Động thái này của EU cũng là tham chiếu đáng giá cho nhiều quốc gia khác dù tỷ lệ tiêm vaccine COVID-19 của họ chưa đáng kể.

 Kể từ ngày 17/5, Bồ Đào Nha cho phép nhập cảnh với du khách Anh với điều kiện âm tính COVID-19 trong vòng 72 giờ trước khi khởi hành. (Một trung tâm tiêm chủng vaccine COVID-19 tại London, Anh. Ảnh: THX)

Kể từ ngày 17/5, Bồ Đào Nha cho phép nhập cảnh với du khách Anh với điều kiện âm tính COVID-19 trong vòng 72 giờ trước khi khởi hành. (Một trung tâm tiêm chủng vaccine COVID-19 tại London, Anh. Ảnh: THX)

“Phép màu” của EU

Du khách ngoại khối có thể đến EU khi đã tiêm một trong những loại vaccine được cấp phép tại “lục địa già” như Pfizer, Moderna, AstraZeneca và Johnson & Johnson; mũi vaccine gần nhất phải được tiêm trong vòng 14 ngày trước khi nhập cảnh.

Du khách từ các nước có tỷ lệ lây nhiễm COVID-19 thấp cũng có thể tới Châu Âu với điều kiện âm tính với dịch bệnh này.

Đâu là bí quyết của EU? Đó chính là vaccine, tính đến ngày 24/5, tỷ lệ được tiêm chủng tại EU cao nhất thế giới, Đức là 40,9%, Italy 34,55%, Pháp 32,7%. Tính trung bình, tỷ lệ tiêm vaccine trong toàn khối EU gần 30%, cao hơn rất nhiều mặt bằng chung toàn thế giới - chưa đầy 10%. EU đang phấn đấu tiêm cho 70% dân số vào tháng 7 tới đây.

Châu Âu bắt đầu gần đạt được miễn dịch cộng đồng nhờ vaccine COVID-19, trong khi đó Canada và Mỹ đều đạt con số tiêm phòng lần lượt 51,97% và 49,9%. Vì vậy, EU hoàn toàn có cơ sở để nới lỏng các hoạt động du lịch nội khối và ngoại khối từ Bắc Mỹ và một số quốc gia Châu Á có tỷ lệ tiêm chủng khá cao như Bahrain, Israel, Nhật Bản và Australia.

Tham chiếu cho Việt Nam

Đến nay, phòng chống COVID-19 bằng cách ly, giãn cách xã hội không phù hợp với bối cảnh mới. Chí ít với ngành du lịch, chúng ta không thể khoanh tay đứng nhìn khi EU và các quốc gia rục rịch tái khởi động hoạt động này.

Dĩ nhiên, bài toán vẫn là vaccine. Tỷ lệ được tiêm chủng ở Việt Nam còn quá thấp, chỉ khoảng 1% dân số. Việt Nam cần thêm ít nhất 30 triệu liều vaccine nữa để đạt được mức trung bình của Châu Âu.

Bài học ở Châu Âu (AstraZeneca), Bắc Mỹ (Pfizer - BioNTech) cho thấy để nhanh chóng có vaccine, phải kết hợp nguồn lực tư nhân, xã hội hóa.

Nếu chưa thể sản xuất, Nhà nước cần tạo điều kiện cho các tập đoàn tư nhân nhập khẩu và kinh doanh vaccine, nhưng phải siết chặt chống đầu cơ, buôn lậu. Nhà nước có thể trợ giá để mọi người dân dễ tiếp cận vaccine hơn.

Trên thực tế, cơ chế xã hội hóa vaccine đã được Chính phủ và các Bộ ngành liên quan tính đến từ đầu năm nay. Nhưng cốt lõi là phải bảo đảm quyền lợi của doanh nghiệp như: cơ chế bảo hiểm rủi ro về sức khỏe khách hàng đối với những doanh nghiệp chỉ đơn thuần thương mại, xuất nhập khẩu; Hỗ trợ đắc lực khâu vận chuyển, bảo quản, phân phối…

Bên cạnh đó, nên khuyến khích các doanh nghiệp có điều kiện tự tìm kiếm nguồn vaccine để tiêm cho cán bộ, nhân viên của mình. Ngoài ra, cần gấp rút xây dựng quỹ vaccine từ nguồn đóng góp từ các cá nhân, tổ chức. Về lâu dài, chúng ta cần tính đến phương án tự sản xuất theo hình thức đối tác công - tư để khơi dậy tiềm năng khoa học- công nghệ, tài chính từ những doanh nghiệp lớn như Vingroup...