Gắn bó cả một đời với nông dân, ruộng đồng ông Huỳnh Văn Thòn - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Lộc Trời đang nuôi giấc mơ xây dựng những vùng nông thôn đáng sống, người dân hạnh phúc trên mảnh đất quê hương.

Hành trình "làm bạn" với người nông dân

Phát triển dựa trên nền tảng tri thức nông nghiệp là lực lượng “3 cùng” (cùng canh tác, cùng quản lý chất lượng, cùng phát triển thị trường tiêu thụ), ngành dịch vụ sẽ kết nối với các ngành truyền thống của Lộc Trời để cung cấp cho nông dân bộ giải pháp canh tác toàn diện, tiêu chuẩn và hiệu quả, đồng thời cũng từng bước ứng dụng cơ giới hóa và công nghệ (dùng drone phun thuốc, ứng dụng mã QR để truy xuất nguồn gốc và định danh vùng trồng…) để giảm thiểu chi phí đầu tư, nâng cao hiệu suất canh tác.

Ông Huỳnh Văn Thòn - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Lộc Trời

Ông Huỳnh Văn Thòn - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Lộc Trời

Nói về những ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 tới doanh nghiệp, Chủ tịch Lộc Trời cho rằng, nhìn hướng tích cực đó là lý do khiến các quyết định thay đổi trở nên dễ dàng hơn. Đặc biệt là trong việc tái cấu trúc, Lộc Trời có 3 năm loay hoay chuẩn bị, nhưng chỉ mất một năm để hoàn thành.

Không ôm đồm công việc của các mắt xích trong chuỗi giá trị, Lộc Trời đặt mục tiêu doanh số phải đi cùng kế hoạch liên kết với khoảng 1.000 hợp tác xã, ứng dụng 1.000 thiết bị bay không người lái trong sản xuất nông nghiệp vào năm 2024.

Giờ đây, thương lái, môi giới thay vì ở thế đối đầu, xung khắc trước đó đã trở thành một thành tố quan trọng trong chuỗi sản xuất. 

Cùng với đó, mối liên kết với chính quyền, các đơn vị liên quan cũng vậy, được xây dựng trên cơ sở hợp tác và hài hòa các lợi ích trong hệ sinh thái chung.

Tự thân mỗi thành tố dần trở nên “trưởng thành”, đóng góp vào sự phát triển chung. Trong chiến lược của Lộc Trời, đây là yếu tố sẽ làm nên doanh thu 1 tỷ USD của năm 2021, khi mà kết quả năm 2020 chưa đầy 10.000 tỷ đồng.

Ông Thòn cho biết, Lộc Trời đã “lên hạng”, từ công ty dịch vụ kinh doanh sang công ty dịch vụ khoa học công nghệ tài chính. Nhưng hàm ý của những câu từ này cho thấy lần chuyển đổi rất lớn, là bước chuyển hóa, từ dùng khoa học, công nghệ để làm dịch vụ, gia tăng lợi nhuận, thị phần, cũng là gia tăng quyền thương lượng, chuyển sang dùng khoa học, công nghệ và quản trị hiện đại để có thêm giá trị gia tăng cho nông dân trên từng đơn vị canh tác. Cụ thể, lợi tức từ một đơn vị diện tích của nông dân sẽ tăng từ 30% trong mục tiêu năm nay lên hơn 50%, nghĩa là giá thành, chi phí phải giảm mạnh, chất lượng, thương hiệu phải tăng cao để bán giá cao hơn.

Đặc biệt, giá trị gia tăng này phải làm cho môi trường tốt hơn, sức khỏe của nông dân tốt hơn và nông thôn trở thành nơi đáng sống hơn. “Làm gì thì làm, đời sống của nông dân phải được nâng lên, có vị thế cao hơn, để đất của họ không còn chỉ để sản xuất, mà là nơi đáng sống, để những người ở quê không phải rời quê và để những người ở thành thị cần về quê”, ông Thòn chia sẻ.

Đó là mục tiêu đến năm 2045 của Lộc Trời, còn đến năm 2025, ông Thòn nhắc đến mục tiêu sản xuất đủ 1 triệu héc-ta lúa, đảm bảo lương thực cơ bản cho nông dân và cả mục tiêu trở thành người phục vụ nông dân, được nông dân và người tiêu dùng yêu mến.

3 điểm tựa để "vượt bão"

Là lãnh đạo doanh nghiệp trong top những doanh nghiệp dẫn đầu trong lĩnh vực nông nghiệp tại Việt Nam, ông Thòn cho biết: "Chúng tôi luôn bám sát ruộng đồng, lắng nghe suy nghĩ của bà con nông dân để quyết định chiến lược phát triển công ty. Trong điều hành, “chìa khóa” của tôi là “nhân trị” và “tình trị”".

Thành quả này theo ông Thòn chính là kết quả của nhiều bài học thất bại trên chặng đường phát triển kể từ tiền thân là Công ty CP Bảo vệ thực vật An Giang.

Thông qua tên gọi công ty để nói về nhân tố làm nên thành công trong hành trình xây dựng doanh nghiệp, ông Thòn quan niệm “Lộc Trời” vừa là thuận lòng dân, vừa là sự may mắn của người làm kinh doanh nhưng đồng thời cũng là cơ duyên giúp mình nhận được nhiều sự hỗ trợ, hợp lực, đồng hành trên chặng đường phát triển.

Theo đó, những lúc Lộc Trời gặp khó khăn như vấn đề sụt giảm doanh thu và lợi nhuận bắt nguồn từ quyết định tái cấu trúc doanh nghiệp, từ bỏ mô hình kinh doanh cũ (từ thuốc bảo vệ thực vật, phân bón sang lúa gạo) hay khi có các chiến lược kinh doanh mới mang tính thử thách, Lộc Trời luôn có quan điểm khắc phục riêng.

Lộc Trời đang có tham vọng đưa nông sản Việt Nam kết nối sâu rộng với thị trường thế giới.

Lộc Trời đang có tham vọng đưa nông sản Việt Nam kết nối sâu rộng với thị trường thế giới.

Để “vượt bão” thành công, công ty và bản thân ông Thòn trước hết sẽ nghĩ về lợi ích của người tiêu dùng - làm sao không làm họ thất vọng, suy giảm sự tin tưởng với thương hiệu.

Tiếp sau là đặt cái tâm với lĩnh vực theo đuổi, kiên định và không bỏ cuộc dù còn một ít hy vọng.

Cuối cùng là tìm kiếm sự chung tay, đồng hành của những “người bạn” - những đồng đội thời chiến nay trở thành người có sức ảnh hưởng, những đối tác hay đơn giản chính cộng đồng nhân viên của công ty.

Song theo ông Thòn, sự hỗ trợ và may mắn thôi là chưa đủ, nếu bản thân người lãnh đạo không có tinh thần vượt khó.

Sự quyết tâm mà ông Thòn nhắc đến không phải là sự theo đuổi “bằng mọi giá” các mục đích đề ra (nhất là lợi nhuận) mà được cụ thể hóa thành cái tâm, trách nhiệm, tình cảm với công việc mình theo đuổi; tinh thần dám nghĩ, dám làm và dám thất bại trong kinh doanh.

"Cũng như Bác Hồ từng nói, một khi con người ta có quyết tâm, mọi khó khăn sẽ vượt qua. Nếu bền gan, kiên trì thì sẽ không có việc gì khó. Đào núi và lấp biển, quyết chí ắt làm nên”, Chủ tịch Lộc Trời tâm sự.

Để “Lộc Trời" nảy mầm, ngoài thiên thời, địa lợi thì nhân hòa phải là yếu tố trung tâm. Có lòng người đồng nhất, kiên định thì khó khăn nào cũng vượt qua, trở lực nào cũng được giải quyết và thành công sẽ là cánh cửa luôn mở ra cho những người biết nhẫn nại.