt để? Diễn đàn Doanh nghiệp sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.