Tăng thuế luôn là một đặc điểm của đảng Dân chủ Mỹ

Tăng thuế luôn là một đặc điểm của đảng Dân chủ Mỹ

Ngay sau bài phát biểu nhậm chức đầy xúc động hôm 20/1, Tổng thống Joe Biden dự kiến sẽ gieo rắc nỗi sợ hãi lên giới nhà giàu bằng cách rút lại một số chính sách giảm thuế của người tiền nhiệm.

Những người kiếm được trên 400 nghìn USD/năm, các doanh nghiệp có thu nhập cao và những người thừa kế tài sản lớn sẽ là đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp. Trước ngày ông Trump rời khỏi Nhà trắng, hàng loạt giao dịch đã được giới nhà giàu thực hiện để tránh thiệt hại.

Sự đảo ngược chính sách thuế gây ra xáo trộn không hề nhỏ, đội ngũ J. Biden biết điều này, song không thể không thực hiện, bởi tăng thu thuế là nền tảng bảo đảm cho đảng Dân chủ triển khai khuynh hướng chính trị của mình.

Ví dụ, nếu khôi phục lại đạo luật chăm sóc sức khỏe toàn dân, chính phủ sẽ cáng đáng một phần kinh phí rất lớn. Hoặc, bình thường hóa quan hệ với các tổ chức quốc tế như WTO, NATO,… Washington là bên chủ chi cho mọi hoạt động để đảm bảo vai trò lãnh đạo.

Điều này gián tiếp giải thích vì sao ông Trump bắt buộc các thành viên NATO phải đóng thêm kinh phí, hoặc ép các đồng minh như Nhật Bản, Hàn Quốc gia tăng chi phí quốc phòng để quân đội Mỹ tiếp tục bảo vệ họ.

Khác biệt tổng quan về thuế ở chỗ, ông Trump muốn giảm thuế để tăng thu nhập thực tế, nuôi dưỡng doanh nghiệp, kích thích tiêu dùng nội địa. Ngược lại ông Joe Biden muốn tăng thuế để chi nhiều hơn cho giáo dục, y tế, an sinh xã hội nhằm bảo đảm quyền kiểm soát của nhà nước.

Cũng dễ hiểu vì D. Trump xuất thân là doanh nhân - nhà kỹ trị điển hình, ông hiểu doanh nghiệp cần gì trước mắt. Còn J. Biden là nhà quản lý xã hội có thâm niên, tân Tổng thống muốn tái phân phối tài sản một cách đồng đều nhất để đảm bảo công bằng xã hội. Đây là hai phương pháp quản trị đối lập.

Nhưng trong bối cảnh này Tổng thống J. Biden tăng thuế liệu có hợp lý?

Nhưng trong bối cảnh này Tổng thống J. Biden tăng thuế liệu có hợp lý?

Một trong những triết gia góp phần quan trọng xây dựng ý thức hệ của đảng Dân chủ, John Dewey từng cho rằng: “chính quyền nên thủ giữ một vai trò trong nỗ lực giảm nghèo và xoá bỏ những bất công xã hội, ngay cả khi điều này có nghĩa là phải dành cho chính quyền nhiều quyền lực hơn cũng như phải tăng thuế để chi trả cho các dịch vụ xã hội”.

Cho nên, xuyên suốt trong lịch sử, những Tổng thống Dân chủ luôn nghiêng về sử dụng lý thuyết “bàn tay hữu hình”, nhấn mạnh vai trò can thiệp và điều tiết thị trường của Nhà nước thông qua các cơ chế, chính sách và công cụ điều hành kinh tế vĩ mô, như chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ, chính sách ngoại thương, chính sách thuế, thu nhập.

Một phân tích dựa trên mô hình Ngân sách Penn Wharton cho thấy, trong 1 thập kỷ tới, chính sách tăng thuế của ông Biden sẽ giúp ngân sách chính phủ tăng thu thêm 3,375 nghìn tỷ USD, qua đó tăng chi tiêu chính phủ thêm 5,37 nghìn tỷ USD.

Vì vậy, khá chính xác nếu như nói J. Biden có khuynh hướng “xã hội chủ nghĩa hiện đại” giống như cách mà các quốc gia giàu có ở Bắc Âu đang làm. Nhưng liệu rằng, hệ thống kinh tế Mỹ có đủ sức sản xuất lợi nhuận để phục vụ chính sách “xã hội hóa phân phối”? Tác động của nó như thế nào?

Bài II: Đo đếm thiệt hơn