Gọi là đảo e hơi quá. Thực chất, Rockall chỉ là một tảng đá trần trụi, trồi lên trên biển như đúng tên gọi của nó.

Rockall bé tí tẹo giữa lòng đại dương

Rockall bé tí tẹo giữa lòng đại dương.

Động vào là chết

Song cái vẻ tầm thường đó là tất cả sự độc đáo của nó. Là kỳ quan mà chẳng có mấy ai được chiêm ngưỡng, vì Rockall nằm ngoài con đường hàng hải thông thường. Và người bước được chân lên Rockall thì có thể đếm bằng đầu ngón tay. Bởi lẽ nó rất dựng đứng, biển lại gầm thét sôi sục như con thú dữ bị thương. Xung quanh là những cạm bẫy đá ngầm, nấp kín sau làn nước mỏng và lớp sương mù dày đặc.

Trong những con người gan góc của biển, chỉ có ai dũng cảm nhất mới dám sờ vào “Nanh đá”. Ngay cả Vidal, ngay cả Jean-Baptiste Charcot chỉ huy con tàu nghiên cứu khoa học nổi tiếng của Pháp Pourquoi-Pas tìm đến Rockall mà cũng không dám chạm tay vào nó. Với những kẻ chịu chơi hơn, Rockall đền đáp xứng đáng. Vinh dự và tiền bạc thuộc về John thủy thủ Anh, người đã lấy búa đập được một mẩu “Nanh đá” về bán lại cho Bảo tàng quốc gia Anh quốc.Thế nhưng cũng đừng tò mò mà chết. Rockall từ lâu chưa nổi tiếng là nghĩa địa tàu thuyền của Đại Tây Dương, nhưng các con tàu vĩnh viễn ở lại chân đảo không phải là hiếm. Căn cứ vào những saga của người phương Bắc, chắc chắn các nhà hàng hải Viking nổi tiếng ngày xưa đã là nạn nhân của nó. Còn nói có sách hơn thì tàu khách SS Norge (Đan Mạch) là một dẫn chứng điển hình.

Năm 1904 là năm thứ 20 tàu khách Norge phục vụ trên tuyến Scandinavia – Mỹ. Hôm đó, nó chở hơn 700 người đi từ Copenhagen sang New York. Gần 300 lần đi về con đường mòn dấu “chân vịt”, chưa khi nào Norge nhìn thấy “điều kỳ diệu” của thế giới. Không hiểu là ma quỷ nào đã nhồi cho mụ mẫm đầu óc của thuyền trưởng Valdemar Gundel cái ý quái gở: Ghé thăm Rockall!

Sáng ngày 28/6 Gundel thông báo với khách đi tàu: “Công ty chủ tàu Scandinavia – America sắp hiến quý vị một pha ngoạn mục – Rockall”. Khách đổ xô ra mạn tàu hồi hộp chờ thấy “Nanh đá” xuất hiện. Thế nhưng Rockall kiêu ngạo, ẩn nấp trong mịt mù sương. Hành khách ngóng mỏi mắt chẳng thấy gì đã chán, bỗng ôm nhau ngã dúi xuống. Con tàu đột ngột dừng lại, ghếch mũi lên trời. Mắc cạn!

Vỏ tàu rách toạc do cọ mạnh vào đá rắn. Nước ào ào vào dìm đầu tàu xuống. Trớ trêu thay, đúng lúc đó gió nam quét sạch sương mù. Rockall hiện ra ngay trước mũi tàu. Cái oái ăm đến kinh khủng là đảo ngay đấy mà không có chỗ dung thân cho người đắm tàu. Có 42 phút quằn quại ngắn ngủi, Norge bị “Nanh đá” nuốt sống. 654 người chết vì sự tò mò tai hại của thuyền trưởng Gundel.

Tin dữ đồn xa, dư luận Bắc Âu giẫy nẩy, đòi nhổ cái “nanh” độc ác đó đi. Những dự án thông minh có, độc đáo có đưa ra, song chỉ không có thực hiện. Và rồi như một minh tinh màn bạc hết thời, Rockall lùi dần vào trong quên lãng.

Muốn lên Rockall phải đi bằng trực thăng.

Muốn lên Rockall phải đi bằng trực thăng.

Người Anh khôn ngoan!

Thế nhưng, người Anh kịp nhận thấy mình dại khi đã bỏ mặc Rockall một mình với Đại Tây Dương. Có điều sự quan tâm của London không làm “Nanh đá” vừa lòng chút nào. Ai lại đi nhằm cái ngực trần trụi đá của Rockall để cho hải quân bắn tập. Tuy nhiên, sự trơ lỳ của hòn đảo thật đáng kinh ngạc. Đạn pháo các cỡ cứ giã bình bịch vào người, mà Nanh chẳng bị sứt mẻ mấy tý. Chỉ khổ những đàn cá rất đông đúc xung quanh đảo bị hoảng sợ, kéo nhau đi sạch.

Thế là dân đánh cá cũng hoảng sợ, họ kéo nhau đến dinh Bộ Tư lệnh Hải quân Anh biểu tình phản đối. Thấy lính thủy Anh ngạo nghễ bất chấp, họ kiện lên tận Thượng viện Anh. Ngư dân thắng kiện, cá lại trở về tụ tập dưới chân Rockall.

Một ngày cuối thu năm 1955, tàu nghiên cứu khoa học Vidal của hải quân Anh đang đi khảo sát trong vùng biển Bắc Scotland, thì nhận được lệnh đặc biệt. Tư lệnh hạm đội báo cho thuyền trưởng Connell chuẩn bị đón đặc phái viên của Nữ hoàng Anh Elizabeth đệ nhị. Nửa tiếng sau đó, máy bay lên thẳng của Hải quân Anh hạ xuống boong tàu. Một vị đại úy cao to, mặc bộ quân phục cận vệ trao tận tay cho Connell bức thư của Nữ hoàng Anh hạ lệnh thuyền trưởng đổ bộ lên đảo Rockall.

Connell cho tàu chạy về đảo đá. Đến một khoảng cách thích hợp, máy bay trực thăng từ tàu Vidal cất cánh, treo trên đỉnh đảo Rockall hiểm trở. Ba sĩ quan được đích thân thuyền trưởng lựa chọn và nhà tự nhiên học nổi tiếng James Fisher tụt thang dây xuống. Trong ánh hoàng hôn nhập nhoạng, cờ Anh quốc được cắm xuống, bia chủ quyền được xây lên. Thuyền trưởng Connell hoàn thành sứ mạng đặc biệt của mình.

Sáng ngày hôm sau, báo chí Anh quốc đăng tải bức thư của Nữ hoàng Anh gửi thuyền trưởng tàu Vidal. Connell bỗng dưng nổi tiếng như một anh hùng dân tộc.

Sự kiện sáp nhập hòn đảo Cô Đơn vào lãnh thổ Anh ngày 18/9/1955 ấy chỉ một số người có tầm nhìn xa trông rộng mới đánh giá hết ý nghĩa quan trọng của nó. Còn “phó thường dân” – một cái nhìn và lắc đầu khó hiểu. Thậm chí các nước nằm trong vùng này: Na Uy, Đan Mạch… cũng ngạc nhiên trước thái độ của chính phủ Anh: Có gì mà ầm ĩ thế?

London vẫn “phớt ăng lê”, mặc người cười chê, dè bỉu. Trong các vấn đề của biển, phải công bằng mà nhận rằng: Nước Anh có một nhãn quan chiến lược sâu rộng. Họ lặng lẽ củng cố các cơ sở luật pháp của lãnh thổ Rockall trong gia đình quần đảo Anh. Hàng chục vạn tấm bản đồ nước Anh mới in đều thấy có mặt Rockall., Bằng một chỉ dụ đặc biệt Quốc hội cho phép Công quốc Inverness-shire ở Scotland sáp nhập đảo đá vào đất của mình. Dư luận nước ngoài bình luận lớt phớt về việc làm đó. Lúc này là năm 1972, một năm đầy ắp sự kiện nóng bỏng: Nixon đi thăm Trung quốc, Mỹ ký Hiệp định Paris về Việt Nam. Rockall là cái quái gì mà phải tốn giấy tốn lời với nó!.

Tháng 2/1977, Chính phủ Anh ra tuyên bố: Rockall từ lâu đã thuộc lãnh thổ Anh quốc hợp hiến, hợp pháp, bởi vậy, chiểu theo Luật Biển quốc tế, xung quanh Rockall 200 hải lý là vùng đặc quyền kinh tế của Anh. Tức là sau đây, tàu đánh cá của nước ngoài không còn tự do “đi cày” trên mặt biển rộng 125.000 dặm vuông xung quanh đảo đá. Tất nhiên, nếu cứ vào ngư trường cũ thì phải xin phép London, lại bị giới hạn sản lượng và nộp “tô” cho chủ nhà.

Hàng thiên niên kỷ Rockall lánh xa một mình, trầm tư suy nghĩ về cuộc sinh thành của tự nhiên, trong cái mơ màng của sương mù che phủ và sự sục sôi của sóng gió những ngày động biển. Đảo đã thấy nhiều chuyện vĩ đại trên đại dương, nhưng những hoạt động mới của con người ngay trong vương quốc cô đơn của đảo thì thật là điều kỳ lạ với chính Rockall. Đảo đá dựng vẫn xa xôi khó gần, nhưng đỡ cô đơn vì có 9, 10 cái dàn khoan biển của các doanh nghiệp đang cặm cụi tìm dầu khí trong vùng thềm xung quanh nó.