ông Lê Viết Hải, Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình

Ông Lê Viết Hải - Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình

DĐDN xin được trích nguyên văn thông điệp:

“Anh Chị Em thân mến!

Những diễn biến gần đây của nền kinh tế trên toàn thế giới do đại dịch COVID-19 gây ra đang xấu đi rất nhanh chóng và sẽ tiếp tục có những hậu quả thật khó lường! Vì vậy, chúng ta cần triển khai hết sức mạnh mẽ, khẩn trương và đồng thời nhiều biện pháp để vượt qua cuộc khủng hoảng chưa từng có này.

Song song với các giải pháp mang tính chiến lược cho hàng thập kỷ, Lãnh đạo của Tập đoàn đã chuẩn bị những biện pháp vừa phù hợp với việc phát triển lâu dài, vừa đáp ứng cho việc đối phó với cuộc khủng hoảng trước mắt để duy trì bộ máy quản lý sản xuất kinh doanh, bảo đảm công ăn việc làm cho nguồn nhân lực rất lớn hiện nay; đồng thời, giúp Tập đoàn nhanh chóng khôi phục sau cuộc khủng hoảng.

Những giải pháp đó cụ thể gồm ba nhóm tái cấu trúc đó là: Tái cấu trúc hệ thống quản lý; Tái cấu trúc nguồn nhân lực; Và tái cấu trúc về tài chánh.

Nhóm một về Tái cấu trúc hệ thống quản lý

Tái cấu trúc hệ thống quản lý nhằm cho phép đại đa số thành viên có thể làm việc trên internet không nhất thiết phải tập trung tại trụ sở. Cụ thể bao gồm:

Thứ nhất: Áp dụng Hệ thống Tác nghiệp Online để phối hợp làm việc giữa các phòng ban cũng như công trường. Yêu cầu tất cả công việc của cá nhân, đơn vị phải được hoạch định, báo cáo kết quả thực hiện trên Hệ thống này. Đây cũng là cơ sở để trả lương cũng như giải quyết các chế độ phúc lợi, khen thưởng và đề bạt nhằm đảm bảo hơn sự công bằng.

Thứ hai: Áp dụng tối đa các hệ thống internet hiện có phục vụ cho việc họp trực tuyến.

Thứ ba: Áp dụng chữ ký số để thông qua các bước xử lý công việc theo quy trình kể cả phê duyệt các hồ sơ thanh toán mà không cần phải in ấn.

Cách làm việc này sẽ tiếp tục duy trì lâu dài như là một trong những biện pháp nâng cao trình độ quản lý, cải thiện chất lượng và năng suất lao động, tăng cường tính kỷ luật và hiệu quả tương tác giữa các cá nhân, đơn vị trên diện rộng.

Nhóm hai về Tái cấu trúc nguồn Nhân lực

Tái cấu trúc nguồn Nhân lực theo phương châm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, tạo thêm việc làm hữu ích cho toàn thể thành viên Tập đoàn trong thời kỳ khủng hoảng, hướng đến mục tiêu không có một nhân tố tích cực nào phải bị cho nghỉ việc vì không bố trí được việc làm. (Phương châm này nhất quán với chính sách mà Tập đoàn đã duy trì liên tục trong suốt ba thập kỷ qua và chúng ta nhất định sẽ không thay đổi trong nhiều thập kỷ tới).

Theo đó, tái cấu trúc nguồn nhân lực bao gồm năm giải pháp sau:

Thứ nhất: Đẩy mạnh công tác đào tạo trên hệ thống E-learning có nội dung đào tạo được thiết kế cho từng cá nhân phù hợp với chiến lược phát triển kinh doanh và định hướng mở rộng thị trường nước ngoài. Kiểm tra chặt chẽ kết quả đào tạo online, đảm bảo tính trung thực; không để xảy ra tiêu cực trong thi cử; xử lý nghiêm với hình thức kỷ luật cao nhất (cho thôi việc) những trường hợp vi phạm qui chế và gian lận trong thi cử.

Thứ hai: Nguồn nhân lực nội bộ sau khi được đào tạo sẽ được lựa chọn để làm việc bán thời gian hoặc toàn thời giao cho các công ty thành viên, công ty mua bán sáp nhập, các đối tác chiến lược trong chuỗi cung ứng của Tập đoàn nhằm xây dựng một chuỗi cung ứng có chất lượng cao, hình thành "Hệ Sinh thái Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình".

Thứ ba: Tăng cường nhân lực cho việc phát triển kinh doanh và mở rộng thị trường, nâng cao tính chủ động trong việc tiếp cận với khách hàng tiềm năng tại tất cả các cấp quản lý. 

Thứ tư: Tạm ngừng việc thành lập các phòng ban mới cho đến khi Tổng Giám đốc ban hành sơ đồ tổ chức đã được tái cấu trúc.

Thứ năm: Với nguồn nhân lực dôi ra do thiếu công việc, Phòng Nhân sự sẽ đưa ra những tiêu chí rõ ràng, minh bạch để đánh giá và sàng lọc. Tất cả những nhân viên có nhiều cống hiến, có tinh thần cầu tiến, có thái độ tích cực trong công tác sẽ được giữ lại dù chưa bố trí được công việc ngay. Những nhân viên này sẽ được hướng dẫn thực hiện công tác đào tạo theo định hướng trên.

Nhóm ba về tái cấu trúc tài chánh

Đó là Nâng cao năng lực tài chính và tái cấu trúc nguồn tài chính với mục tiêu sử dụng nguồn vốn hiệu quả, đảm bảo khả năng thanh toán, duy trì hoạt động kinh doanh ổn định của Tập đoàn. Cụ thể bao gồm bảy giải pháp sau:

Thứ nhất: Lập một quỹ thuộc Công đoàn phù hợp với quy định của pháp luật, khuyến khích các thành viên của Tập đoàn đầu tư vào cổ phiếu HBC thông qua quỹ này. Qua đó, thể hiện sự cam kết gắn bó lâu dài với Tập đoàn để cùng chia sẻ rủi ro, chia sẻ gian nan-thử thách cũng như phú quý-vinh quang; cùng sát cánh với Ban Lãnh đạo vượt qua bất cứ khó khăn nào.

Thứ hai: Kêu gọi toàn bộ thành viên của Tập đoàn đóng góp một phần tiền lương nhận được kể từ tháng 3/2020 vào Quỹ nói trên theo tinh thần tự nguyện.

Thứ ba: Tiết giảm tối đa chi phí tiền lương, tiền ngoài giờ, tiền thưởng hiệu suất, các phụ cấp không thiết yếu và các chi phí chung khác (hướng dẫn chi tiết và cụ thể sẽ được phổ biến sau).

Thứ tư: Do dự án xây dựng trên toàn thị trường bị giảm sút nên giá của nhiều mặt hàng sẽ giảm theo. Phòng Vật tư, Phòng Quản lý Thầu phụ, Công ty Matec cùng tất cả các đơn vị mua hàng, bán thanh lý vật tư phế liệu cần phải khai thác hệ thống mua sắm điện tử của Công ty và vận dụng tối đa cơ chế "đấu giá" để đảm bảo tính cạnh tranh và minh bạch.

Thứ năm: Phòng Dự thầu cần cập nhật thường xuyên hơn giá mua hàng qua đấu giá điện tử cũng như căn cứ mức giảm các chi phí khác từ thành quả của việc tái cấu trúc để nâng cao tính cạnh tranh của giá dự thầu.

Thứ sáu: Các đơn vị nghiệp vụ liên quan ở cả công trường và văn phòng cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa để kiểm soát dòng tiền, đảm bảo cân đối thu-chi, không để phát sinh thêm nợ khó đòi.

Thứ bảy: Tái cơ cấu nguồn vốn theo mô hình kinh doanh mới, tránh gây ra xung đột lợi ích, thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh trong toàn hệ sinh thái của Tập đoàn.

Không chỉ giới hạn trong những giải pháp đã đề ra nói trên; Ban Lãnh đạo kêu gọi các cấp quản lý trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình có thể đưa ra thêm nhiều sáng kiến và chủ động triển khai những giải pháp được cho là hữu hiệu nhất.

Thay mặt Ban Lãnh đạo tôi xin gửi đến Anh Chị Em lời cảm ơn chân thành và sâu sắc nhất về tất cả những nỗ lực, những sáng kiến quý báu mà Anh Chị Em đóng góp nhằm giúp Tập Đoàn của chúng ta vượt qua khó khăn này cũng như đã từng vượt qua bao sóng gió với nhiều thăng trầm trong suốt ba thập kỷ qua.

Tôi rất mong toàn thể thành viên Hoà Bình nhận thức rõ cuộc khủng hoảng hiện nay có quy mô toàn cầu với mức độ rất nghiêm trọng và diễn biến thật khó lường. Ban Lãnh đạo Tập đoàn vẫn đang nỗ lực xây dựng kế hoạch ứng phó rủi ro với kịch bản xấu nhất.

Tôi tin tưởng tuyệt đối rằng với tinh thần "Cánh diều ngược gió", biến trở lực thành động lực, biến thử thách thành cơ hội; với tình yêu sâu sắc của thành viên dành cho Tập đoàn, với thái độ tích cực, tinh thần chủ động và truyền thống đoàn kết vượt khó, nhất định con tàu Hòa Bình của chúng ta sẽ vượt qua sóng to gió cả để tiến lên mạnh mẽ hơn sau khủng hoảng theo chiến lược vươn ra biển lớn nhằm thực hiện sứ mệnh và hoài bão mà tất cả chúng ta đã cùng xác định.

Hành khúc “Mọi bước đi - Một giá trị” sẽ mãi vang lên hùng tráng trên mọi miền của tổ quốc vào mỗi sáng thứ hai hàng tuần".