Đó là phát biểu của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khi Quốc hội thảo luận ở tổ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2021; tình hình thực hiện kế hoạch năm 2022.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV

Có thể nói, chuyện “có tiền mà không tiêu được” khiến Chính phủ và dư luận xã hội nói chung rất sốt ruột. Thực tế, liên tiếp các chỉ đạo, chỉ thị của Chính phủ được ban hành để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Việc sửa đổi Luật Đầu tư công cũng đã rốt ráo được thực hiện để sớm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Thậm chí, một hội nghị trực tuyến toàn quốc về phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công cũng đã được tổ chức…. Nỗ lực là vậy, nhưng tình hình chưa cải thiện nhiều. Vì lẽ đó, câu chuyện “có tiền mà không tiêu được” đã tiếp tục làm “nóng” nghị trường Quốc hội.

Theo đó, ngay buổi thảo luận tại tổ, Chủ tịch Quốc hội dẫn chứng, 14.000 tỷ đồng cho lĩnh vực y tế chưa có danh mục nào. Chương trình “sóng và máy tính cho em” tiền có sẵn mà không tiêu được, không biết lý do là gì, trong khi thể chế không vướng… Lo nhất là gói kích thích kinh tế 347.000 tỷ cho các lĩnh vực giao thông, thủy lợi, y tế…. chưa phân bổ được đồng nào.

Nhân đây, nói về Chương trình “Sóng và máy tính cho em” mà Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề cập. Quả thật tôi khá bất ngờ vì đến nay vẫn chưa giải ngân đồng nào, tức là hiệu quả từ một chương trình đầy ý nghĩa nhân văn của Thủ tướng Chính phủ lại chưa mang lại hiệu quả như kỳ vọng.

Cần biết, Chương trình “Sóng và máy tính cho em” do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì tối 12/9/2021 đã thực sự chạm đến trái tim của cộng đồng, gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh trước thực trạng nhiều học trò nghèo đang vô tình bị bỏ lại phía sau trong thời điểm dịch bệnh hoành hành, khi mà việc học trực tuyến đã trở thành một trạng thái “bình thường mới”.

“Ngay cả vấn đề mua sắm liên quan đến phòng chống dịch, Quốc hội, Chính phủ đã có nghị quyết cho mua theo cơ chế đặc thù, đặc cách, đặc biệt nhưng xuất hiện 2 trạng thái là một số nơi không dám mua, có nơi mua thì sai. Không hiểu lý do vì sao…” - Chủ tịch Quốc hội đặt vấn đề và cho rằng phải làm rõ.

Để thuyết phục hơn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dẫn lại báo cáo quyết toán ngân sách năm 2020 để thấy chuyển nguồn sang năm sau hơn 600.000 tỷ đồng do không tiêu được ngân sách, chứ không phải không có tiền.

Rất nhiều nguyên nhân đã được chỉ ra, bao gồm cả việc lập kế hoạch và phân bổ vốn đầu tư, song một nguyên nhân quan trọng được nhắc tới là do yếu tố chủ quan. Bởi rõ ràng, cùng một thể chế, chính sách, nhưng có địa phương, có ngành giải ngân tốt, trong khi có nhiều ngành, địa phương chỉ giải ngân được 10-15%, nên không thể chỉ đổ lỗi cho khách quan được.

Phải chăng, lý do là ở thắt chặt thủ tục đầu tư, do công khai, minh bạch, do kết quả chống tham nhũng gần đây đạt kết quả tốt làm mất động lực của các chủ đầu tư?

Phải chăng, lý do nằm ở quản trị yếu kém, cán bộ tham mưu thiếu chuyên môn, yếu nghiệp vụ; năng lực lãnh đạo của người đứng đầu hạn chế, lại trong bối cảnh “lò” lúc nào cũng nóng nên không dám quyết, dám làm, sợ chịu trách nhiệm”?

Rất nhiều câu hỏi mang tên “phải chăng” lại được đặt ra  và giải ngân vốn  đầu tư công tiếp tục là một “điểm nghẽn”, là “nút thắt cổ chai” của nền kinh tế. Có điều, cần nhìn nhận thẳng vào  một sự thật đau đớn hơn ấy là trong khi các bộ ngành ngồi thanh minh, đổ lỗi, nại khó về chuyện “có tiền không tiêu được” thì những đồng vốn vay nước ngoài hay huy động trong nước vẫn đang lãi mẹ đẻ lãi con. Còn có một sự thật mang tính bất công khác, đó là còn rất nhiều nơi đói vốn, đói cả đến tiền xây một cái bệnh viện.

Dường như, “có tiền không tiêu được” trong đầu tư công đã thành căn bệnh đòi hỏi phải thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ mới trị được. Đòi hỏi phải  tăng cường kỷ luật, kỷ cương; nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu, của công chức và đạo đức công vụ; tăng cường công tác phối hợp theo dõi, kiểm tra, thanh tra và thực hiện kế hoạch cũng được nhấn mạnh.

Công cuộc Đổi mới của nước ta cũng là kết quả một quá trình dám làm, dám sửa và giai đoạn hồi sinh, kiến thiết đất nước hiện này cần lắm những cán bộ “dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám nói, dám đột phá sáng tạo và dám đương đầu với khó khăn, thử thách”.

Một khi tinh thần kiến tạo, đổi mới của Chính phủ chưa được hưởng ứng, thực hiện một cách đầy đủ, toàn diện trong toàn hệ thống. Vẫn còn tổ chức, cá nhân trong bộ máy công quyền, thiết chế công sợ sai, sợ chịu trách nhiệm, mưu cầu lợi cho cá nhân, lợi ích nhóm thì những con đường “thông vốn” cho đầu tư công vẫn còn quá ư khúc khuỷu, ngoằn ngoèo.