Trong ngành xây dựng, thuyền càng lớn thì sóng càng lớn. Là doanh nghiệp đang thực hiện rất nhiều công trình trọng điểm cho các thương hiệu bất động sản lớn, bối cảnh COVID-19 đang đặt nhiều doanh nghiệp bất động sản và nhất là ngành xây dựng trước một tương lai đầy bất định, tồn tại hay không tồn tại quả thực là câu hỏi nhức nhối, điều ấy cũng đang xảy ra với Tập đoàn xây dựng Hòa Bình.

Trong ngành xây dựng, thuyền càng lớn thì sóng càng lớn.

Ông Lê Viết Hải, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn xây dựng Hòa Bình cho rằng, trong ngành xây dựng, thuyền càng lớn thì sóng càng lớn.

Làm thế nào để giữ được sự bình tĩnh cho chính mình để tìm ra những lối thoát trong khung cửa hẹp, giữ được tinh thần vững vàng cho anh em toàn đội ngũ, và cả những nhà đầu tư quả không dễ dàng…

“Đúng là sức khoẻ tinh thần của những doanh nhân trong ngành xây dựng đang bị giảm xuống rất nhiều, bởi rất nhiều chủ đầu tư không thanh toán và giảm thanh toán vì họ là nạn nhân của COVID-19, nhất là các chủ đầu tư trong ngành du lịch, nghỉ dưỡng...

Ngành bất động sản đã khó rồi, nhà đầu tư còn khó hơn vì không có nguồn thu, trước đây họ luôn thanh toán đúng hạn, giờ cũng không còn thanh toán đúng hạn nữa. Cách đây 2 năm, quý nào doanh thu của chúng tôi cũng đạt từ 4.000 đến 5.000 tỷ đồng, nhưng từ đầu năm đến giờ doanh thu không bằng một quý so với trước đây, có lúc giá cổ phiếu giảm gần một nửa so với trước đó, rất đau đầu", ông Lê Viết Hải, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn xây dựng Hòa Bình thâm trầm. 

Tuy nhiên, ông Lê Viết Hải cho rằng đây là giai đoạn để thực hiện những điều trước nay chưa thể. "Bài toán đặt ra với riêng tôi là hãy xem tất cả những khó khăn trong kinh doanh chỉ là nước cờ trong một ván cờ. Nếu xem thách thức chỉ là trò chơi thì thấy bình thường, còn quá căng thẳng không lợi ích gì", ông Hải chia sẻ.

Giữa lúc đại dịch COVID-19 còn diễn biến khó lường, Chủ tịch Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình cho biết đã hoàn thành hệ thống làm việc trực tuyến với hơn 5.000 công việc được phân chia rõ ràng để theo dõi và phối hợp.

Tập đoàn Hòa Bình thời gian qua cắt giảm khoảng 20% nhân sự, đồng thời giảm số giờ làm và mức tiền thưởng hiệu suất công việc của nhân viên. Tuy vậy, ông Lê Viết Hải khẳng định không sa thải những nhân viên có năng lực và mong muốn gắn bó.

Do đó, song song với quá trình tái cấu trúc, doanh nghiệp tổ chức đào tạo cho lực lượng lao động dư thừa. Những người chưa được bố trí công việc sẽ tham gia các chương trình đào tạo về chuyên môn nghiệp vụ và kỹ năng mềm, nhằm đón đầu cơ hội lớn sau đại dịch.

Đại dịch COVID-19 khiến doanh thu của Xây dựng Hòa Bình sụt giảm nghiêm trọng.

Đại dịch COVID-19 khiến doanh thu của Xây dựng Hòa Bình sụt giảm nghiêm trọng.

Theo doanh nhân này, Chính phủ đã có chủ trương sử dụng ngành xây dựng để phục hồi sau đại dịch. Đầu tư công được chú trọng, còn đầu tư tư nhân cũng được cởi trói khi 10 loại công trình không phải xin phép xây dựng, và công tác thẩm định, thiết kế, thanh tra, kiểm tra giảm đi.

Đồng thời, ông nhận thấy các nước đang có khuynh hướng giảm phụ thuộc vào hàng Trung Quốc, trong đó có sản phẩm vật liệu xây dựng và dịch vụ xây dựng tổng hợp. Chính vì vậy, ngành xây dựng có thể vươn ra nước ngoài, bằng cách nắm bắt cơ hội thay thế nhà thầu Trung Quốc. Ông cho rằng nền công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng tại Việt Nam đang phát triển tốt với tiêu chuẩn cao hơn thế giới.

"Nếu có năng lực đấu thầu, chúng ta có thể kéo theo cả chuỗi cung ứng cùng phát triển. Trong ngành có mảng thiết kế hay quản lý dự án, ngoài ra có thể hỗ trợ các ngành ngân hàng, quỹ đầu tư, bảo hiểm, logistics...", ông Lê Viết Hải nhận định.