Bình luận về tiềm năng nền kinh tế số Việt Nam, ông Nguyễn Minh Hồng, Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam cho biết, từ khi bước vào thế kỉ XXI đến nay, Việt Nam trở thành một trong 10 nước có lượng luân chuyển dữ liệu qua biên giới lớn nhất thế giới.

Người tiêu dùng có quyền nhận biết tầm quan trọng của việc hiểu về dữ liệu và được trao quyền kiểm soát dữ liệu cá nhân (ảnh: Visa).

Người tiêu dùng có quyền nhận biết tầm quan trọng của việc hiểu về dữ liệu và được trao quyền kiểm soát dữ liệu cá nhân (ảnh: Visa).

Với một nền kinh tế có độ mở cao, tỷ lệ người dân sở hữu điện thoại di động thông minh và sử dụng Internet ngày càng cao, Việt Nam có cơ hội lớn để chuyển đổi nền kinh tế nhờ vào công nghệ số, trở thành thị trường có lợi thế cạnh tranh tốt hơn, thu hút đầu tư nhiều hơn.

Thách thức về chính sách

Đồng quan điểm, ông Jeff Paine, Giám đốc điều hành Liên minh Internet Châu Á (Asia Internet Colliation) nhấn mạnh, các lợi ích mà dòng dữ liệu xuyên biên giới mang lại cho phát triển thương mại quốc tế gồm: Thúc đẩy nền kinh tế toàn cầu, cho phép các doanh nghiệp và người tiêu dùng tiếp cận với công nghệ và dịch vụ tốt nhất hiện có, mang lại lợi ích cho tất cả các lĩnh vực, từ sản xuất đến dịch vụ tài chính, giáo dục và chăm sóc sức khỏe, cho phép gửi một lượng lớn dữ liệu một cách nhanh chóng và hầu như không mất phí đến hầu hết mọi nơi trên thế giới.

Tuy nhiên, bên cạnh cơ hội, dữ liệu xuyên biên giới cũng đặt ra cho Việt Nam những thách thức về chính sách như bảo vệ quyền riêng tư của mỗi cá nhân, khả năng thực thi quyền tài phán của quốc gia, an ninh mạng. Tìm ra một hướng đi thích hợp lúc này là điểm “then chốt” trong tiến trình phát triển kinh tế số của Việt Nam.

Về phần mình, bà Lori Roussey, Trưởng Bộ phận chính sách quyền riêng tư của Oxfam International chia sẻ kinh nghiệm hoạt động của tổ chức thông qua áp dụng chính sách và thực hành quản trị dữ liệu có trách nhiệm, đạo đức, minh bạch, tôn trọng quyền dữ liệu của công dân, trong đó có các nhóm dễ bị tổn thương, tương thích với khung chính sách bảo vệ dữ liệu Châu Âu.

Đại diện Oxfam cũng chia sẻ cần có cơ chế quản trị dữ liệu mang yếu tố nhân văn, đáp ứng nhu cầu và lợi ích các bên, có sự tham gia của chính phủ, doanh nghiệp và các tổ chức xã hội bảo vệ quyền lợi các nhóm yếu thế. Các biện pháp chính sách quản trị dữ liệu xuyên quốc gia cần đảm bảo quyền dữ liệu của công dân được thực thi công bằng, thúc đẩy sáng tạo, trách nhiệm giải trình, và an ninh mạng.

Hóa giải thách thức

Ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông (IPS) nhấn mạnh, cách tiếp cận chính sách dựa trên ba trụ cột: (i) quy định pháp luật; (ii) hợp tác liên quốc gia trong các khuôn khổ đa phương; (iii) cơ chế tự quản trong nội bộ ngành (self-regulation). Bên cạnh việc dùng công cụ pháp lý đối với quản trị dữ liệu cá nhân xuyên biên giới, cần chú trọng đến các khuôn khổ hợp tác quốc tế cũng như các cơ chế tự quản trong nội bộ ngành.

Đối với Việt Nam, cần gấp rút tham gia các khuôn khổ đa phương trong khu vực như APEC Privacy Framework, ASEAN PDP, đồng thời thúc đẩy áp dụng giải pháp công nghệ để bảo vệ quyền riêng tư (Privacy Enhancing Technology, PETs).

Tựu trung lại, để có thể tận dụng cơ hội và hóa giải những thách thức mà dòng dữ liệu cá nhân xuyên biên giới đem lại, theo ông Đồng, Việt Nam nên: (i) thúc đẩy hợp tác đa phương về quản trị dữ liệu; (ii) thúc đẩy trách nhiệm giải trình của các chủ thể liên quan đến hoạt động xử lý dữ liệu. Và để có thể làm được hai điều này thì có ba việc cần thiết phải tiến hành: (i) hoàn thiện các quy định pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân theo hướng có sự thống nhất trong hệ thống pháp luật nội bộ của quốc gia, đồng thời có sự tương đồng giữa các quốc gia trong khu vực và trên thế giới; (ii) hạn chế yêu cầu địa phương hóa dữ liệu, và (iii) tăng cường các biện pháp công nghệ để bảo vệ dữ liệu cũng như khai thác giá trị của dữ liệu.