>> CHIẾN LƯỢC VỐN CỦA DOANH NGHIỆP (Kỳ 2): Đa dạng hoá kênh huy động vốn

Thảo luận tại Diễn đàn tài chính 2022: “Chiến lược huy động vốn của doanh nghiệp trong hoàn cảnh mới”, ông Huỳnh Minh Tuấn – Giám đốc CTCP tư vấn đầu tư FIDT cho biết, các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay quá phụ thuộc vào nguồn vốn ngân hàng.

Ông Huỳnh Minh Tuấn – Giám đốc CTCP tư vấn đầu tư FIDT

Ông Huỳnh Minh Tuấn – Giám đốc CTCP tư vấn đầu tư FIDT

“Khi room tín dụng ngân hàng ngừng từ tháng 4/2022 thì tôi nhận nhiều thông doanh nghiệp đề nghị hỗ trợ tư vấn tái cấu trúc nguồn vốn. Nhưng khi hỏi doanh nghiệp có gì thì sổ sách đưa ra cho thấy doanh nghiệp lỗ nhẹ, do đó không có căn cứ cho vay vốn”, ông Huỳnh Minh Tuấn cho biết.

Do đó, Giám đốc FIDT phân tích, các doanh nghiệp phải quan tâm quản trị tài chính; đồng thời phải tính tới những sự kiện “thiên nga đen” như COVID-19 và những bất ổn 2 năm qua, không có thặng dư tài chính, phải cuống cuồng huy động vốn. Doanh nghiệp cần có “profile” bài bản để bước vào thị trường huy động vốn, IPO hoặc kêu gọi vốn khi cần.

Ông Tuấn khẳng định thị trường chứng khoán vừa qua có tốc độ tăng trưởng nhanh chóng với 3 triệu nhà đầu tư cho năm 2020-2021, 3 sàn chứng khoán HOSE, UPCOM, HNX có lúc vượt con số 360 tỷ USD.

“Chúng ta có thị trường vốn hoá đứng thứ 3 khu vực. Do đó, chiến lược để doanh nghiệp được phát hành ra công chúng, huy động vốn trên thị trường chứng khoán hoặc được M&A là rất quan trọng”, ông Huỳnh Minh Tuấn nhấn mạnh.

Lưu ý để doanh nghệp chuẩn bị “profile” cho quá trình IPO, ông Tuấn cho biết có 5 triệu nhà đầu tư với hơn 600-700 triệu USD giao dịch mỗi ngày trên thị trường chứng khoán, do đó đây là thị trường huy động vốn hiệu quả. Thống kê 2 năm qua có nhiều doanh nghiệp IPO thành công trên thị trường này, chiếm khoảng 3-5% nhu cầu tín dụng của doanh nghiệp.

“Khi chuẩn bị IPO, các doanh nghiệp cần tập trung đáp ứng các tiêu chuẩn pháp định rất rõ và minh bạch, như vốn từ 120 tỷ đồng, 2 năm hoạt động liên tục có lãi và thêm 1 số yêu cầu về hiệu suất hoạt động…” ông Tuấn chia sẻ.

Bên cạnh đó, Giám đốc FIDT khẳng định đối với chiến lược IPO thành công thì mô hình kinh doanh cực kỳ quan trọng. “Doanh nghiệp phải chuẩn bị một mô hình kinh doanh với mức tăng trưởng hấp dẫn. Hiện hầu hết doanh nghiệp chuẩn bị chỉ mang tính đối phó và sau đó bị bỏ lỡ giai đoạn vàng để gọi vốn”, ông Tuấn lưu ý.

Một lần nữa khẳng định yêu cầu về minh bạch và có một “profile” hấp dẫn, ông Huỳnh Minh Tuấn cho biết đây là yêu cầu để doanh nghiệp đi thâu tóm và sáp nhập, thu hút vốn FDI thành công. Thống kê cho thấy nhiều cuộc M&A đã thất bại do điều kiện không hợp lý, mất hiệu quả do thời gian. Gần đây Massan đã M&A thành công Phúc Long và trở thành cuộc M&A thành công của năm 2022.

Cũng theo ông Tuấn, bên cạnh chuẩn bị  “profile”, doanh nghiệp phải chuẩn bị các điều kiện hợp tác thuận lợi, mục tiêu kinh doanh cụ thể và mức chiết khấu chào bán phải hấp dẫn cho nhà đầu tư.

Làm rõ thêm một số vấn đề được đặt ra tại phiên thảo luận, TS Cấn Văn Lực thống nhất với các ý kiến là cần thiết thúc đẩy Quỹ bảo lãnh tín dụng SME và Quỹ phát triển SME theo quy định tại Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017. Bởi vì, các Quỹ bảo lãnh tín dụng SME tại các địa phương hoạt động vẫn còn èo uột, chưa đáp ứng được yêu cầu bảo lãnh của các doanh nghiệp.

Nhiều diễn giả đã phản ánh về việc SME thiếu điều kiện đảm bảo, phương án kinh doanh thiếu khả thi sau đại dịch. Tôi nghĩ rằng nếu thiếu 2 điều kiện trên, sẽ khó tiếp cận tín dụng. Bởi vì các tổ chức tín dụng cần đảm bảo kinh doanh để không mất vốn nhà nước và vốn của ngân hàng, dù là ngân hàng tư nhân cũng có thể bị hình sự hóa. Do đó, theo TS. Cấn Văn Lực, cần 2 giải pháp:

Thứ nhất, nên quan tâm mảng cho thuê tài chính bởi cho thuê tài chính không cần tài sản thế chấp. Hiện, chúng ta có 11 công ty cho thuê tài chính và khuyến khích cho DNNVV cho thuê tài chính.

Thứ hai, cần nỗ lực và thiện chí của 2 bên, gồm tổ chức tín dụng và các doanh nghiệp như ông Phạm Ngọc Tuấn – Tổng Biên tập đã đặt ra. Điều này rất quan trọng, vì nếu TCTD muốn hỗ trợ, cung cấp tín dụng cho SME nhưng doanh nghiệp thiếu tính thiện chí trung thực, xây dựng phương án kinh doanh,... thì sẽ khó tiếp cận được tín dụng.

Về gói hỗ trợ lãi suất, TS Cấn Văn Lực cho biết: gói hỗ trợ lãi suất này khác với gói hỗ trợ năm 2009 ở một số điểm: nguồn vốn rõ ràng (từ ngân sách), đối tượng hỗ trợ (13 lĩnh vực), thời hạn cụ thể (tối đa 2 năm, không dùng hết chắc chắn phải ngừng). Ngoài ra là 2 tiêu chí quan trọng: đáp ứng cơ bản điều kiện tín dụng của tổ chức tín dụng và có khả năng phục hồi.

>> Nới room tín dụng để hỗ trợ lãi suất

Tuy nhiên, theo TS Cấn Văn Lực, cái khó hiện nay là làm thế nào để đánh giá khả năng phục hồi. Vai trò thẩm định đánh giá của chuyên viên tín dụng, theo TS Cấn Văn Lực, là rất quan trọng cùng với sự phối hợp của các bộ có liên quan như Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư…

Một vướng mắc nữa của gói hỗ trợ lãi suất mà một số ý kiến phản ánh là Ngân hàng Nhà nước cần linh hoạt về hạn mức tăng trưởng tín dụng. Theo TS Cấn Văn Lực, không nên chờ đến quý 4, cuối năm khi tăng trưởng tín dụng và lạm phát êm rồi… mới nới room tín dụng vì làm như vậy sẽ quá trễ so với nhu cầu phục hồi của nền kinh tế và của doanh nghiệp. Không nới room ngay thì cực kỳ khó giải ngân với gói hỗ trợ lãi suất. Nếu ngân hàng đã hết hạn mức tăng trưởng tín dụng thì làm sao có thể giải ngân được gói hỗ trợ lãi suất. Đây là điều kiện cần và đủ để triển khai tốt hơn gói hỗ trợ lãi suất trong thời gian tới.

Liên quan kênh dẫn vốn cho doanh nghiệp, các ý kiến trao đổi khá thú vị nhưng TS. Cấn Văn Lực cho rằng cần làm rõ một số vấn đề. Với doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, không có tài sản đảm bảo, ngân hàng không cho vay, nên cần tiếp cận Quỹ đầu tư mạo hiểm.

Với chương trình phát triển nhà ở phù hợp với thu nhập của người dân Việt Nam hiện nay là đối tượng cần thiết nhưng phải có nguồn lực từ Chính phủ, ngân sách kết hợp với nguồn lực tư nhân. Ở các nước có Quỹ phát triển nhà ở như mô hình ở Singapore, Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan đã thực hiện thành công. Còn chúng ta thỉnh thoảng có 1 gói hỗ trợ tín dụng thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội với lãi suất cho vay 4,8%/năm sẽ khó thành công. Tại hội nghị với Thủ tướng Chính phủ gần đây, một số doanh nghiệp xung phong đầu tư nhà ở xã hội nhưng TS Cấn Văn Lực khuyến cáo phải tránh hiện tượng phong trào mà cần lãm rõ: định hướng phát triển và trách nhiệm của các bên.

Cuối cùng về việc dùng Quỹ dự trữ ngoại hối để hỗ trợ doanh nghiệp nhưng theo TS Cấn Văn Lực, kiến nghị này là không trúng. Quỹ dự trữ ngoại hối là vô cùng quan trọng, cấp bách, chỉ được sử dụng trong một số trường hợp nhất định chứ không được và không nên dùng để hỗ trợ doanh nghiệp. Trong khi chúng ta còn nhiều nguồn vốn hỗ trợ doanh nghiệp chưa giải ngân hết, thậm chí đầu tư công chưa giải ngân được.