Sơ đồ tổ chức bộ máy chính phủ Việt Nam

Sơ đồ tổ chức bộ máy chính phủ Việt Nam

Năm ngoái, giám đốc một công ty đầu tư nói với tôi, công ty anh đang xin giấy phép đầu tư trung tâm thương mại trị giá 35 tỷ đồng ở phố huyện. Từ khi lập hồ sơ dự án đến khi nhận được câu trả lời cuối cùng mất quá nhiều thời gian.

Bởi lẽ, hồ sơ phải cập bến đầu tiên ở Sở Kế hoạch Đầu tư, trình lên UBND tỉnh thông qua Văn phòng, sau đó họp, tiếp đến hồ sơ du hành qua các sở, ngành liên quan, mỗi nơi đánh giá “cấp phép” một mảng, thống nhất được tất cả các khía cạnh mới gọi là xong việc.

Anh đặt câu hỏi: Tại sao không lập ra một ban thẩm tra hồ sơ hoạt động cơ động hơn? Khi cần xét duyệt chỉ cần đại diện các sở ngành họp lại cho ý kiến? Hoặc giao toàn phần cho Sở Kế hoạch Đầu tư?

Nếu như cán bộ là trung tâm của mọi công việc thì khâu tổ chức, sắp xếp cán bộ là hạt nhân. Bởi nếu có con người tốt mà tổ chức sử dụng con người không tốt cũng không phát huy được năng lực.

Bộ máy nhà nước Việt Nam hiện nay (nói riêng chính phủ) cơ bản giống với thông lệ quốc tế. Chính phủ được hợp thành từ các Bộ và cơ quan ngang bộ, trong Bộ có các cục, vụ,…

Mô hình tổ chức theo hình nón, càng xuống sâu bên dưới càng phình ra to, trách nhiệm công việc cụ thể hơn. Vì một bộ, ngành nắm quá nhiều công việc trong phạm vi toàn quốc nên yêu cầu phải chia nhỏ ra từng lĩnh vực cụ thể.

Đòi hỏi này phát sinh số lượng nhân sự, từ vụ trưởng, vụ phó, cấp phòng, ban và các chức danh mang hàm tương đương. Thực trạng này được nói đến nhiều năm nay, đó là bộ máy cồng kềnh, gánh nặng ngân sách; chưa nói đến hiệu quả công việc.

Tinh giản biên chế, tinh chỉnh bộ máy liên tục là công việc tất yếu của mọi chính phủ trên thế giới, theo hướng đa nhiệm nhưng không “giẫm chân nhau”, trả lương theo vị trí công việc và chịu trách nhiệm một cách rõ ràng.

Tình trạng như câu chuyện trên cho thấy, hiện nay nhiệm vụ chồng chéo rất nhiều, khi có việc cơ quan nào cũng có thể tham gia, mỗi người một chút ít. Vậy mà khi có chuyện, cánh phóng viên, nhà báo tìm nguyên nhân thì nơi này “đá” qua nơi khác! Nhiều khi tưởng chừng đã đến đúng địa điểm thì lại thất thất vọng chạy sang chỗ khác.

Thêm một thực tế nữa là: Trong một ngành, nhiều khi nơi có quyền quyết định mọi việc lại không phải là chỗ trực tiếp thi hành nhiệm vụ, dẫn đến tình trạng bị động, “dưới” chờ “trên”, “trên bảo dưới không nghe”.

Tinh chỉnh, tinh gọn bộ máy là nhiệm vụ mang tính tất yếu

Tinh chỉnh, tinh gọn bộ máy là nhiệm vụ mang tính tất yếu

Trong Kết luận của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại cuộc họp với Bộ Nội vụ, có chỉ đạo: “Tập trung phân cấp, phân quyền theo nguyên tắc cái gì biết mới quản, cái gì không biết thì phân cấp, ủy quyền, không quản trực tiếp, nếu không dễ bị lợi dụng để hợp thức hóa”.

Cần có nghiên cứu khoa học để đánh giá cụ thể hiệu quả, cũng như hạn chế của cơ chế “chủ trì - phối hợp”. Đây là đầu mối sinh ra đùn đẩy, phong trào, xong nhà ai nấy về.

Thật ra, nhiệm vụ, quyền hạn mỗi Bộ, ngành đều gom tất tần tật trong tên gọi của nó. Dĩ nhiên là khuyến khích đa nhiệm để giảm nhân sự, phát huy tối đa tiềm lực cán bộ. Nhưng một việc chỉ giao cho một cơ quan đảm trách.

Xu hướng tổ chức chính phủ trên thế giới là không cáng đáng quá nhiều công việc, chính phủ chỉ giải quyết những công việc khó nhất, nhạy cảm nhất, rủi ro cao nhất như an sinh xã hội, dịch vụ công, quốc phòng, an ninh,… Còn lại giao hết cho doanh nghiệp và huy động nguồn lực từ xã hội hóa.

Vì sao phải làm như vậy? Thứ nhất, chính phủ sẽ tiết kiệm được ngân sách, cắt việc, đồng nghĩa với giảm nhân sự. Thứ hai, tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người dân tham gia công việc của nhà nước - song trùng với việc giám sát, minh bạch hóa, phòng chống tham nhũng từ gốc.

Hiện nay, mối quan quan hệ giữa Nhà nước - thị trường - xã hội ngày càng được minh định. Kinh tế thị trường buộc vận hành theo quy luật khách quan, điều ấy có nghĩa quyền hành của nhà nước trong điều tiết vĩ mô đã xác định ranh giới - nhà nước không thể can thiệp thô bạo.

Thực tiễn này hé mở tổ chức của Chính phủ cần tập trung hơn vào quản lý vĩ mô, hoạch định chính sách, giảm bớt các nội dung mang tính tác nghiệp, quản lý, điều hành trực tiếp và phân định rõ trách nhiệm quản lý giữa Trung ương và địa phương.

Bài II: Kinh nghiệm quốc tế