>> “Lửa” đã “cháy” đến Bộ Giáo dục?

Dư luận không khỏi quan ngại trước những bất cập của việc lựa chọn SGK - Ảnh minh họa

Dư luận không khỏi quan ngại trước những bất cập của sách giáo khoa. - Ảnh minh họa

Sách giáo khoa làm nóng “dư luận” và nghị trường

Vấn đề học phí tăng và giá sách giáo khoa tăng “phi mã” đã làm “nóng” dư luận thời gian qua, thậm chí những bức xúc đó đã được được các Đại biểu Quốc hội lắng nghe phản ánh trên nghị trường nhằm tìm ra giải pháp  để giữ ổn định mức học phí cũng như đảm bảo giá sách giáo khoa thấp nhất.

Như đã biết, cuối tháng 4, Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam công bố giá sách giáo khoa mới lớp 3, 7 và 10 ở hai bộ sách “Kết nối tri thức với cuộc sống” và “Chân trời sáng tạo”, áp dụng từ năm học 2022-2023, với mức tăng “khủng” tới gấp 2, 3 lần giá sách cũ. Về việc này, Bộ Giáo dục - Đào tạo giải thích giá sách giáo khoa mới tăng do khổ lớn hơn, in ấn chất lượng cao hơn.

Ai cũng hiểu rằng vào mỗi đầu năm học mới, đa số phụ huynh có thu nhập từ trung bình trở xuống chịu áp lực rất lớn từ các khoản chi phí học tập cho con em mình, từ sách giáo khoa, học phí, các khoản thu đầu năm học). Trước đây, với mức giá cũ, sách giáo khoa vẫn luôn gây lo âu cho nhiều phụ huynh. Năm học mới này, giá sách giáo khoa lại tăng “khủng”.

Nhiều phụ huynh học sinh cho biết, dù biết đắt đỏ, lãng phí nhưng vẫn phải “cắn răng” để mua theo gợi ý của nhà trường. Nếu có ai sử dụng, phụ huynh sẽ tặng lại để tiết kiệm chi phí nhưng lớp sau cũng phải mua sách cải cách mới. Vả lại, mỗi nơi sẽ có danh sách sách tự chọn khác nhau hoặc sử dụng bộ sách khác, nên không thể truyền lại cho lớp sau.

Dĩ nhiên, có sách đẹp để học học sinh nào cũng thích. Nhưng vấn đề đặt ra là ở giai đoạn khó khăn sau đại dịch COVID-19, liệu có cần thiết phải đẹp? Người dân hy vọng khi Chính phủ vào cuộc thanh tra toàn diện về quá trình soạn và phát hành sách giáo khoa ở Bộ Giáo dục - Đào tạo trong bao năm nay đầy những điều tiếng, nhiều vấn đề sẽ được làm rõ.

Có một nghịch lý, trong khi Nhà nước đầu tư rất nhiều ngân sách cho việc soạn thảo, các bộ sách giáo khoa cứ luôn thay đổi liên tục, chất lượng và giá bán gây nhiều bức xúc cho phụ huynh. Thực trạng này khiến nhiều người nghĩ rằng đến bóng dáng kinh doanh trong lĩnh vực mang tính cộng đồng cao này?

Còn nhớ, Đại biểu Châu Quỳnh Dao (Kiên Giang) từng phát biểu rất thẳng thắn trên nghị trường: “Tại sao 2 năm qua, dù có nhiều kiến nghị về việc bổ sung sách giáo khoa vào danh mục nhà nước định giá nhưng Bộ Tài chính chưa trả lời? Trước đó nhiều năm, Văn phòng Chính phủ truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã đề nghị Bộ Tài chính quản lý khung giá sách giáo khoa và kê giá đúng theo luật định.

Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nêu rõ: “Giá sách giáo khoa không phải là mặt hàng Nhà nước định giá mà thuộc danh mục kê khai giá, cho nên quyền quyết định giá là của các nhà sản xuất ra sách giáo khoa. Nhà nước chỉ thẩm định giá đối với những loại sách và những sản phẩm được mua bằng ngân sách của Nhà nước.

Trên cơ sở đó, người mua sẽ lựa chọn để mua sách ở những chỗ nào chất lượng tốt nhất và giá rẻ nhất, trên tinh thần là phải minh bạch, phải niêm yết một cách công khai”, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết.

Vấn đề ở chỗ, người ta đang thấy thiếu đi sự minh bạch, công khai trong câu chuyện giá sách giáo khoa. Đến nỗi, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy dường như đã nói lên tiếng lòng của dư luận trên nghị trường rằng: Liệu có những vụ Việt Á trong lựa chọn sách giáo khoa hay không?

>> Những “ung nhọt” của ngành giáo dục: Bất cập việc lựa chọn sách giáo khoa

>> Những “ung nhọt” của ngành giáo dục: Dấu hỏi khâu biên soạn, thẩm định sách giáo khoa

>> Những “ung nhọt” của ngành giáo dục: “Góc khuất” giá sách giáo khoa

Không ít ý kiến cho rằng, lựa chọn theo Thông tư số 25/2020/TT-BGDĐT

Không ít ý kiến cho rằng, lựa chọn theo Thông tư số 25/2020/TT-BGDĐT dễ dẫn đến độc quyền, "lợi ích nhóm" - Ảnh minh họa

Chỉ đạo mới có làm sách giáo khoa “hạ nhiệt”?

Trước những bức xúc từ dư luận, nhân dân và từ những phiên điều trần ở nghị trường, cuối cùng cũng đã có những chỉ đạo mới cần thiết để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và nâng cao hiệu quả sử dụng sách giáo khoa, tăng tỷ lệ sách giáo khoa được sử dụng lại nhiều lần; không ép buộc học sinh, gia đình học sinh mua sách tham khảo, sách bài tập.

Bộ Giáo dục - Đào tạo yêu các các giám đốc Sở chỉ đạo các trường không thực hiện việc lập danh mục, đóng gói thành bộ sách giáo khoa kèm sách bài tập, sách tham khảo và các tài liệu khác ngoài danh mục sách được phê duyệt để học sinh, phụ huynh mua.

Cụ thể, Bộ trưởng Bộ Bộ Giáo dục - Đào tạo yêu cầu giám đốc các Sở Bộ Giáo dục - Đào tạo chỉ đạo các phòng Bộ Giáo dục - Đào tạo, các cơ sở giáo dục phổ thông ở địa phương tổ chức quán triệt, tuyên truyền đến từng cán bộ quản lý giáo viên và học sinh về việc giữ gìn, bảo quản sách giáo khoa; không viết, vẽ vào sách giáo khoa để sách được sử dụng lại lâu bền.

Cùng đó, chỉ đạo các cơ sở thực hiện nghiêm quy định tại Thông tư số 21/2014/TT-BGDĐT về quản lý và sử dụng xuất bản phẩm tham khảo trong các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên.

Trong đó lưu ý việc: “Giáo viên và cán bộ quản lí giáo dục các cấp không được lạm dụng vị trí công tác của mình để thực hiện hoặc tham gia thực hiện việc ép buộc, vận động học sinh, học viên hoặc cha mẹ học sinh mua xuất bản phẩm tham khảo dưới bất kỳ hình thức nào”.

TS Vũ Đình Ánh - chuyên gia kinh tế cho rằng: “Tương tự câu chuyện đấu giá mua sắm công, Sở Giáo dục Đào tạo tại các địa phương cần đứng trên lợi ích của học sinh và phụ huynh học sinh để chọn những bộ sách phù hợp nhất”.

Tiếp theo, Nghị quyết kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV được Đại biểu Quốc hội bấm nút thông qua, nêu rõ trước mắt: “Chính phủ chỉ đạo các bộ liên quan có biện pháp hạ giá sách giáo khoa phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội; tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ hoặc trợ giá sách giáo khoa với học sinh có hoàn cảnh khó khăn, miền núi, vùng cao, đồng bào dân tộc thiểu số. Các đơn vị nghiêm túc thực hiện đúng quy định về tài liệu tham khảo, chống lãng phí”.

Đánh giá cao giải pháp này, một chuyên gia kinh tế khẳng định, việc nhanh chóng đưa sách giáo khoa vào danh mục quản lý giá - một mặt hàng rất đặc biệt, thiết yếu để có giá trần và giá sàn trong quá trình quản lý của các cơ quan chức năng là việc làm cấp thiết.

 Đây là biện pháp hữu hiệu để tránh tăng giá sách tùy tiện gây tác động tiêu cực đến cuộc sống người dân, đảm bảo quyền lợi của học sinh đều có sách học, tất cả học sinh đều tiếp cận được và phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội hiện nay của người dân.

Có thể nói, sách giáo khoa thuộc nhóm vật tư giáo dục thiết yếu của học sinh; ảnh hưởng đến an sinh xã hội, đặc biệt là người dân vùng khó khăn. Vậy nên, người dân hy vong sau những chỉ đạo mới từ Nghị quyết mới của kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV, từ Bộ chủ quản và các Bộ ngành liên quan, sách giáo khoa “sẽ hạ nhiệt” để đảm bảo được hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp, Nhà nước và phụ huynh.