>> Vì sao Triều Tiên liên tục phô trương sức mạnh hạt nhân?

 tên lửa xuyên lục địa Hwasong-17 được trình diễn trong lễ Duyệt binh của Triều Tiên

Tên lửa xuyên lục địa Hwasong-17 được trình diễn trong lễ Duyệt binh của Triều Tiên vào tháng 4 vừa qua. Ảnh: CNN

Triều Tiên không chỉ tận dụng trường hợp của Ukraine để củng cố tuyên bố rằng nước này cần vũ khí hạt nhân để đảm bảo sự an toàn của đất nước, mà còn lợi dụng việc tất cả các quốc gia đều dồn sự tập trung đến cuộc chiến ở Ukraine để đẩy mạnh phát triển vũ khí hạt nhân.

Trong bối cảnh chiến sự Nga-Ukraine đang leo thang và Mỹ, phương Tây dồn dập tung các đòn trừng phạt giáng vào Nga, cộng đồng quốc tế có thể sẽ không mặn mà với các biện pháp trừng phạt đối với Triều Tiên. Trong khi đó. việc tẩy chay dầu và khí đốt của Nga thậm chí có thể mở ra cánh cửa cho các thỏa thuận năng lượng giữa Bình Nhưỡng và Moscow. 

Như giáo sư Andrei Lankov của Đại học Kookmin đã nói, bài học mà Triều Tiên đã học được từ cuộc chiến của Nga ở Ukraine là: "Không bao giờ, đừng bao giờ giao nộp kho vũ khí hạt nhân của bạn".

Chuyên gia này phân tích thêm, cuộc chiến của Moscow đối với nước láng giềng đã củng cố một thông điệp đã tồn tại trong tâm trí Bình Nhưỡng trong nhiều thập kỷ. Khi Ukraine là một phần của Liên Xô, nước này sở hữu hàng nghìn đầu đạn hạt nhân.

Tuy nhiên, quốc gia này tự nguyện giao nộp kho vữ khí hạt nhân cho Nga sau khi Liên Xô sụp đổ vào năm 1991 như một phần của thỏa thuận năm 1994 với Hoa Kỳ, Vương quốc Anh và Nga sẽ đảm bảo an ninh cho Ukraine thông qua một thỏa thuận được gọi là Bản ghi nhớ Budapest.

"Nhưng ngày nay, Ukraine đang bị tấn công từ chính quốc gia đã ký thỏa thuận bảo vệ mình. Vậy, liệu Moscow có tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt nếu Ukraine vẫn còn giữ các đầu đạn hạt nhân của họ? Bây giờ, sau Iraq, Libya và Ukraine, Triều Tiên đã có câu trả lời", ông Lankov nói.

>> Mỹ lại “nhức đầu” vì Triều Tiên

Công trường xây dựng lò phản ứng hạt nhân ở Kumho, Triều Tiên vào năm 2002.

Công trường xây dựng lò phản ứng hạt nhân ở Kumho, Triều Tiên vào năm 2002. Ảnh: CNN

Bình Nhưỡng thường xuyên sử dụng trường hợp của Saddam Hussein và Moammar Gaddafi, các cựu lãnh đạo của Iraq và Libya, để biện minh cho chương trình hạt nhân của mình, cho cả người dân và thế giới. Cả hai nhà lãnh đạo này đều mất quyền lực sau khi tham vọng hạt nhân của họ bị kiểm soát.

"Điều này có thể có "tác động rất tiêu cực" đến suy nghĩ của nhà lãnh đạo Triều Tiên", ông Lee Sang-hyun, Chủ tịch và Thành viên nghiên cứu cấp cao của Viện Sejong đánh giá khi ông Kim Jong-un sẽ ngày một ám ảnh bởi việc cần củng cố sức mạnh hạt nhân của quốc gia mình để đảm bảo sự an toàn cho chế độ và vị thế quyền lực của mình.

Mặc dù vậy, thực tế cho thấy, trước khi Ukraine bị tấn công, Triều Tiên đã có dấu hiệu gia tăng tham vọng hạt nhân. Mới đây, quốc gia này đã thực hiện vụ phóng tên lửa thứ 14 trong năm nay. Và một trong những tên lửa được thử nghiệm được cho là có ICBM (tên lửa đạn đạo xuyên lục địa). Đó là cuộc thử nghiệm ICBM đầu tiên kể từ năm 2017 và được nhiều người coi là dấu hiệu báo trước cho các cuộc thử nghiệm khác trong tương lai.

Và các hình ảnh vệ tinh thương mại cho thấy Bình Nhưỡng đang cố gắng khôi phục quyền tiếp cận bãi thử nghiệm dưới lòng đất Punggye-ri. Các quan chức Mỹ cũng trao đổi với CNN rằng Triều Tiên có thể sẵn sàng tiếp tục thử hạt nhân vào cuối tháng này.

Đáng chú ý, sự chia rẽ rõ ràng giữa các thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc - một bên là Nga và Trung Quốc, một bên là Anh, Mỹ và Pháp - có thể sẽ cản trở các lệnh trừng phạt Triều Tiên nếu quốc gia này tiếp tục đẩy mạnh phát triển chương trình hạt nhân.

Triều Tiên đã có một con đường thuận lợi hơn trong việc tiến hành khôi phục hoạt động hạt nhân. Và nếu điều này xảy ra, các chuyên gia lo ngại, nó sẽ tạo ra một tiền lệ xấu cho những quốc gia khác.