Lại một lần nữa hoạt động thao túng giá cổ phiếu bị phanh phui khi vừa qua Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính số tiền 550 triệu đồng đối với ông Nguyễn Quang Vịnh, một nhà đầu tư cá nhân tại Hà Nội vì đã sử dụng 12 tài khoản để thao túng cổ phiếu của CTCP Vinaconex 21 (HNX: V21).

p/Cổ phiếu V21 của CTCP Vinaconex 21 vừa bị ông Nguyễn Quang Vịnh thao túng.p/(Biểu đồ: Diễn biến cổ phiếu V21 từ đầu năm 2017 đến nay)

Cổ phiếu V21 của CTCP Vinaconex 21 vừa bị ông Nguyễn Quang Vịnh thao túng. (Biểu đồ: Diễn biến cổ phiếu V21 từ đầu năm 2017 đến nay)

Tình trạng báo động

Trước đây thị trường ghi nhận không ít trường hợp thao túng giá cổ phiếu cũng với chiêu bài lập nhiều tài khoản, mua bán cổ phiếu nhằm đẩy giá lên cao. Những cổ phiếu từng bị thao túng giá trong thời gian qua có thể được kể đến như GSO, TNT, CDO, SPI, HVA, VID, CMI ..., cá biệt là trường hợp MTM và CDO đã để lại rất nhiều hệ lụy khi những nhà đầu tư (NĐT) mua vào bị mất trắng tài sản.

Hiện nay chúng ta mới chỉ thấy UBCKNN xử phạt một số NĐT cá nhân vi phạm, nhưng thực tế ngay cả những tổ chức lớn cũng có những vi phạm này dưới danh nghĩa cá nhân. Điển hình là trường hợp cổ phiếu HNG của Hoàng Anh Gia Lai, theo đó bà Trần Thị Minh Phượng đã sử dụng 42 tài khoản, trong đó 03 tài khoản đứng tên mình và 39 tài khoản đứng tên người khác mở tại 16 Cty chứng khoán để thao túng giá cổ phiếu HNG.
Thao túng giá cổ phiếu cũng có nhiều mục đích khác nhau, có thể đẩy giá lên nhằm trục lợi nhưng cũng có thể muốn tăng vốn hay thoái ra lượng lớn cổ phiếu với giá cao. Thị trường từng ghi nhận rất nhiều cổ phiếu có giá rất thấp nhưng sau khi doanh nghiệp công bố phát hành tăng vốn thì giá bắt đầu tăng mạnh kèm theo gia tăng thanh khoản của cổ phiếu. Hay câu chuyện đẩy giá lên cao rồi bán ra một lượng lớn cũng là hiện tượng từng xảy ra.

1,2
tỷ đồng là mức phạt tối đa đối với những tổ chức có hành vi tạo cung cầu giả nhằm thao túng giá cổ phiếu.

Những câu chuyện vi phạm đạo đức kinh doanh nói trên đã và đang diễn biến phức tạp, khiến các NĐT nước ngoài e ngại khi rót vốn vào thị trường chứng khoán Việt Nam.

Cách nhận biết cổ phiếu bị thao túng

Có một thực tế rằng hành vi thao túng giá cổ phiếu thường được dập khuôn. Nhóm thao túng đầu tiên thường lựa chọn 1 doanh nghiệp với quy mô vừa phải và tình hình kinh doanh không cần quá nổi bật. Sau đó, họ thu gom ép giá và cuối cùng là kéo giá. Theo đó, khi giá cổ phiếu bị thao túng liên tục tăng nóng với biên độ rộng, nhiều NĐT bắt đầu nhảy vào mua. Câu chuyện cuối cùng ở đây chính là lòng tham và ham muốn kiếm lời nhanh chóng của một số NĐT. Hoặc có nhiều trường hợp NĐT biết rõ, nhưng họ lại tin rằng “cục than đỏ” này sẽ sớm được vứt sang cho người khác mà không biết rằng kẻ khác đã vứt lại cho mình và tháo chạy.

Đối với những NĐT gạo cội, việc phát hiện cổ phiếu bị thao túng không quá khó, bởi có thể bằng linh cảm, họ cũng có thể nhận ra cổ phiếu có dấu hiệu bất thường. Nhưng với những NĐT ít kinh nghiệm, cần căn cứ vào một số đặc điểm sau để nhận biết các cổ phiếu bị làm giá: Thứ nhất, tình hình kinh doanh không có nhiều khởi sắc, nhưng khi có vài thông tin tích cực, thì giá cổ phiếu liên tục tăng mạnh. Thứ hai, những cổ phiếu đi ngang và thanh khoản cạn kiệt trong thời gian dài, nhưng sau đó giá và khối lượng giao dịch của cổ phiếu đó bắt đầu tăng lên dù thông tin về doanh nghiệp không có gì đặc biệt. Thứ ba, cổ phiếu có nhiều NĐT hô hào mạnh mẽ trên các diễn đàn với nhiều thông tin sai lệch. Thứ tư, các lãnh đạo của doanh nghiệp liên tục đăng ký bán ra với số lượng lớn khi giá cổ phiếu tăng cao...

Để đảm bảo an toàn trong giao dịch, các NĐT chỉ nên tập trung vào những cổ phiếu có tỷ lệ tự do chuyển nhượng cao, có nhiều NĐT tham gia bởi những cổ phiếu này rất khó bị thao túng do quy mô lớn.

Trường hợp đã lỡ mua cổ phiếu đang bị làm giá, nếu cổ phiếu này đang giảm, thì NĐT tuyệt đối không được mua bình quân giá. Còn nếu có lời thì NĐT nên bán ngay cổ phiếu đó.

Cần xử lý hình sự

Trước đây khi các chế tài xử phạt chưa mang tính răn đe, mức xử phạt quá thấp so với lợi nhuận thu được nên nhiều cổ phiếu bị thao túng giá. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, hiện tượng này đã có xu hướng giảm so với trước đây. Có lẽ nguyên nhân chính do đã có nhiều chế tài phạt và giám sát chặt chẽ hơn của cơ quan quản lý Nhà nước. Cụ thể, Nghị định 108/2013/NĐ-CP quy định mức xử phạt rất cao, phạt tiền tối đa đối với tổ chức đến 1,2 tỷ đồng, đối với cá nhân đến 600 triệu đồng. Ngoài ra, đối tượng vi phạm còn bị tịch thu toàn bộ khoản thu lời bất hợp pháp (nếu có). Cao hơn nữa, Bộ luật hình sự sửa đổi 2015 có hiệu lực kể từ năm 2018 cũng đưa ra nhiều chế tài xử phạt nặng tay, trong đó cao nhất là phạt tù tối đa 7 năm đối với hành vi thao túng giá cổ phiếu.

Hơn nữa, rất nhiều hành vi vi phạm trên TTCK được bổ sung, trong đó hành vi “thao túng TTCK” đã được bổ sung để xác định tội phạm “thu lợi bất chính”. Theo đó, trường hợp có khoản thu lợi bất chính từ 500 triệu đồng trở lên sẽ bị xử lý hình sự. Mặc dù vậy, cho đến nay chưa có NĐT nào bị xử lý hình sự, một phần do cơ quan cảnh sát điều tra gặp nhiều khó khăn trong việc thu thập bằng chứng để khởi tố hình sự. Đó có thể là lý do tại sao hoạt động thao túng giá cổ phiếu vẫn còn diễn biến phức tạp. Bởi vậy, nhiều chuyên gia cho rằng, đã đến lúc cơ quan quản lý Nhà nước cần tăng cường giám sát chặt chẽ hơn nữa, tăng mức xử phạt, thậm chí xử lý hình sự đối với một số trường hợp làm giá cổ phiếu gây hậu quả nghiêm trọng, để tăng tính răn đe cho những kẻ đang hoặc có ý đồ thực hiện hành vi này.