Thời gian vừa qua, Diễn đàn Doanh nghiệp liên tục thông tin về việc, Công ty CP Yên Phước có trụ sở chính tại xóm Nhất Trí, xã Yên Lãng, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, hoạt động khai thác than khoáng sản không đúng thông số về chiều cao tầng của hệ thống khai thác đã xác định trong thiết kế mỏ; khai thác vượt ra ngoài ranh giới khu vực được cấp phép;... không chỉ đe dọa đến môi trường sống của người dân địa phương mà còn khiến nhiều ngôi nhà của người dân bị rạn nứt. Thế nhưng, UBND tỉnh Thái Nguyên vẫn có phần “ưu ái”, ngó lơ cho Công ty này bằng “điệp khúc” phạt hành chính…

Mặc dù khiến dư luận địa phương vô cùng bức xúc và tiềm ẩn hàng loạt hệ lụy khôn lường nhưng hoạt động khai thác của Công ty CP Yên Phước vẫn nghiễm nhiên tồn tại

Mặc dù khiến dư luận địa phương vô cùng bức xúc và tiềm ẩn hàng loạt hệ lụy khôn lường nhưng hoạt động khai thác của Công ty CP Yên Phước vẫn nghiễm nhiên tồn tại

Theo đó, ngày 30/7, Sở Công Thương tỉnh Thái Nguyên đã chính thức công bố kết luận thanh tra số 1311/KLTT-SCT, ký ngày 20/7/2020 do ông Nguyễn Văn Thủy – Phó giám đốc Sở Công thương tỉnh Thái Nguyên ký, về việc chấp hành quy định pháp luật trong hoạt động khai thác, chế biến, kinh doanh than của Công ty cổ phần Yên Phước.

Theo Kết luận thanh tra, Công ty CP Yên Phước được Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên cấp giấy phép số 1091/GP-UBND ngày 02/6/2014 khai thác than tại Mỏ than Minh Tiến, thuộc địa bàn xã Minh Tiến và xã Na Mao, huyện Đại Từ, với thời hạn khai thác đến hết ngày 28/6/2031. Trữ lượng khai thác hơn 136.000 tấn và công suất khai thác 8.500 tấn/năm; phương thức khai thác hầm lò đến mức + 220m tại khu A và khai thác lộ thiên đến mức + 340m tại khu B; diện tích khu vực khai thác là 59ha.

Tuy nhiên, qua kiểm tra, xác minh, quá trình hoạt động khai thác khoáng sản của Công ty cổ phần Yên Phước còn các vi phạm như: khai thác không đúng thông số về chiều cao tầng của hệ thống khai thác đã xác định trong thiết kế mỏ; khai thác vượt ra ngoài ranh giới khu vực được khai thác 843m2; sử dụng 189.844m2 đất rừng vào hoạt động khai thác khoáng sản không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép theo quy định; kê khai thiếu khối lượng đất đá thải, thiếu sản lượng để tính phí bảo vệ môi trường; lập sổ theo dõi xuất nhập vật liệu nổ ghi chưa đầy đủ, hộ chiếu nổ mìn lập không đầy đủ nội dung...

Mặc dù quá tải nhưng những chiếc Container của doanh nghiệp vẫn vô tư quần nát hạ tầng giao thông trên toàn tuyến vận chuyển

Mặc dù quá tải nhưng những chiếc Container của doanh nghiệp vẫn vô tư quần nát hạ tầng giao thông trên toàn tuyến vận chuyển

Sai phạm là như vậy, thế nhưng, biện pháp xử lý được Sở Công Thương tỉnh Thái Nguyên đề ra chỉ mang tính chất nhắc nhở theo kiểu “khẩu hiệu” yêu cầu; yêu cầu; yêu cầu…

Cách xử lý như vậy liệu có thỏa đáng? Trong khi, những cánh đồng bùn, than tràn xuống; những ngôi nhà của người dân bị tác động trước sức ép của nổ mìn khai thác, ai lo? Tính mạng người dân luôn chờ trực bên miệng “tử thần” ai chịu trách nhiệm?

Được biết, trước đó, liên quan đến các hành vi vi phạm, ông Lê Quang Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên, đã ký quyết định số 2206/QĐ-XPVPHC ngày 17/7/2020 xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty CP Yên Phước với tổng số tiền hơn 500 triệu đồng(?).

Đây, không phải lần đầu tiên tỉnh Thái Nguyên phạt hành chính Công ty CP Yên Phước mà sau Kết luận thanh tra số 46/KL-STNMT, UBND tỉnh Thái Nguyên cũng đã từng xử phạt doanh nghiệp này 200 triệu đồng vì không kịp thời báo cáo với cơ quan quản lý nhà nước về sự cố môi trường, không lập báo cáo quản lý chất thải nguy hại định kỳ theo quy định, không có giám đốc mỏ...(?).

Bất chấp cảnh báo và lời kêu cứu của người dân nhưng hậu quả từ bài học nhãn tiền từ mỏ than Phấn Mễ không đủ xúc tác cho các quyết định của lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên

Bất chấp cảnh báo và lời kêu cứu của người dân, những hậu quả từ bài học nhãn tiền từ mỏ than Phấn Mễ không đủ xúc tác cho các quyết định của lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên

Có chăng, “Phạt cho tồn tại” đang trở thành “đặc sản” của UBND tỉnh Thái Nguyên? Việc lớn, việc nhỏ, nhức nhối hay bê bối, hậu quả tới đâu,… không cần biết, một quyết định xử phạt coi như xong!?

Xin được nhắc lại, bài học nhãn tiền từ mỏ than Phấn Mễ, cũng “ngó lơ” những lời kêu cứu, cũng vẫn chỉ “phạt cho tồn tại”,…và cũng chính cả những điệp khúc mệnh lệnh “xuông” yêu cầu, yêu cầu và yêu cầu… mà 10 căn nhà, 06 mạng người bị vùi lấp dưới bùn than.

Thiệt hại là như vậy, nhưng trách nhiệm thuộc về ai? Dư luận vẫn “chìm xuồng” nhiều năm liên tiếp… trong khi, những diễn biến tại mỏ khai thác của Công ty CP Yên Phước tại xã Na Mao cũng đang rơi vào tình trạng tương tự như mỏ than Phấn Mễ ngày nào, nguy hiểm luôn rình rập cuộc sống của người dân và lần này, liệu những lãnh đạo vừa ký hàng loạt kết luận thanh tra, ký quyết định xử phạt hành chính, liệu có thoát tội, nếu hậu quả xảy ra?

Hay lại như cái kết tại mỏ than Phấn Mễ ngày nào, lãnh đạo địa phương đem mạng người treo sợi chỉ, chỉ đứt rồi trách nhiệm… chẳng thuộc về ai!?.