Hình ảnh đau lòng do cơn bão Linda gây ra tại Cà Mau năm 1997

Hình ảnh đau lòng do cơn bão Linda gây ra tại Cà Mau năm 1997

Chú Bình, nhân viên bảo vệ một cơ quan nhà nước ở miền Nam từng kể cho tôi nghe về cơn bão Linda xảy ra năm 1997, đó là cơ bão đặc biệt, nó không vượt qua quần đảo Luzon (Philippines) rồi đi vào Trung phần Việt Nam như thường lệ.

Bão Linda vòng xuống Nam Biển Đông, quét qua mũi Cà Mau vào vịnh Thái Lan. Ngày 1/11/1997 nghe đài báo bão vào, thay vì sơ tán, người dân miền Tây đổ xô ra… xem bão vì đó là sự kiện lạ lùng hiếm hoi xảy ra ở vùng đất này trong vòng 100 năm qua.

Kết quả, hơn 3.000 người chết và mất tích. Chú Bình nhớ lại, dọc bờ biển các huyện Đầm Dơi, Năm Căn (Cà Mau) quan tài chất đầy đường, địa phương phải cầu cứu nguồn lực từ các tỉnh bạn lân cận để mai táng, xử lý môi trường sinh thái.

Cơn bão Linda là nỗi kinh hoàng đánh trúng vào tâm lý chủ quan, thiếu đề phòng cảnh giác trước thiên tai và không ai tin thời điểm đó bão có thể vào cực Nam. Dĩ nhiên, đó là câu chuyện của 23 năm về trước, trong bối cảnh điều kiện khoa học, công nghệ dự báo hoàn toàn khác bây giờ.

Nhưng Linda không phải là sự cố thiên tai gây tổn thương nghiêm trọng đến Việt Nam trong vòng mấy thập kỷ qua, lũ lịch sử 1999, 2020 - một lần nữa các sai lầm cũ tái phát và một vài hình thức “nhân tai” mới cùng kết hợp để gây ra hậu quả nặng hơn.

Nhiều chuyên gia cho rằng, với tập quán sinh hoạt, kết cấu hạ tầng nhà ở dân dụng hiện nay ở nông thôn miền Tây chỉ cần một cơn bão cấp 10 cũng gây ra hậu quả khó lường. Biết đâu được sẽ có một Linda thứ hai? Liệu bài học năm 1997 có ai còn nhớ?

Trước các đợt thiên tai được dự báo ngày càng chính xác, có vẻ như chúng ta chỉ tập trung vào khâu tuyên truyền dựa trên hệ thống báo chí, mạng xã hội sẵn có rất phong phú và đa dạng.

Năm đợt lũ diễn ra tại miền Trung năm nay, tôi có cảm giác rất nhiều địa phương xem “bản tin phát trên đài” là nỗ lực phòng chống thiên tai khả dĩ nhất! Bởi khi nước dâng cao, nhân lực, vật lực ứng phó quá mỏng manh, có nơi hoàn toàn bất lực!

Phòng chống thiên tai” là một thiết chế được hình thành từ rất lâu ở nước ta, các ban bệ được thành lập từ Trung ương tới địa phương, có cả cơ quan chuyên trách, chuyên nghiệp lẫn các tổ chức lâm thời.

Song, chúng ta rất ít khi quan tâm đến khái niệm “hậu cần phòng chống thiên tai”. Rất nhiều tỉnh thành hào hứng với quảng trường, tượng đài, công trình văn hóa nhạt nhẽo, lễ hội triền miên. Song, tại miền Trung vừa qua khi lũ tràn ngập lại thiếu thuyền bè, phao cứu sinh, thiếu lương thực, thực phẩm!?

Năm 2020 tại Trung Trung Bộ, thiên tai cũng để lại những vết thương khó lành

Năm 2020 tại Trung Trung Bộ, thiên tai cũng để lại những vết thương khó lành

Nếu nhà nước không thể kham được phần việc hậu cần phòng chống thiên tai thì có thể phát động xã hội hóa, mở rộng khung khổ pháp lý cho các tổ chức từ thiện xã hội.

Thực tế chứng minh, người Việt Nam đã thực hiện rất xuất sắc các phong trào thiện nguyện xã hội. Đó là nguồn lực khổng lồ mà nhà nước phải lưu ý sử dụng đúng mục đích, đúng thời điểm.

Một nhóm bạn trẻ ở Gio Linh (Quảng Trị) nhanh chóng thành lập đội cano ứng cứu 24/24, sẵn sàng lên đường bất cứ lúc nào, tất cả được phát động rất nhanh chóng từ nguồn lực trong xã hội.

Doanh nhân Hồ Xuân Hiếu (Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Quảng Trị) trong vòng 2 tháng đã kêu gọi đủ hàng trăm chiếc thuyền phát miễn phí cho các địa phương có nguy cơ cao lũ lụt.

Trong khi đó, tại Thành phố Đông Hà (Quảng Trị) Uỷ ban MTTQ không hiểu vì lý do gì vẫn để mắc kẹt hàng tỷ đồng tiền cứu trợ lụt bão trong ngân hàng, đến giờ này vẫn chưa đến tay người dân!

Những lùm xùm tranh cãi xung quanh câu chuyện cô ca sĩ Thủy Tiên làm từ thiện tại miền Trung cũng góp phần phơi bày rất nhiều uẩn khúc trong hoạt động của các tổ chức chuyên trách về công tác xã hội. Đã đến lúc phải thay đổi.

Đó là những phản chiếu hết sức đáng suy nghĩ về vai trò, nhiệm vụ của chính quyền, các tổ chức chuyên trách với nhiệm vụ phòng chống thiên tai. Liệu rằng, đã đến lúc các tổ chức này phải thay đổi phương thức hoạt động, làm mới mình để bắt kịp với các diễn biến trong đời sống.

Thực tế, rất ít người hiểu rõ như thế nào là phòng chống thiên tai, đó không chỉ là cảnh báo, cứu hộ cứu nạn mà còn nhiệm vụ tái thiết, xử lý hậu quả. Như vậy, phòng chống thiên tai như “kiềng 3 chân”, gồm có cơ quan khoa học làm nhiệm vụ cảnh báo sớm - lực lượng đặc chủng cứu hộ cứu nạn và các tổ chức chuyên môn về công tác xã hội.

Còn tiếp…