Hôm 26/5, Văn phòng Chính phủ có Công văn số 3479 gửi Bộ NN&PTNT và UBND tỉnh Quảng Nam về việc xây dựng Đề án thí điểm kinh doanh tín chỉ các-bon rừng.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh khẳng định: "Việc bảo tồn đa dạng sinh học rừng tự nhiên mà Quảng Nam đang triển khai đồng bộ sẽ là điều kiện tiên quyết giúp Quảng Nam có cơ hội tham gia thị trường tín chỉ các-bon rừng sôi động."

Theo tính toán của các chuyên gia kinh tế, với 628.000 ha rừng tự nhiên đang được Quảng Nam bảo vệ nghiêm ngặt. Nếu Quảng Nam triển khai thành công dự án quota khí thải, với diện tích rừng tự nhiên hiện có đang được bảo vệ, mỗi năm bình quân Quảng Nam sẽ thu cho ngân sách từ 5 đến 10 triệu USD từ quota khí thải.

Còn theo tính toán của Bộ NN&PTNT, mỗi năm Việt Nam có thể bán ra thị trường thế giới 57 triệu tín chỉ carbon. Nếu được giá bán 5 USD/tín chỉ, thì mỗi năm Việt Nam có thể thu về hàng trăm triệu USD. Đó là nguồn thu cố định và gia tăng mỗi năm khi thị trường cac-bon từ rừng trên thế giới được giao dịch sôi động.

Để triển khai thí điểm kinh doanh tín chỉ các-bon rừng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đồng ý về chủ trương cho Quảng Nam lập Đề án thí điểm kinh doanh tín chỉ các-bon rừng từ giảm phát thải khí nhà kính thông qua chống mất rừng và suy thoái rừng; quản lý bền vững tài nguyên rừng; bảo tồn, nâng cao trữ lượng các-bon rừng (REDD+) tại Quảng Nam. Thời gian thí điểm 5 năm (2021 - 2025).

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành giao Bộ NN&PTNT phối hợp với Bộ TN&MT tổ chức thẩm định đề án của UBND tỉnh Quảng Nam, báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định.

Vào cuối tháng 3.2021, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh đã có tờ trình Thủ tướng Chính phủ Đề án thí điểm kinh doanh tín chỉ các-bon rừng thông qua REDD+. Trước đó, hầu hết bộ, ngành Trung ương đều ủng hộ cho Quảng Nam thí điểm kinh doanh tín chỉ các-bon rừng trên thị trường quốc tế.

Rừng tự nhiên ở Quảng Nam đang được bảo vệ nghiêm ngặt để tiến tới xuất khẩu khí thải

Rừng tự nhiên ở Quảng Nam đang được bảo vệ nghiêm ngặt để tiến tới xuất khẩu khí thải

 

Theo tính toán, nếu đề án được Thủ tướng phê duyệt, mỗi năm Quảng Nam có thể thu về khoảng 5 triệu USD từ việc bán tín chỉ các-bon rừng. Hiện nay, có 5 công ty nước ngoài đăng ký mua lại giấy phép/tín chỉ các-bon rừng tại Việt Nam.

Theo các chuyên gia kinh tế, thị trường tín chỉ các-bon rừng đang được giao dịch sôi động trên thị trường Quốc tế. Nhất là các nước phát triển công nghiệp. Bởi sau khi Nghị định thư (NĐT) Kyoto được ký kết, các doanh nghiệp Nhật Bản đã săn tìm mua tín chỉ các-bon rừng. Thậm chí thông qua chính phủ Nhật, các doanh nghiệp đã chi hàng chục triệu USD để ODA cho các nước đầu tư trồng rừng phòng hộ.

Nghị định thư Kyoto có hiệu lực từ cuối năm 2004, hiện có tổng số 161 quốc gia (trong đó có 39 nước công nghiệp phát triển) đã ký hiệp ước này. Các nước đã phê chuẩn NĐT Kyoto sẽ phải thực hiện nghĩa vụ giảm phát thải khí nhà kính ở bất kỳ nơi đâu với chi phí thấp nhất.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh khẳng định:

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh khẳng định: "Việc bảo tồn đa dạng sinh học rừng tự nhiên mà Quảng Nam đang triển khai đồng bộ sẽ là điều kiện tiên quyết giúp Quảng Nam có cơ hội tham gia thị trường tín chỉ các-bon rừng sôi động.". Trong ảnh: Ông Thanh trong một chuyến kiểm tra rừng

Ngay tại Quảng Nam, dự án trồng rừng PASSA do chính phủ Nhật Bản tài trợ đã trồng hàng trăm ha rừng tại vùng cát ven biển. Tuy nhiên do quĩ đất giành để phát triển công nghiệp và khu đô thị nên chương trình trồng rừng đã dừng lại vì quĩ đất hạn chế. Việc đầu tư trồng rừng phòng hộ này theo các chuyên gia kinh tế khẳng định là việc đầu tư để mua quota khí thải giá rẻ mà các doanh nghiệp Nhật Bản đã tính toán.

Tại cuộc hội thảo “Phát triển thị trường cacbon ở Việt Nam: Các công cụ dựa trên thị trường và tiềm năng ứng dụng” được Bộ Tài nguyên và Môi Trường tổ chức vào tháng 10 năm 2020 đã chỉ ra rằng các tỉnh miền Trung đã và đang phải đối mặt, gánh chịu nhiều hậu quả nặng nề từ các trận lũ lụt, mưa bão, thiệt hại về người và tài sản là rất lớn. Những rủi ro thiên tai này có nguyên nhân chính từ tác động của BĐKH.

Ông Nguyễn Tuấn Quang, Phó Cục trưởng Cục BĐKH, Bộ TN-MT cho biết, ứng phó với BĐKH đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của Quốc hội, Chính phủ. Nguồn lực để đạt được các mục tiêu ứng phó với BĐKH sẽ lên tới hàng chục tỷ USD. Một trong những phương thức để huy động nguồn lực xã hội một cách minh bạch và linh hoạt vào hoạt động này là định giá cacbon, xây dựng hệ thống trao đổi hạn ngạch phát thải và tín chỉ cacbon.

Từ năm 2012, Việt Nam đã tham gia chương trình “Sẵn sàng tham gia thị trường cacbon” với sự hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới. Cho tới nay, dự án đã đạt được một số kết quả nhất định, đặt nền tảng để Việt Nam hình thành và phát triển thị trường cacbon trong nước, tiến tới tham gia thị trường cacbon thế giới.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh trong một lần kiểm tra rừng

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh trong một lần kiểm tra rừng

Theo tính toán của các chuyên gia Bộ TN-MT, thị trường mua bán phát thải cacbon là một phần của mua bán phát thải. Mỗi quốc gia có một mức độ khí thải tối đa mà các cơ sở được cho phép “xả”. Quốc gia nào có lượng khí thải xả ra nằm dưới mức cho phép có quyền bán quota khí thải của mình cho những quốc gia khác.

Trên thế giới, cộng đồng doanh nghiệp đã tham gia, áp dụng công cụ định giá cacbon trên cơ sở điều tiết của Chính phủ. 46 quốc gia và 35 vùng lãnh thổ đã áp dụng định giá cacbon, với sự tham gia của hàng chục ngàn tập đoàn doanh nghiệp lớn. Nguồn thu từ thị trường này năm 2019 lên tới 45 tỷ USD, đặc biệt đã quản lý được trên 12 tỷ tấn CO2 tương đương 22,3% tổng lượng khí phát thải toàn cầu.

Với tầm nhìn chiến lược cùng với lợi thế tiềm năng rừng tự nhiên với đa dạng sinh học, Quảng Nam là tỉnh đầu tiên xin Chính phủ triển khai dự án quota khí thải ra thị trường Thế giới. Tuy nhiên, để có quyền bán quota khí thải ra thị trường Thế giới việc đầu tiên Quảng Nam phải thực hiện đó là công tác bảo vệ rừng nghiêm ngặt

Nếu bán được tín chỉ carbon, cùng với các khoản thu từ dịch vụ môi trường rừng, Quảng Nam chắc chắn sẽ gia tăng tốt công tác quản lý bảo vệ rừng, cũng như phát triển rừng gỗ lớn. Hướng đến sản xuất công nghiệp có giá trị gia tăng cao, thay vì duy trì trồng rừng gỗ nhỏ, có giá trị gia tăng thấp, gây trọc hóa, cháy rừng và sạt lở núi... như hiện nay sẽ được khắc phục.