>> Xây dựng cơ chế chính sách tránh rủi ro cho thị trường xăng dầu

Trong khi Hải Phòng là thành phố Cảng, là đầu mối giao thông quan trọng với đủ loại hình giao thông: Không, bộ, biển, sắt, sông; là cửa ngõ ra biển của miền Bắc; là nơi có tổng kho xăng dầu của khu vực III với trữ lượng rất lớn nhờ hệ thống bồn nổi, bồn chìm…

Rất nhiều cây xăng tại Hải Phòng đóng cửa. Ảnh: Minh Tuấn

Rất nhiều cây xăng tại Hải Phòng đóng cửa. Ảnh: Minh Tuấn

Rất nhiều cây xăng tư nhân thì trưng đủ các loại biển cắm trước cửa hàng. Nào biển, nào bạt in, hay bảng viết phấn với các lý do: “Mất điện”, “Cây xăng đang sửa chữa, hết xăng”, “Bơm xăng đang bảo dưỡng”… để từ chối đổ xăng. Nhiều người phải chạy xe vòng vèo để tìm các cây xăng của quân đội, Petrolomex, PV oil… để đổ xăng.

Sự bất tiện thấy rõ càng chứng tỏ vai trò quan trọng của xăng dầu trong cuộc sống, thật đúng là “máu” của nền kinh tế và giao thông. Có người phát cáu khi cứ lượn xe vào gần là nhận được cái xua tay của nhân viên cây xăng đuổi như đuổi tà, trong khi kim báo xăng trên phương tiện chạm vào vạch đỏ khá lâu rồi.

Tìm mỏi mắt mới được cây xăng có bán thì phải chen chúc chờ đợi, rồi bị bán theo hạn mức, xe máy chỉ có 50 ngàn, ô tô thì được đổ 300 ngàn. Chưa bao giờ vừa lái xe lại vừa phải nhìn đồng hồ báo xăng liên tục. Đi đâu xa lại phải lo tính lượng xăng còn lại, chỗ đổ tiếp theo, tâm lý  người điều khiển phương tiện trở nên lo lắng nặng nề.

Trên các thông tin đại chúng, các thông tin từ cơ quan chức năng quản lý thị trường xăng dầu liên tục phát ra thông báo: “Chúng tôi sẽ kiểm tra, sẽ xử lý …  với các doanh nghiệp cố tình găm hàng, trốn tránh việc kinh doanh. Nếu cần sẽ rút giấy phép của những doanh nghiệp chây ỳ cố tình không thực hiện chỉ đạo. Kiên quyết làm các việc để tình trạng khan hiếm xăng dầu không xảy ra..”. Nhưng thực tế người dân không lên radio hay ti vi để đổ xăng được, mà vẫn phải lượn vòng tìm chỗ có bán nhiên liệu để di chuyển, cho dù thấy vất vả, phiền toái hơn trước rất nhiều.

Người dân Hải Phòng chật vật tìm chỗ đổ xăng.

Người dân Hải Phòng chật vật tìm chỗ đổ xăng.

>> Bất ổn thị trường xăng dầu: “Nút thắt” từ… nguồn cung

>> Bình ổn thị trường xăng dầu: Cần đồng bộ các giải pháp

>> Có nên tiếp tục duy trì Quỹ bình ổn giá xăng dầu?

Ghi nhận từ thực tế các cơ quan có chức năng quản lý thị trường rất tích cực tuần tra xử lý, nhưng vẫn là tình trạng “bắt cóc bỏ dĩa”. Các chủ cây xăng tìm đủ cách để đối phó, trốn tránh khi họ không muốn vận hành cây xăng, bởi bán không có lãi hoặc càng bán càng lỗ. Phương tiện liên lạc hiện đại giúp họ có đủ thời gian đối phó hơn thời gian cơ động kiểm tra của cơ quan chức năng. Cơ quan quản lý vất vả nhưng hiệu quả vẫn không được như mong muốn.

Ưu điểm là xăng dầu chỉ bị bán hạn chế chứ không bị ép tăng vọt giá và các hãng như Petrolimex hay PV Oil đều tăng sản lượng bán ra. Như PV Oil cho biết trong tháng 10 năm 2022 lượng xăng dầu mà doanh nghiệp này cung cấp ra thị trường tăng gần 40% so với tháng 9, góp phần đảm bảo ổn định xã hội trong tình hình khó khăn do khan hiếm và giá cả nhiêu liệu hoá thạch tăng cao trên quy mô toàn cầu.

Nhưng cũng qua thời điểm xăng cao, gạo kém này mới thấy sự cục bộ của các doanh nghiệp xăng dầu tư nhân không có lãi là lập tức “quay xe”, không quan tâm đến sự ảnh hưởng đời sống sinh hoạt của nhân dân. Lúc thu lãi thì âm thầm, thấy sắp sửa tăng giá là găm hàng, khan hiếm và ít lãi là đóng cửa “sống chết mặc bay”. Nếu không có sự quản lý điều hành của nhà nước thì chắc chắn sẽ xảy nhiều vấn đề nghiêm trọng ảnh hưởng đến dòng chảy kinh tế của đất nước, đời sống, giao thông đi lại của nhân dân. Đó là cũng là lý do tại sao mặt hàng thiết yếu chiến lược này phải được sự giám sát quản lý của nhà nước.

Về tương lai, để tránh các tình trạng tương tự lặp lại, nên xây dựng lộ trình để các doanh nghiệp tự quyết định giá bán. Nhà nước chỉ kiểm soát giá trần và chống bán phá giá. Còn lại các doanh nghiệp sẽ phải tự hạch toán chi phí cạnh tranh giá bán với nhau thì người dân mới được hưởng lợi, được hưởng mức giá công bằng nhất sau khi các doanh nghiệp kinh dầu xăng dầu đảm bảo lợi nhuận hợp lý.

Vai trò của nhà nước là kiểm soát điều tiết không cho móc ngoặc tạo làn sóng tăng giá móc túi người dân. Có như vậy mới hết cảnh xăng còn đầy trong bồn mà bên ngoài thì treo biển: “Hết xăng”. Còn nhân dân cứ vừa đi vừa ngóng đồng hồ báo xăng dầu, vừa lo tìm chỗ đổ. Bỏ tiền ra mà không khác gì phải đi xin.

Người viết tận mắt chứng kiến có anh năn nỉ:

- Em ơi đổ thêm cho anh tí, anh đưa con gái lên trường, em cho anh thêm tí không nửa đường hết xăng, anh không biết làm thế nào?

Đáp lại sự năn nỉ chân tình đó là vẻ mặt lạnh hơn cả khí ga hoá lỏng của cô bán hàng:

- Anh đi mà trình bày với cửa hàng trưởng. Em chỉ biết đổ cho anh đúng định mức. Không anh đi chỗ khác mà đổ. Hết xăng rồi!