>>Kích thích phục hồi kinh tế với các giải pháp cải tổ chính sách thuế

Trong suốt 2 năm Việt Nam đối mặt với dịch bệnh COVID-19, Quốc hội và Chính phủ đã ban hành rất nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động. Ngay trong năm 2020, nhiều chính sách hỗ trợ về thuế, phí và các khoản thu ngân sách Nhà nước được các cơ quan có thẩm quyền ban hành để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân. Đơn cử như: Nghị định số 41/2020/NĐ-CP về gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất; Nghị định số 109/2020/NĐ-CP về gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước,...

chính sách thuế được ban hành như “liều ô xy” kịp thời hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - Ảnh minh họa

Chính sách thuế được ban hành như “liều ô xy” kịp thời hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - Ảnh minh họa

Sang năm 2021, Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị định số 44/2021/NĐ-CP hướng dẫn thực hiện về chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp đối với khoản chi ủng hộ,...; Nghị định 52/2021/NĐ-CP quy định về việc gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất; Quyết định 27/2021/QĐ-TTg về giảm tiền thuê đất của năm 2021 đối với các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19;... và mới nhất là Nghị định số 92/2021/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Nghị quyết số 406/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hướng dẫn 4 nhóm giải pháp miễn, giảm thuế nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu ảnh hưởng của COVID-19.

Ước tính các giải pháp về thuế, phí đã ban hành trong năm 2021 sẽ hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 khoảng 138.000 tỷ đồng, trong đó, số tiền thuế và tiền thuê đất được gia hạn khoảng 115.000 tỷ đồng; số được miễn, giảm là 23.000 tỷ đồng.

>>Cục Thuế Hải Phòng: Giải đáp thắc mắc về chính sách thuế cho doanh nghiệp

Tính đến cuối tháng 11, cơ quan thuế đã miễn, giảm 3.500 tỷ đồng tiền thuê đất cho doanh nghiệp; giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng, miễn thuế thu nhập cá nhân cho hộ và cá nhân kinh doanh với tổng số tiền 19.700 tỷ đồng...

Dù vẫn còn đó một số hạn chế nhất định, thế nhưng, theo đánh giá của các chuyên gia, những chính sách thuế, phí đã được ban hành như liều “ô xy” kịp thời hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế.

Thực tế, việc Chính phủ đồng ý giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp trong năm 2021, đã có những tác động lớn đối với các doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ dưới 200 tỷ đồng, khi không chỉ góp phần hỗ trợ các doanh nghiệp này vượt qua khó khăn do tác động của dịch bệnh COVID-19, mà còn tạo điều kiện cho các doanh nghiệp này tích tụ vốn để phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao khả năng cạnh tranh. Cùng với các doanh nghiệp, các hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh cũng được hưởng lợi sau khi chính sách này có hiệu lực.

Dù còn một số hạn chế, nhưng những chính sách thuế đã đem lại hiệu ứng tích cực - Ảnh minh họa

Dù còn một số hạn chế, nhưng những chính sách thuế đã đem lại hiệu ứng tích cực - Ảnh minh họa

Đặc biệt, việc điều chỉnh thuế giá trị gia tăng (thuế GTGT) từ 10% xuống còn 7% cũng được cho là một trong những giải pháp hỗ trợ phù hợp, kịp thời, nhất là khi trong bối cảnh kinh tế còn khó khăn, ít doanh nghiệp có lãi, việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, giảm thuế thu nhập cá nhân sẽ có ít đối tượng được hưởng, thế nhưng, giảm thuế GTGT xuống 7% lại có phạm vi rất lớn. Việc giảm thuế GTGT sẽ khiến giá trị hàng hóa giảm xuống, điều này sẽ kích thích tiêu dùng nội địa, khi thị trường nội địa tăng cao, quá trình sản xuất cũng sẽ tăng theo, từ đó nền kinh tế sẽ được hồi phục từ nội lực.

“Có thể nói, giảm thuế GTGT như một mũi tên trúng 2 đích trong việc thúc đẩy kinh tế tăng trưởng”, một chuyên gia nhận định.

Chưa kể, từ các chính sách hỗ trợ của Chính phủ vừa qua, không ít doanh nghiệp đã sáng tạo ra nhiều giải pháp hoạt động kinh doanh sống chung với dịch bệnh, như chuyển đổi phương án chiến lược sản phẩm tạm thời, tìm thị trường ngách,... Giải pháp được cho là hiệu quả nhất chính là chuyển đổi số, chuyển đổi mô hình sản xuất truyền thống sang mô hình trực tuyến, làm việc từ xa.

Đánh giá về các chính sách thuế, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội - Mạc Quốc Anh cho hay, trong bối cảnh doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh, các chính sách miễn, giảm thuế được ban hành và thực thi có ý nghĩa rất lớn với cộng đồng doanh nghiệp, đây sẽ là dòng tiền giúp doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh mà không phải vay vốn.

Cùng quan điểm, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam - Nguyễn Thị Cúc cũng cho rằng, việc giảm thuế cho doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay là rất cần thiết và cấp bách, các gói chính sách hỗ trợ khi được thông qua đều sẽ phần nào giúp doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn, giữ được sự ổn định và phục hồi nhanh sau khi dịch bệnh được đẩy lùi.

Năm 2022 được dự báo, nền kinh tế vẫn còn đứng trước những khó khăn, thách thức từ dịch bệnh COVID-19, việc giãn hoãn thuế, giảm thuế, giảm lãi suất…, tất cả đều được cho là những chính sách quan trọng, như những “liều ô xy” cần thiết cho doanh nghiệp. Dư luận kỳ vọng, Quốc hội và Chính phủ sẽ thông qua Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế với những giải pháp đồng bộ, trên mọi lĩnh vực, để các gói hỗ trợ, kích thích kinh tế sớm được triển khai với tiềm năng đủ mạnh, trúng và đúng sẽ nhanh chóng thúc đẩy nền kinh tế phục hồi, trở lại quỹ đạo phát triển.