>> CHUYỂN ĐỔI SỐ NGÀNH DU LỊCH: Việt Nam có cách tiếp cận riêng trong phát triển kinh tế số

Chia sẻ tại Diễn đàn “Luồng xanh” cho du lịch cất cánh, Chuyên đề II: “Chuyển đổi số: Động lực phát triển bền vững” do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức sáng nay (18/5), ông Nguyễn Đức Thành – Phó tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghệ VietSens cho biết, du lịch là ngành đặc thù với sản phẩm rất đặc trưng; khác với các sản phẩm có trải nghiệm người dùng chủ yếu diễn ra ở khâu cuối cùng của chuỗi giá trị (mua hàng, CSKH, bảo hành/sửa chữa), sản phẩm du lịch là tổ hợp của rất nhiều sản phẩm, dịch vụ và trải nghiệm người dùng diễn ra trong suốt chiều dài của chuỗi giá trị ngành du lịch.

Bởi vậy, việc triển khai cần toàn trình để nâng cao trải nghiệm người dùng, đồng nghĩa với việc mọi khâu trong chuỗi giá trị phải tốt, mọi liên kết trong chuỗi giá trị cũng cần phải chặt chẽ.

ông Nguyễn Đức Thành – Phó tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghệ VietSens

Ông Nguyễn Đức Thành – Phó tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghệ VietSens

Với kinh nghiệm 16 năm xây dựng và phát triển hệ sinh thái ứng dụng công nghệ vào 7 lĩnh lực quan trọng: Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Y tế; Giáo dục; Giao thông; Hành chính công; Thương mại; Dịch vụ, đại diện Tập đoàn công nghệ VietSens cho rằng, tập trung phát triển các sản phẩm công nghệ theo mô hình một hệ sinh thái du lịch thông minh, cần gắn kết các chủ thể chính trong ngành du lịch trên môi trường số, gồm có: cơ quan quản lý Nhà nước, các doanh nghiệp du lịch, điểm đến và khách du lịch.

Trong hỗ trợ công tác quản lý Nhà nước, hoạt động chuyển đổi số diễn ra tập trung vào số hóa dữ liệu, phát triển các công cụ tổng hợp, xử lý, phân tích dữ liệu nhằm phục vụ việc ra quyết định và hoạch định chính sách. Các cơ sở dữ liệu số ngành du lịch được hình thành cùng với hệ thống dashboard phân tích dữ liệu.

Ngoài ra, một hệ thống truyền thông số đa kênh như website, mạng xã hội, hệ thống thư điện tử, hệ thống điểm tin du lịch hàng ngày... đã hỗ trợ đắc lực cho việc tuyên truyền phổ biến chủ trương, chính sách phát triển du lịch.

Theo ông Thành, cộng đồng doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch phần lớn là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, có nguồn lực hạn chế. Do vậy, để hỗ trợ các doanh nghiệp, các sản phẩm công nghệ của Tổng cục Du lịch được thiết kế theo hướng hình thành nền tảng số dùng chung, giúp các doanh nghiệp có cơ hội khai thác thông tin, tiếp cận thị trường, nâng cao hiệu quả quản trị kinh doanh. Trong đó, tiêu biểu là ứng dụng Ứng dụng Hướng dẫn Du lịch Việt Nam phục vụ các doanh nghiệp lữ hành và hướng dẫn viên; Trang vàng Du lịch Việt Nam hỗ trợ các doanh nghiệp quảng bá sản phẩm dịch vụ và kết nối với khách du lịch.

>> CHUYỂN ĐỔI SỐ NGÀNH DU LỊCH: Sẽ phát triển một nền tảng thống nhất

Bên cạnh đó, là Hệ thống vé điện tử dành cho các điểm đến; Máy bán hàng tự động (như máy bán nước, thuê xe tự động, máy bán vé tự động,…); các công cụ thanh toán điện tử…

Các đại biểu và doanh nghiệp tham dự Diễn đàn

Các đại biểu và doanh nghiệp tham dự Diễn đàn

“Đặc biệt, đối với khách du lịch - chủ thể quan trọng bậc nhất trong hoạt động du lịch sẽ được hỗ trợ nâng cao trải nghiệm với các sản phẩm cốt lõi như: Ứng dụng Du lịch Việt Nam, Thẻ Du lịch thông minh. Với ứng dụng Du lịch Việt Nam, du khách có thể tra cứu thông tin du lịch an toàn, đặt vé máy bay, đặt phòng khách sạn, mua vé điện tử, mua bảo hiểm du lịch, mua sắm các hàng hóa, dịch vụ du lịch và nhất là có thể phản ánh tới cơ quan chức năng về chất lượng dịch vụ. Còn Thẻ du lịch thông minh cho phép thanh toán điện tử và tích hợp nhiều tính năng, sử dụng linh hoạt trong nhiều lĩnh vực du lịch, thương mại, vận chuyển, y tế”, ông Thành cho hay.

Về công tác triển khai các sản phẩm chuyển đổi số, ông Thành chia sẻ, nhìn chung khi thiết kế sản phẩm, chúng tôi đã hướng tới sự đơn giản, dễ triển khai, dễ sử dụng do vậy quá trình triển khai về cơ bản là thuận lợi. Chúng tôi đặt mục tiêu làm tốt tại một điểm và áp dụng mô hình triển khai nhân rộng ở quy mô lớn hơn.

“Gần đây nhất, ngày 13/5 vừa qua chúng tôi đã phối hợp với Trung tâm Thông tin du lịch (Tổng cục Du lịch) hoàn thành việc triển khai chuyển đổi số tại Trung tâm hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám với hệ thống vé điện tử và các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt. Đây là dấu mốc về sự chuyển đổi mô hình quản lý vận hành và công tác đón, phục vụ khách tham quan tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, nâng cao hiệu quả hoạt động theo hướng văn minh, hiện đại, minh bạch, khoa học. Đây có thể là hướng đi mới cho các điểm tham quan trong thời gian tới”, ông Thành bày tỏ.

Từ đó, để thúc đẩy chuyển đổi số ngành du lịch, ông Nguyễn Đức Thành đề xuất, cần đẩy mạnh truyền thông về áp dụng các sản phẩm chuyển đổi số. Bởi theo ông Thành, qua một thời gian triển khai và vận hành, những lợi ích trong chuyển đổi số dần hiện hữu không còn là lý thuyết.

“Do vậy chúng tôi kiến nghị trong thời gian tới cần đẩy mạnh truyền thông đến doanh nghiệp, điểm đến, du khách về những lợi ích này để đồng bộ trong triển khai. Tốt hơn nữa là ban hành các tiêu chuẩn về điểm đến thông minh, doanh nghiệp du lịch số và có những chỉ tiêu triển khai qua các năm. Các doanh nghiệp lữ hành, hướng dẫn viên, cũng như các đơn vị cung cấp dịch vụ khác cũng cần truyền thông đến du khách để ứng dụng chuyển đổi số”, ông Thành chia sẻ.

Ngoài ra, ông Thành cũng kiến nghị, cần tập trung vào đào tạo, tạo việc làm, bởi tương lai của du lịch tập trung vào chuyển đổi số, các công việc du lịch sẽ đòi hỏi các kỹ năng kỹ thuật cụ thể để thực hiện và quản lý hiệu quả các dịch vụ du lịch thông minh. Tác động xã hội lớn nhất của chuyển đổi số trong du lịch có thể là đối với lực lượng lao động của ngành, lực lượng này chiếm 1/10 việc làm trên quy mô toàn cầu.