Tiêm vaccine ngừa Covid-19 tại làng Misrod, TP Bhopal, Ấn Độ, ngày 1-4. (Ảnh: Tân Hoa xã)

Tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại làng Misrod, TP Bhopal, Ấn Độ, ngày 1/4/2021. (Ảnh: Tân Hoa xã)

Với dân số xấp xỉ 1,38 tỷ người, Ấn Độ không chỉ là quốc gia đông dân thứ hai trên thế giới mà còn là quốc gia đứng thứ hai về số ca nhiễm Covid-19. Nhưng chiến lược tiêm chủng thần tốc từ ngày 16/1/2021 đến nay đã đưa gần nửa dân số quốc gia này vào vùng tương đối an toàn.

Vào tháng 10/2020, Bộ trưởng Y tế và Phúc lợi Gia đình của Ấn Độ thông báo rằng chính phủ có kế hoạch hoàn thành tiêm chủng cho 200 - 250 triệu người vào cuối tháng 7/2021. Tính đến ngày 16/5/2021, Ấn Độ báo cáo đã hoàn thành tiêm chủng 182 triệu liều vắc-xin Covid-19 và 41,6 triệu người ở Ấn Độ đã tiêm cả hai liều.

Đến ngày 13/9/2021, khoảng 4 tháng sau đó, Ấn Độ đã bao phủ tiêm chủng mũi một cho 41% dân số (564,83 triệu liều) và 12,3% dân số đã tiêm đủ hai mũi (tương đương 179 triệu liều), lần lượt tăng gấp đôi và gấp ba lần so với số lượng tiêm chủng giữa tháng 5/2021.

Kết quả đáng kinh ngạc này đến từ một chiến lược tiêm chủng rõ ràng: (1) Sản xuất vaccine nhanh nhất có thể; (2) Tổ chức tốt kho vận, bảo quản và phân phối; (3) Sử dụng chuyển đổi số đúng nghĩa để tăng hiệu quả phân phối, bảo quản vaccine và tổ chức tiêm chủng; (4) Lựa chọn đối tượng ưu tiên tiêm chủng đúng đắn để giảm thiểu tỷ lệ tử vong.

Đây được gọi chung là chiến lược tiêm chủng quốc gia ba giai đoạn, với rất nhiều kinh nghiệm quý báu mà các quốc gia đang phát triển khác, đặc biệt là các nước có nguồn vaccine khan hiếm, có thể áp dụng nhằm đạt hiệu quả cao hơn trong việc kiểm soát tỷ lệ tử vong và khôi phục các hoạt động kinh tế.

Khác với nhiều quốc gia, chính phủ Ấn Độ tương đối nhất quán trong việc nhận thức sống chung với virus. Khi dịch bệnh mới bùng phát, Ấn Độ tập trung vào việc làm chậm mức độ lây lan và ngăn chặn đại dịch. Cách tiếp cận này sau đó phát triển thành sống chung với đại dịch bằng cách tiêm chủng càng nhanh càng tốt để đạt miễn dịch cộng đồng.

Ở đỉnh điểm của đại dịch, số ca mắc mỗi ngày tại đây lên tới hơn 400.000 ca vào tháng 5/2020. Tuy nhiên, các nhà khoa học và hệ thống y tế của Ấn Độ cũng nhanh chóng bắt tay vào việc phát triển vaccine, chuẩn bị vật tư y tế, thuốc men và các hướng dẫn cụ thể cho người dân để đối phó với những rủi ro về sức khỏe và sinh mạng.

Điều đó có nghĩa rằng để nhận thức của chính phủ trở thành một lựa chọn chính sách đúng thì thực tiễn nghiên cứu và sản xuất vaccine, tiêm chủng và cung cấp thuốc men phải được thực hiện đồng bộ với nhau để tạo ra niềm tin và sự ủng hộ đối với chính sách.

Vắcxin Covaxin do công ty dược Bharat Biotech phát triển. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Vaccine Covaxin do công ty dược Bharat Biotech phát triển. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Để hoàn thành chương trình tiêm chủng dự kiến là lớn nhất trên thế giới này, Ấn Độ đã tự nghiên cứu phát triển bốn loại vaccine. Nhưng hai loại được Cơ quan quản lý dược phẩm của Ấn Độ phê duyệt sử dụng khẩn cấp là vaccine Covishield (tên được sử dụng ở Ấn Độ cho vaccine Oxford-AstraZeneca) và Covaxin, vaccine nội địa do Bharat Biotech sản xuất.  

Viện Huyết thanh của Ấn Độ (SII), đã ký thỏa thuận với một số nhà sản xuất như Oxford-AstraZeneca, Codagenix và Novavax để sản xuất vaccine “Covishield” với quy mô 100 triệu liều/tháng và dự kiến sẽ tăng cường công suất hơn nữa để sản xuất 2 tỷ liều/năm.

Covishield được sản xuất theo giấy phép từ Tổng cục Kiểm soát Thuốc của Ấn Độ (DCGI) và Hội đồng Nghiên cứu Y khoa Ấn Độ (ICMR). Trong khi đó, vaccine Covaxin do công ty Bharat Biotech quốc tế phối hợp với Viện Virus Quốc gia thuộc ICMR cùng nghiên cứu và sản xuất.

Vào tháng 4/2021, chính phủ Ấn Độ đã cung cấp hai khoản cho vay trị giá 400 triệu USD cho việc phát triển vaccine Covishield và 210 triệu USD cho việc phát triển vaccine Covaxin để đặt mua lô vaccine được giao vào tháng 8/2021.

(Còn nữa)