Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định 889/QĐ-TTg về danh mục các văn bản quy phạm pháp luật cần sửa đổi, bổ sung, ban hành mới. Đối với Luật Đất đai 2013, sẽ có 6 điểm trong phạm vi cần sửa đổi, bổ sung, ban hành mới được Chính phủ giao Bộ TN&MT chủ trì xây dựng.

Thứ nhất: Sửa đổi thống nhất về các khái niệm “doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài”, “tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài”, “cổ phần, phần vốn góp chi phối” giữa Luật Đầu tư năm 2014 và Luật Đất đai năm 2013.

Thứ hai: Thực hiện tổng kết những khó khăn, vướng mắc đối với việc chưa quy định cách thức xác định cụ thể từng thành viên trong hộ gia đình sử dụng đất. Từ đó có phương án đề xuất thích hợp sửa đổi các văn bản quy phạm để đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Thứ ba: Thực hiện tổng kết những khó khăn, vướng mắc cụ thể đối với việc không quy định diện tích tối thiểu được tách thửa đối với từng loại đất.

Thứ tư: Sửa đổi bổ sung Luật đất đai năm 2013 theo hướng quy định rõ về việc khẳng định các loại hợp đồng có đối tượng là quyền sử dụng đất khác với các hợp đồng được ghi nhận tại Luật Đất đai.

Thứ năm: Sửa đổi khoản 3 Điều 188 Luật Đất đai 2013 theo hướng làm rõ các thời điểm liên quan đến hợp đồng có đối tượng là quyền sử dụng đất tương ứng với từng loại hợp đồng và phù hợp với Bộ luật Dân sự 2015.

Thứ sáu: Quy định thống nhất về thẩm quyền phê duyệt kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh tại Luật Đất đai năm 2013, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch năm 2018 và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015.

Thời gian trình Chính phủ báo cáo tổng kết thi hành Luật Đất đai và xây dựng Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) là tháng 11/2021. Thời gian Chính phủ trình Quốc hội vào năm 2022 (đã đưa vào Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng).

Một dự án của GP. Invest tại tỉnh Phú Thọ, đến nay qua đên 6 đời Chủ tịch tỉnh vẫn tắc vì vướng GPMB

Một dự án của GP. Invest tại tỉnh Phú Thọ qua 6 đời Chủ tịch tỉnh vẫn tắc vì vướng GPMB

Như vậy, một số vấn đề “nóng” liên quan đến Luật đất đai năm 2013 được các doanh nghiệp phản ánh nhiều trong thời gian qua như các quy định về giải phóng mặt bằng khi thực hiện dự án, quy định về bảng và khung, hệ số điều chỉnh giá đất, quy định về xác định hình thức, quyền sử dụng đất đối với một số loại hình bất động sản kiểu mới (condotel, officetel, shophouse), một số nội dung liên quan đến chuyển đất công, đất quốc phòng, an ninh vào thị trường,… vẫn chưa có trong các nội dung trong Phụ lục I kèm theo Quyết định số 889/QĐ-TTg ngày 07 tháng 6 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ.

Về những tồn tại, vướng mắc liên quan đến lĩnh vực đất đai, nhà ở nói chung và Luật đất đai năm 2013 nói riêng, trước đó, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ chỉ rõ 20 chồng chéo, xung đột gồm: Quy định không thống nhất, thiếu cụ thể trong Luật Đầu tư, Luật Đất đai và Luật Đấu thầu trong lựa chọn nhà đầu tư thông qua đấu giá đất, đấu thầu dự án có gắn liền với quyền sử dụng đất; Không thống nhất về thời điểm xác định nhu cầu sử dụng đất hồ sơ xin chấp thuận chủ trương đầu tư và hồ sơ xác định nhu cầu sử dụng đất;

Mâu thuẫn trong quy định về điều kiện vốn tối thiểu của chủ đầu tư trong đấu giá quyền sử đụng đất theo Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Đất đai; Không tương thích về chế độ sử dụng đất trong khu công nghiệp giữa Luật Đất đai và Luật Đầu tư; Không tương thích về quyền cho thuê tài sản giữa Luật Đất đai và Bộ luật Dân sự; Xung đột giữa Luật Đầu tư và Luật Đất đai về việc chấm dứt dự án đầu tư và thu hồi đất có liên quan; Không tương thích giữa Luật Đầu tư và Luật Đất đai về chế độ miễn, giảm tiền thuê đất và các quyền, nghĩa vụ có liên quan của nhà đầu tư; 

Không tương thích giữa Luật Đầu tư và Luật Đất đai và tiền ký quỹ đối với dự án đầu tư; Hạn chế về phạm vi quyền chuyển nhượng dự án bất động sản giữa Luật Đầu tư, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở và Luật Đất đai; Quy trình thực hiện thủ tục đấu giá quyền sử dụng đất kéo dài và không quy định rõ thời hạn tại các văn bản quy phạm pháp luật;…

Ở góc độ doanh nghiệp bất động sản, chia sẻ với DĐDN, ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch HĐQT GP Invest cho rằng doanh nghiệp đang chờ Luật đất đai sửa đổi như “nắng hạn chờ mưa” bởi thực tế doanh nghiệp của ông đang triển khai một dự án tại tỉnh Phú Thọ dù đã qua đến 6 đời Chủ tịch tỉnh nhưng vẫn chưa xong chỉ vì vướng GPMB.

KỲ II: Doanh nghiệp mòn mỏi chờ!