Chiến dịch này được đánh giá là thú vị, mới lạ, gây sốt, nhưng đổi lại là khó áp dụng lâu dài và chứa một số rủi ro không dễ kiểm soát được.

 Khách đến xem phim mang theo tô cơm vào rạp xem phim Conan. Ảnh: Lê Nam

Khách đến xem phim mang theo tô cơm vào rạp xem phim Conan. Ảnh: Lê Nam

Mang cơm vào rạp

Bộ phim “Thám tử lừng danh Conan: Nàng dâu Halloween” ra rạp vào cuối tháng 7 không chỉ khiến dân hâm mộ bộ truyện tranh này hào hứng, mà còn khiến cộng đồng mạng dậy sóng vì rạp BHD tuyên bố đồng ý cho khán giả đem cơm vào rạp xem phim!

Câu chuyện tưởng như đùa này bắt nguồn từ một thói quen của các “fan” là hay vừa ăn cơm vừa xem các tập phim Conan. Vậy nên khi có thông tin bộ phim ra rạp, mọi người hay bình luận vui rằng “giá mà được đem cơm vào rạp để vừa ăn vừa xem”.

Và BHD đã đọc được bình luận này. Không chỉ đọc được, họ còn quyết định chơi lớn, chiều luôn ý khán giả.

Cụ thể, BHD cho biết “ưu đãi” này chỉ được áp dụng với những khán giả xem phim “Conan: Nàng dâu Halloween”. Khán giả chỉ được mang cơm trắng và đựng trong tô, không sử dụng hộp nhựa, không đem theo đồ ăn hoặc canh hay nước chấm. Khán giả sẽ mua đồ ăn tại rạp, chấm bằng tương ớt hoặc tương cà tại rạp. Trong quá trình vừa ăn vừa xem phim thì khán giả lưu ý không được làm rơi cơm và đồ ăn xuống sàn và phải mang tô về sau khi xem xong.

Ngoài ra rạp BHD cũng phục vụ cơm nắm tam giác và các món gà lắc, xúc xích phô mai, khoai tây chiên, v.v..

Hay

Tin tức vừa công bố đã gây một cơn sốt trên mạng xã hội Việt Nam. Rất nhiều fanpage và bình luận thảo luận về chiêu quảng cáo này của BHD.

Theo đánh giá từ những người trong ngành, đây là một chiêu tiếp thị rất hay, đặc biệt là hướng đến thể loại phim Anime (phim lẻ hoạt hình), loại hình thường vốn ít được tiếp thị và cũng không mạnh mẽ bằng các loại hình phim khác ở Việt Nam.

Điều thành công của chiến dịch này là đánh được vào tâm lý, hành vi khách hàng. Trong tiếp thị, ai nắm bắt được sự thật tâm lý ngầm hiểu của khách hàng (insight), người đó đã thành công một nửa. Ở đây chiến dịch của BHD dựa trên một hành vi rất cơ bản và cụ thể, đó là khán giả thường vừa ăn cơm vừa xem Conan. Dù nghe có vẻ khá kỳ lạ, thế nhưng đây là sự thật.

BHD đã làm rất tốt vai trò nắm bắt tâm lý và hành động “gãi đúng chỗ ngứa” người dùng, vậy nên có lẽ không quá ngạc nhiên khi chiến lược tiếp thị của họ gây sốt toàn mạng như vậy.

Không chỉ có thế, với việc cho mang cơm trắng vào rạp, BHD còn kiếm thêm được doanh thu từ việc bán đồ ăn kèm. Một công đôi việc.

Không dễ dùng

Dĩ nhiên, chiến lược này cũng có rủi ro nhất định, trong đó đáng chú ý nhất vấn đề kiểm soát “luật chơi” và đảm bảo môi trường rạp phim. Quy định không mang đồ ăn vào rạp là một chuyện, nhưng khán giả có chấp hành 100% hay không lại là chuyện khác, nhân viên cũng khó có lòng kiểm soát hết được. Đó là còn chưa kể việc ăn cơm sẽ khiến rạp ám mùi, vì không gian chiếu phim là kín và điều hòa. Nếu không may cơm bị đổ ra sàn hoặc ghế thì sẽ ảnh hưởng đến những người xem suất chiếu sau.

Bên cạnh đó, chiêu tiếp thị này khó có thể triển khai rộng và lâu dài. Vì vốn dĩ việc đem đồ ăn “phi truyền thống rạp chiếu phim” chỉ thích hợp với những bộ phim có tệp khán giả tương đối đồng nhất như Conan. Còn nếu phim có tệp khán giả đa dạng hơn thì gần như không thể áp dụng. Trong khi đó đa phần các bộ phim giải trí đều có tệp khán giả đa dạng.

Nhưng mặc dù vậy, không thể phủ nhận BHD đã dám chấp nhận rủi ro và được đền đáp bằng sự lan tỏa về truyền thông. Có thể coi đây là phần thưởng xứng đáng cho sự táo bạo, sáng tạo và cả nhanh nhạy của BHD.