Sở hữu tổng tài sản ròng khoảng 1,5 tỷ USD, Jamie Dimon thuộc số ít CEO ngành ngân hàng trên thế giới là tỷ phú.

"Máu" kinh doanh phát lộ sớm

Jamie Dimon (sinh ngày 13/03/1956) là một tỷ phú, chủ tịch kiêm CEO của JP Morgan Chase – ngân hàng thương mại lớn nhất nước Mỹ có tài sản trị giá 2.600 tỷ USD. Hiện ông cũng đang trực tiếp quỹ đầu tư JPMorgan Chase với khối tài sản trị giá gần 30 tỷ USD.

Jamie Dimon (sinh ngày 13/03/1956) là một tỷ phú, chủ tịch kiêm CEO của JP Morgan Chase – ngân hàng thương mại lớn nhất nước Mỹ có tài sản trị giá 2.600 tỷ USD.

Jamie Dimon (sinh ngày 13/03/1956) là một tỷ phú, chủ tịch kiêm CEO của JP Morgan Chase – ngân hàng thương mại lớn nhất nước Mỹ có tài sản trị giá 2.600 tỷ USD.

Nhắc về tuổi thơ, ông vốn sinh ra trong một gia đình trung lưu khá giả tại Mỹ. Hồi còn trẻ, ông thường xuyên dành thời gian rảnh rỗi của mình cho việc nghiên cứu các hoạt động đầu tư, ông thường một mình ngồi cả ngày trước một dãy các con số giá cả chứng khoán.

Sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông, ông đăng kí học đại học trường đại học Tufts và học tiếp thạc sĩ chuyên ngành quản trị kinh doanh tại Đại học Harvard. Nói về bản thân, ông luôn tự nhận mình có thể không phải người xuất chúng nhất nhưng lại là một nhà quản lí quỹ kiêm CEO bản lĩnh và biết cách đương đầu với những rủi ro. Trong suốt nhiệm kỳ của mình, Dimon là một trong những người có sức ảnh hưởng lớn nhất trong ngành tài chính nước Mỹ. Ông cũng là một trong số ít các CEO ngân hàng trở thành tỷ phú.

Dimon cũng được biết đến là một người lãnh đạo sử dụng thành công các biện pháp bắt buộc, ra lệnh và đe dọa để tránh cho JP Morgan có những sự tan rã đáng tiếc. Về JP Morgan khi đế chế khổng lồ này chỉ là một tổ chức rời rạc, trên dưới không đồng lòng, Dimon đã sử dụng biện pháp cưỡng chế, sử dụng triệt để quyền điều hành của mình, cải cách tất cá các bộ phận của tổ chức tài chính của ông.

Trong suốt sự nghiệp của mình, ông đã chứng minh được bản thân là một nhà điều hành và quản lí quỹ đầu tư khôn ngoan bậc nhất, tạo ra nguồn lợi nhuận vững chắc và đồ sộ cho đế chế tài chính của mình. 

Trên thực tế, Dimon là một trong số ít 3 cá nhân được người giàu nhất hành tinh Jeff Bezos hết sức ngưỡng mộ. Nhận xét về Dimon, Bezos đã nói: "Nếu được làm một cổ đông lớn tại J.P.Morgan Chase, chắc mỗi sáng thứ Hai tôi đều sẽ đến công ty để mang cà phê cho Jamie. Tôi nghĩ ông ấy là một CEO tuyệt vời, nhất là khi làm việc tại một nơi vốn vô cùng phức tạp như J.P.Morgan Chase".

Tiết chế cảm tính trong đầu tư

Trong một thị trường biến động như thị trường chứng khoán, người kiếm tiền bằng cảm tính chính là người dễ thất bại nhất. Tuy nhiên, có một nghịch lý là con người dễ bị chi phối về mọi hoạt động nhận thức thế giới xung quanh và hầu hết mọi người đều cho rằng họ đang làm rất đúng.

Trước khi nhấn phím enter đặt lệnh, thay vì đầu tư chỉ yêu thích một cổ phiếu nào đó và cố tình phớt lờ trước những diễn biến xấu của thị trường thì vị tỷ phú chia sẻ ông thường dành rất nhiều giờ để đọc báo cáo tài chính, nghiên cứu và tìm hiểu các thông tin cốt lõi của doanh nghiệp.

Chính việc nghiên cứu sâu này sẽ phần nào hỗ trợ cho ông hạn chế tối đa được rủi ro trong đầu tư cũng như có được toàn cảnh bức tranh về kinh doanh và tiềm năng phát triển của doanh nghiệp. Từ đó, ông chọn ra thời cơ thích hợp để mua cổ phiếu với mức thấp hơn giá trị thực và bán ra kiếm lời với giá trị cao hơn khi nó được định giá đúng với giá trị.

Phân bổ tài sản một cách hợp lý rất quan trọng đảm bảo lợi nhuận dài hạn. Hiểu biết rõ chiến lược này là một trong những yếu tố quyết định đầu tư thành công.

Phân bổ tài sản có nghĩa là phân bổ danh mục đầu tư của nhà đầu tư cho những loại tài sản lớn ví dụ như cổ phiếu, thu nhập cố định, hàng hóa và tiền mặt để đạt được mục tiêu tài chính và quản lý rủi ro.

Chiến lược này có tác dụng vì các loại tài sản khác nhau có lợi nhuận và rủi ro khác nhau. Ví dụ, cổ phiếu có tiềm năng tăng trưởng và thu nhập, trong khi thu nhập cố định thường đem lại sự ổn định và đảm bảo thu nhập. Những lợi ích của các loại tài sản khác nhau có thể được kết hợp thành một danh mục đầu tư với mức rủi ro có thể chấp nhận được.

Theo Dimon, lịch sử trên thị trường chỉ ra rằng các loại tài sản có hiệu suất khác nhau từ năm này qua năm khác. Trái phiếu có thể có lợi nhuận lớn nhất trong năm nay nhưng trong năm tới sẽ là cổ phiếu. Hoặc hàng hóa có thể là loại tài sản hấp dẫn trong một thời gian nhưng sau đấy sẽ bình ổn khi loại tài sản khác tạo cơn sốt.

Nhìn vào lợi nhuận trong quá khứ thì nhận xét dễ hơn. Tuy nhiên, dự đoán loại tài sản nào sẽ lên giá nhiều nhất trong một năm cố định là một điều khó khăn. Vì lý do đó, nếu chia khoản đầu tư thành nhiều loại tài sản thì có khả năng một loại tài sản sẽ tăng cao và các loại tài sản khác cũng tăng luân phiên trong dài hạn.

Đến tuổi nghỉ hưu, nhà đầu tư có thể muốn đầu tư vào quỹ trái phiếu và giữ tiền mặt để có sự ổn định. Nhưng cũng đừng quên cổ phiếu, bởi vì lạm phát luôn theo sát chúng ta.

Đối với ông bí quyết để thành công đã được kiểm chứng khi so sánh các chiến lược đầu tư trong hơn 20 năm qua cho thấy đầu tư với nhiều loại tài sản đã giúp giảm biến động tổng thể của danh mục đầu tư và tránh được rủi ro khi thị trường xuống.

Học hỏi từ những thất bại

Trong bài chia sẻ với các sinh viên tốt nghiệp đại học bang Ohio, Mỹ về tầm quan trọng của việc học hỏi từ những thất bại mới đây, Jamie Dimon, Chủ tịch và CEO JPMorgan Chase cho rằng: "Tương lai của bạn tươi sáng nhưng trong cuộc sống sẽ không tránh khỏi những khoảng thời gian khó khăn, thất bại, cả về mặt cá nhân hay công việc. Cách bạn đương đầu với thất bại là điều quan trọng quyết định bạn thành công hay không", Jamie nói.

Trong suốt sự nghiệp, Dimon cũng từng đối mặt với nhiều trở ngại. Năm 1998, ông bị chính người thầy của mình sa thải khỏi Citigroup mặc dù cả hai đã đồng hành cùng nhau trong 15 năm. Ngay sau đó, Dimon đã gia nhập Bank One với vai trò Chủ tịch HĐQT và CEO. Chỉ trong 4 năm, ông đã vực dậy Bank One đang đầy ắp khó khăn lúc đó và bán nó cho J.P.Morgan Chase vào năm 2004 với giá 58 tỷ USD. Thương vụ sáp nhập này rốt cục đã giúp Dimon trở thành CEO của ngân hàng này - vị trí ông nắm giữ từ năm 2005 đến nay.

Đồng thời, tài năng của Dimon càng được biết tới nhiều hơn khi trở thành người có công đầu trong việc giúp J.P.Morgan Chase vượt qua cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 mà hầu như chẳng chịu chút tổn thất nào, nếu so với các ngân hàng khác.

“Học tập là mục tiêu cần theo đuổi suốt đời. Tốt nghiệp đại học không có nghĩa là con đường học tập của bạn sẽ chấm dứt. Bất kể bạn làm gì trong cuộc sống, để có thể thành công, bạn cần không ngừng học hỏi, trau dồi, khao khát khám phá”, Dimon chia sẻ.

Với vị CEO này, học tập là công việc suốt đời. Mỗi ngày, ông dành ra 50% thời gian để học và đọc. Bên cạnh đọc sách, Dimon còn khuyến khích các sinh viên học hỏi từ những người khác, từ chính hành động của họ.

"Bạn có thể học được nhiều hơn khi nói chuyện với ai đó giỏi hơn bạn trong 15 phút. Tôi đã hiểu và học được rất nhiều điều nên và không nên làm khi quan sát người khác", ông nói.

"Tố chất" của một người lãnh đạo tài ba

Trong một cuộc phỏng vấn gần đây với tổng biên tập của LinkedIn Daniel Roth, Dimon đã cho biết về các đặc trưng của một nhà lãnh đạo xuất sắc.

"Khiêm tốn, cởi mở, công bằng và trung thực là các đặc điểm quan trọng nhất; chứ không phải người thông minh hay chăm chỉ nhất sẽ là người thành công nhất", vị CEO nhận xét.

"Hoạt động quản lý bao gồm việc hoàn thành mục tiêu, theo sát tiến độ, áp dụng kỷ luật, lập kế hoạch, phân tích và số liệu, số liệu rồi lại số liệu. Đó là việc đặt đúng người vào đúng vị trí trong các phòng ban, và xóa bỏ sự cồng kềnh của bộ máy, hay tất cả những công việc giống như vậy", Dimon cho biết.

"Tuy nhiên, chìa khóa thực sự để lãnh đạo không chỉ đơn thuần như thế. Đó còn là 'sự tôn trọng dành cho mọi người', chứ không đơn giản chỉ bản thân người lãnh đạo 'có sức hút' hay có 'sức mạnh trí tuệ'", Chủ tịch J.P.Morgan Chase nói với Roth.

Theo Dimon, sở hữu những đặc điểm vừa nêu không chỉ giúp một cá nhân tăng năng suất làm việc mà còn cải thiện cả xác suất thành công. Nếu người lãnh đạo chỉ "ích kỷ" hoặc "muốn nhận công lao" về mình khi nó không phải là của mình, những người khác sẽ "không muốn làm việc" và điều này rốt cục sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực đến hiệu quả công việc.

Do đó, bản thân Dimon, khi đứng trước các quyết định tuyển dụng mới hay thăng chức cho nhân viên, cũng luôn tìm kiếm các phẩm chất "lãnh đạo" nói trên. Để làm được điều đó, ông thường tự hỏi bản thân rằng: "Liệu tôi có muốn làm việc cho người này hay khônng?", hay "Liệu tôi có muốn con cái của mình làm việc cho một người như vậy hay không?"

Thêm nữa, một yếu tố cũng được Dimon đưa ra cân nhắc là, liệu họ có sẵn sàng "nhận trách nhiệm hay không", hoặc "cách họ phản ứng khi có sự cố xảy ra là như thế nào".

Và, trong vai trò CEO, Dimon cho biết, ông luôn cố gắng thực tiễn những điều mình nói. "Tôi đối xử với mọi người như nhau, và tôi cũng mong được nhận lại như thế. Đương nhiên, ai đó sẽ muốn làm việc cho tôi chỉ khi họ nghĩ rằng tôi quan tâm, tôi đối xử công bằng với họ cũng như mọi người khác", Dimon nói

Để thành công, hãy "đối xử với mọi người theo cách mà bạn muốn được họ đối xử. Hãy tôn trọng mọi người", Chủ tịch J.P.Morgan Chase đúc kết.

Vị tỷ phú nói: “Tôi lúc nào cũng lặp đi lặp lại rằng, gia đình là số một, còn công việc điều hành ngân hàng và quỹ đầu tư ở JPMorgan, thú thực, chỉ đứng ở vị trí cuối cùng mà thôi” Cũng theo quan điểm của ông. “Nếu thiếu sự tồn tại của gia đình, thiếu đi sự hậu thuẫn và các bài học từ họ những khi thành công hay sóng gió… bạn sẽ khó có được một cuộc đời trọn vẹn”.