Thaco là gì sau khi xây dựng 5 sub-holdings trong các lĩnh vực ô tô & cơ khí, nông nghiệp, đầu tư xây dựng, logistics và thương mại dịch vụ

Thaco xây dựng 5 sub-holdings trong các lĩnh vực ô tô & cơ khí, nông nghiệp, đầu tư xây dựng, logistics và thương mại dịch vụ

 

Thaco vẫn duy trì công ty đại chúng tới 2021

Công ty Cổ phần Ô tô Trường Hải (Thaco) mới đây đã tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021. Theo ghi nhận, năm 2020, Thaco đạt doanh thu thuần là 63.560 tỷ đồng, tăng hơn 12% so với cùng kỳ, nhưng lợi nhuận sau thuế hợp nhất giảm 21% về mức 3.817 tỷ đồng.

Chủ tịch HĐQT Trần Bá Dương cho biết đại hội năm nay là năm đầu tiên Thaco tái cấu trúc và thực hiện chiến lược đa ngành bao gồm 5 lĩnh vực: ôtô & cơ khí (Thaco Auto), nông nghiệp (Thagrico), đầu tư xây dựng (Thadico), Logistics - giao nhận vận chuyển (Thilogi) và thương mại dịch vụ (Thiso).

Các ngành này có tính bổ trợ và tích hợp, đảm bảo sự phát triển bền vững của Thaco trong bối cảnh hội nhập toàn cầu và số hóa như hiện nay”, ông Trần Bá Dương nói.

Đối với lĩnh vực sản xuất kinh doanh cơ khí và ô tô, Thaco sản xuất và kinh doanh đầy đủ các chủng loại xe với  các phân khúc từ trung cấp đến cao cấp theo thương hiệu, chuỗi giá trị, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu. Bên cạnh đó là kinh doanh xe máy, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu với các thương hiệu quốc tế, thông qua đầu tư phát triển công nghiệp hỗ trợ với tỷ lệ nội địa hóa trên 40%, xuất khẩu xe và linh kiện phụ tùng. Thaco Auto trong năm qua đã phát triển 59 showrooom, nâng tổng số lên 311 điểm, kế hoạch đến 2021 là có 362 địa điểm kinh doanh.

Trong lĩnh vực nông lâm nghiệp, Thaco đầu tư vào các lĩnh vực gồm cây ăn trái, ngũ cốc, lâm nghiệp, vật tư nông nghiệp và chăn nuôi.

Đối với lĩnh vực đầu tư xây dựng, Thaco phát triển các dự án hạ tầng giao thông, theo hình thức đối tác công - tư (PPP) và xã hội hóa; Đầu tư phát triển các Khu công nghiệp xanh, sạch, thân thiện với môi trường, tiết kiệm năng lượng, có hạ tầng kỹ thuật đồng bộ và phát triển các loại hình dịch vụ KCN đa dạng đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư.

Đối với lĩnh vực thương mại, hoạt động kinh doanh thương mại của Thaco dựa trên hệ thống các trung tâm thương mại kết hợp với showroom ô tô theo mô hình “Một điểm dừng - Nhiều dịch vụ” trong đó có: Showroom ô tô tại tầng trệt, siêu thị và khu ẩm thực, cửa hàng bán lẻ, cụm nhà hàng và trung tâm vui chơi trẻ em – cinema, cùng với trung tâm hội nghị và sân vườn.

Riêng lĩnh vực kinh doanh logistics, Thaco muốn phát triển logistics thành ngành kinh doanh phục vụ cho các lĩnh vực sản xuất kinh doanh chính của tập đoàn. Phát triển Cảng Chu Lai thành trung tâm dịch vụ logistics của khu vực miền Trung - Tây Nguyên,... Đầu tư xây dựng bến cảng 5 vạn tấn tại cảng Chu Lai và nâng cấp hạ tầng cảng, kho bãi, năng lực vận chuyển, trang thiết bị xếp dỡ và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, khai thác các dịch vụ logistics.

Mặc dù vừa qua, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước đã thông báo hủy đăng ký công ty đại chúng của Thaco từ ngày 1/1/2021, do không đáp ứng đủ điều kiện trở thành công ty đại chúng theo Luật chứng khoán mới áp dụng. Cụ thể, công ty đại chúng phải có vốn góp từ 30 tỷ đồng trở lên và có tối thiểu 10% số cổ phiếu có quyền biểu quyết, do ít nhất 100 nhà đầu tư không phải cổ đông lớn nắm giữ.Tuy nhiên, Thaco khẳng định vẫn duy trì công ty đại chúng đến 2021 và thực hiện đầy đủ các quy định liên quan cho đến thời điểm nhận được thông báo hủy công ty đại chúng theo quy định.

Sub-Holdings và chiến lược phát triển "Tập đoàn trong Tập đoàn"

Trước đó, HĐQT Thaco từng trình cổ đông thông qua kế hoạch tái cấu trúc tập đoàn theo hướng chia tách thành hai phần riêng biệt, bao gồm Thaco vận hành mảng ôtô và Thaco Group quản lý các hoạt động khác. Tuy nhiên, vì kế hoạch bất thành nên HĐQT đã trình phương án mới đổi tên doanh nghiệp thành Tập đoàn Trường Hải (Thaco Group) và sau đó thành các tập đoàn con (sub-holdings) cùng các tổng công ty.

nhà đầu tư Hàn Quốc E-mart đã quyết định rút lui khỏi thị trường Việt Nam bằng cách bán 100% cổ phần tại công ty E-mart Việt Nam cho Tập đoàn Thaco trong tháng 5

Nhà đầu tư Hàn Quốc E-mart đã quyết định rút lui khỏi thị trường Việt Nam bằng cách bán 100% cổ phần tại công ty E-mart Việt Nam cho Tập đoàn Thaco trong tháng 5

Kế hoạch cho năm 2021, tập đoàn đa ngành này đặt mục tiêu doanh thu tăng 29% lên 81.800 tỷ đồng. Chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế tăng 40% lên 5.380 tỷ đồng, nhỉnh hơn so với năm 2019.

Về kế hoạch đầu tư, tập đoàn dự kiến chi tổng cộng 17.247 tỷ đồng (tăng 127% so với mức đầu tư của năm 2020). Trong đó, số tiền đầu tư lớn nhất dành cho Thagrico với 8.920 tỷ đồng, cho Thadico là 4.739 tỷ đồng, cho Thaco Auto là 3.451 tỷ đồng và cho Thilogi là 137 tỷ đồng.

Với riêng Thaco Auto, đơn vị thành viên này đặt mục tiêu bán được 118.746 xe trong năm nay, tăng 11% so với năm 2020. Kế hoạch xuất khẩu là 1.456 xe các loại, tăng nhẹ so với con số 1.406 xe của năm ngoái. Đồng thời có kế hoạch sẽ chuyển đổi Thaco Auto thành công ty cổ phần (thông qua phát hành ESOP). Hiện vốn điều lệ của Thaco Auto là 7.835 tỷ đồng, công ty có kế hoạch phát hành thêm cho các cổ đông bên ngoài để tăng vốn điều lệ lên 11.500 tỷ đồng, đáp ứng điều kiện trở thành công ty đại chúng và sau đó sẽ niêm yết. Lãnh đạo tập đoàn cho biết, sẽ áp dụng phương án tương tự với các đơn vị khác.

Theo một chuyên gia nhận định, mô hình sub-holdings là khá mới mẻ và thể hiện tư duy chiến lược khi Thaco xây dựng “tập đoàn mẹ”, “tập đoàn con” và các công ty thành viên hoạt động trong nhiều lĩnh vực ngành nghề.

Thông thường, mọi người biết nhiều đến các công ty Holding, có bản chất chính là làm chủ cổ phần của những công ty khác. Công ty này sẽ không chịu trách nhiệm sản xuất, phân phối hay cung cấp bất kỳ các dịch vụ nào. Mục đích chính của nó là giữ cổ phần và kiểm soát các công ty khác mà nó có vốn sở hữu. Trong khi đó, Thaco hình thành 5 sub-holdings và có mục tiêu sẽ niêm yết các đơn vị thành viên, nhằm huy động vốn trong bối cảnh thị trường chứng khoán đang cực kỳ sôi động”, vị chuyên gia nhận định.

Một thông tin đáng chú ý khác đó là, trong tháng 5, nhà đầu tư Hàn Quốc E-mart đã quyết định rút lui khỏi thị trường Việt Nam bằng cách bán 100% cổ phần tại công ty E-mart Việt Nam cho Tập đoàn Thaco. Đây là một trường hợp hy hữu trong số các nhà bán lẻ ngoại gia nhập thị trường, vì sau 5 năm được đánh giá kinh doanh rất thành công và được người tiêu dùng đón nhận, nhưng nhà đầu tư Hàn Quốc không thể mở thêm được địa điểm mới nào.

Như vậy, chuỗi siêu thị với chiến lược giá rẻ lớn nhất Hàn Quốc sẽ ở lại Việt Nam và được vận hành dưới dạng nhượng quyền thương mại, Thaco sẽ trả phí bản quyền cho E-mart. Thương vụ này đi cùng kỳ vọng rằng tập đoàn sản xuất ô tô của Việt Nam sẽ mở được 11 siêu thị E-mart đến năm 2025.

Phải chăng, việc triển khai xây dựng thí điểm một số khu phức hợp gồm trung tâm thương mại kết hợp showroom ô tô theo mô hình “Một điểm dừng nhiều tiện ích” cùng với việc chọn lựa các đối tác có thương hiệu để liên doanh - liên kết, nhượng quyền thương hiệu và tự phát triển kinh doanh đã được ông Trần Bá Dương nhắc tới từ nhiều năm trước, là bước trải đường cho tầm nhìn xa, với những mảnh ghép dần lộ diện ở hôm nay? Thương vụ mua lại E-Mart Việt Nam, có thể ví chính là mảnh ghép đưa Thaco tiến sâu hơn vào lĩnh vực thương mại, dịch vụ và hoàn thiện bức tranh đa ngành của mình?