Chiến sự Nga - Ukraine chuẩn bị vắt sang năm thứ 2, ngay khi khởi đầu năm 2023 đã xuất hiện một số diễn biến có thể gây bất lợi cho Nga: Mỹ bắt đầu cung cấp vũ khí hạng nặng và huấn luyện binh sĩ Ukraine sử dụng hệ thống tên lửa Patriot...

Trong khi Châu Âu đạt được bước tiến quan trọng hướng đến tự chủ năng lượng với các hợp đồng dài hạn giữa Đức và Qatar, EU và Kuwait, Saudi Arabia. Điều này có nghĩa, đòn đánh trả bằng năng lượng của Nga suy giảm uy lực. Tất cả sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến cục diện chiến sự Nga- Ukraine. Từ thực trạng này, có thể thấy một số vấn đề sau:

Binh sĩ Ukraine được huấn luyện tại Đức (Ảnh: DW)

Binh sĩ Ukraine được huấn luyện tại Đức (Ảnh: DW)

>> Chiến sự Nga- Ukraine: Thách thức an ninh Châu Âu

Thứ nhất, sức nóng của khủng hoảng địa chính trị dịch chuyển một phần sang mặt trận năng lượng, cụ thể là dầu mỏ và khí đốt. EU, G7, Anh và Mỹ đang chứng tỏ quyết định cấm vận năng lượng Nga đang đi đúng hướng.

Các dự báo về việc Tổng thống Putin khoanh tay “tọa sơn quan” châu Âu ra sao sau mùa đông này - không còn nhiều ý nghĩa. Chính Moscow cũng chật vật tìm đầu ra cho dầu mỏ và khí đốt, tranh giành khách hàng để duy trì nguồn thu phục vụ chiến tranh.

Kết quả ban đầu của bài toán năng lượng ở châu Âu gián tiếp phục hồi niềm tin ở Ukraine sau khi hệ thống hạ tầng năng lượng nước này bị lực lượng Nga hỏa kích, hủy hoại ở mức độ nghiêm trọng. Brussels có cơ sở thực tế để hỗ trợ khí đốt, dầu mỏ cho Kiev.

Thứ hai, các quốc gia “không phản đối Nga” đối mặt với khủng hoảng nhiều mặt. Trung Quốc chật vật chống chịu làn sóng COVID-19 tái bùng phát. Lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc chưa thực hiện bất cứ động thái ngoại giao nào trong khoảng thời gian 2 tháng đầu năm 2023.

Bắc Kinh ưu tiên nguồn lực xử lý các vấn đề nội bộ, ngoài khủng hoảng dịch bệnh là các bất ổn trong nước, đặc biệt là thái độ bất bình về tình trạng y tế cũng như kinh tế.

Các điểm nóng ở những “sân sau” của Nga như Armenia và Azerbaijan có thể leo thang thành xung đột vũ trang sau khi ảnh hưởng của Kremlin suy giảm vì chiến sự Nga- Ukraine.

Lực lượng thân Nga có dấu hiệu suy yếu, ngược lại phe đối lập nhân cơ hội này nổi dậy từ tháng 12/2022. Trong suốt thời kỳ căng thẳng đó, ông Putin đã không thực hiện bất kỳ động thái nào để xoa dịu tình hình hay gây sức ép buộc Azerbaijan dỡ phong tỏa, khiến ảnh hưởng của họ ở Kavkaz dần suy giảm.

>> Chiến sự Nga- Ukraine: Thách thức an ninh Châu Âu

Hơn 2 thập kỷ qua, ông Putin giành nguồn lực rất lớn để tái lập ảnh hưởng của nước Nga trong không gian hậu Xô viết nhằm thực hiện một số mục tiêu, trong đó có việc tổ chức “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine - phục vụ tham vọng khôi phục đế chế.

Hệ thống tên lửa Patriot có tầm bắn lên tới 160km

Hệ thống tên lửa Patriot có tầm bắn lên tới 160km

Thứ ba, chính giới Mỹ tiếp tục đạt được đồng thuận với nhiệm vụ hậu thuẫn tối đa cho Kiev. Ngay từ đầu năm mới 2023, Tổng thống Zelensky đã đến Washington gặp gỡ một loạt nhân vật chủ chốt; phát biểu của ông Zelensky trước Quốc hội Mỹ được hoàn nghênh nhiệt liệt.

Sự ảnh hưởng của Nhà trắng nói riêng và phương Tây nói chung với chiến sự Nga - Ukraine ngày một rõ ràng hơn. Một cách tuần tự đều đặn, ban đầu là tên lửa thô sơ vác vai Javelin và Stinger đến hệ hống HIMARS và sắp tới là Patriot được chính chuyên gia Mỹ cầm tay chỉ việc.

Phương Tây dùng kế đánh đối phương từ từ, thua nhưng không đau, tăng dần vũ khí nhưng không ồ ạt, tránh làm Nga nổi giận hành động mất kiểm soát, ví dụ như việc sử dụng vũ khí hạt nhân.

Cuối cùng, coi như là kết quả của các diễn biến trên. Cần biết rằng, Nga không hề yếu về sức mạnh quân sự, nếu không muốn nói là rất hùng mạnh. Nhưng đến một lúc nào đó dấu hiệu nhận biết thắng - thua trên chiến trường là không thể chối cãi.

Logic này dẫn đến “trận chiến cuối cùng” - như kịch bản của tất cả các cuộc chiến tranh khác. Khi đó, các thỏa thuận trên bàn đàm phán sẽ được tính đến. Và đây là công việc chung của nhiều bên.