Ngày 13/1, Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng chống xâm hại trẻ em tiếp tục hội thảo “Phòng, chống xâm hại trẻ em trên môi trường mạng và trong cơ sở sở giáo dục”, bàn giải pháp chặn vấn nạn này ở môi trường học đường.

TS Nguyễn Xuân Thủy - Học viện Cảnh sát nhân dân đã đề nghị bổ sung quy định phải có chứng chỉ “tiền hôn nhân” vào điều kiện đăng ký kết hôn trong luật Hôn nhân gia đình.  Tức là, những người muốn kết hôn phải trải qua một lớp học về hôn nhân và gia đình, trong đó học cách làm cha, làm mẹ, học cách làm vợ, làm chồng, học cách dạy con trai, dạy con gái...

Ngay sau đề xuất này đã có nhiều luồng ý kiến khác nhau. Phần ủng hộ, phần phản đối, nhưng nhìn chung phần lớn cho rằng đây là ý tưởng phi thực tế. 

Dĩ nhiên, kiến thức về chăm sóc con cái, quan hệ vợ chồng, quản lý tài chính… là một trong rất nhiều vấn đề quan trọng của hôn nhân. Nên có một số ý kiến ủng hộ khi cho khóa học, chứng chỉ “tiền hôn nhân” là rất cần thiết cũng là điều dễ hiểu.

Vì khi đã thành vợ chồng, sinh con đẻ cái sẽ phức tạp hơn rất nhiều. Và thà chia tay sớm còn hơn lao đầu vào cuộc hôn nhân mà không biết trước tương lai sẽ như thế nào. Lúc này, nếu tan vỡ thì sẽ khiến nhiều người đau khổ, trong đó không chỉ riêng họ mà đã có những đứa trẻ con chịu vạ lây.

Thế nhưng, đó không phải là tất cả khi mà trong thực tiễn bấy giờ các bạn trẻ đã được “bổ túc” kiến thức từ nhiều nguồn (bố mẹ, môi trường giáo dục, cuộc sống…). Thậm chí, không ít cặp còn sống thử với nhau như vợ chồng, đó là khoảng thời gian người ta biết rõ được những cái được, cái không được của nhau, nhưng khi kết hôn rồi hôn nhân vẫn không hạnh phúc.

Vì thế, nếu nói như một chuyên gia tâm lý khi cho rằng cần học chúng chỉ “tiền hôn nhân” để họ hiểu ra nhận diện sớm trước khi xảy ra hậu quả thì chưa hẳn đã đúng hoàn toàn. Hơn nữa, rất nhiều vấn đề được đặt ra ở đây đó là: Thử nghĩ xem bao đời nay ông cha ta có phải chứng chỉ nọ, bằng cấp gì mà phụ nữ Việt Nam vẫn là vợ, là mẹ tuyệt vời?

Cơ quan nào tổ chức đứng lớp, thời gian học là bao lâu? Những người theo đạo thiên chúa trước khi kết hôn cũng đã đi học ở nhà thờ rồi có cần tham gia lớp này không? Mỗi lớp học như thế phải đóng phí như thế nào? Sau khi học, được cấp chứng chỉ nhưng họ vẫn vi phạm luật hôn nhân thì sao?...v..v.

Theo đó, việc chung sống hòa thuận với nhau hay không, không phụ thuộc vào một lớp học “tiền hôn nhân”. Thực chất, nếu như hai người có ý thức cầu thị, khi về chung một nhà hoàn toàn có thể trao đổi với đối phương, tìm ra cách sống phù hợp để có thể chung hòa với nhau.

TS Nguyễn Xuân Thủy có dẫn chứng một số nước phương Tây có thực hiện quy định này. Nhưng, không phải cái gì cũng so với nước ngoài vì mỗi quốc gia đều có nền văn hóa khác nhau. Nếu họ không học nhưng vẫn kết hôn thì có cấm được không và dựa vào để đâu cấm người ta? Đáng lo lắng hơn, thêm cái chứng chỉ này thì chẳng khác gì  “đẻ” thêm một cái giấy phép con.

Nói cách khác, chứng chỉ “tiền hôn nhân” thật mơ hồ và không thể áp dụng cho tất cả mọi người. Thay vào đó, những kiến thức này nên được kết hợp thẳng vào chương trình giáo dục công dân hoặc môn đạo đức, giáo dục giới tính  ở các cấp học (trung học, cao đẳng, đại học) để các bạn trẻ được tiếp xúc kiến thức từ sớm. Ngoài ra, có thể xuất bản như “cẩm nang” hoặc tổ chức các lớp học tự nguyện mang tính khuyến khích đi kèm khi hai người có quyết định đăng ký kết hôn tại nơi cư trú.

Chính vì vậy, đây là một ý tưởng, một đề xuất có nguy cơ khai sinh thêm “giấy phép con” trong bối cảnh Chính phủ, Nhà nước đang vận động mọi cơ quan, đơn vị, cá nhân tích cực tiến hành tinh gọn bộ máy, cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm giấy phép con, giảm phiền hà cho nhân dân.