Hội thảo có sự tham dự của nhiều chuyên gia trong nước và quốc tế.

Hội thảo có sự tham dự của nhiều chuyên gia trong nước và quốc tế.

Theo đánh giá của các chuyên gia, trong giai đoạn phục hồi sau đại dịch COVID-19, chuyển đổi số sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ tìm kiếm một mô hình hoạt động kinh doanh linh hoạt hơn, vừa tiết giảm chi phí, vừa tối ưu nguồn lực để vượt qua khó khăn.

Tại Hội thảo quốc tế “Lãnh đạo và quản lý trong thời đại chuyển đổi số” tổ chức sáng nay, ông Ngô Tự Lập, Viện trưởng IFI nhận định, đại dịch COVID-19 vẫn còn ám ảnh trên toàn thế giới. Ở một góc độ tích cực, chính dịch COVID-19 lại đang thúc đẩy sự tái phát triển cơ sở hạ tầng, công nghệ và quy trình làm việc theo hướng mọi thứ chuyển sang mô hình online và công nghệ hóa, ép các doanh nghiệp phải chuyển đổi số mạnh mẽ hơn giai đoạn trước.

Theo Viện trưởng IFI, nói đến doanh nghiệp ở thời kỳ chuyển đổi số, người ta nói đến khởi nghiệp đổi mới sáng tạo bởi thời kỳ chuyển đổi số mở ra các cơ hội kinh doanh những thứ chưa từng có, hình thành nên những ngành nghề,  lĩnh vực kinh doanh chưa từng có, chẳng hạn như kinh doanh mạng xã hội, kinh doanh bằng mạng xã hội, v.v…. Không chỉ thay đổi về đối tượng kinh doanh, phương thức và tổ chức kinh doanh ở thời kỳ này cũng thay đổi, đặc biệt ở hai mảng quản lý và lãnh đạo doanh nghiệp.

"Trước đây, quản lý và lãnh đạo doanh nghiệp được đánh giá là một nhưng ở thời kỳ này có sự phân biệt rõ rệt. Quản lý doanh nghiệp tức là tổ chức các hoạt động theo quy trình đã được lập ra và đảm bảo quá trình vận hành tốt để đạt được các mục đích đã được đặt ra; trong khi đó, lãnh đạo doanh nghiệp phải là người phát hiện ra các sản phẩm mới, dịch vụ mới, phương thức mới và cách tiếp cận mới. Lãnh đạo lúc này gần với nghệ sỹ khi sáng tạo ra những sản phẩm chưa từng có", ông Lập nói.

Viện trưởng Viện IFI, TS Ngô Tự Lập.

Viện trưởng Viện IFI, TS Ngô Tự Lập.

Đánh giá về vai trò của chuyển đổi số với doanh nghiệp, TS. Lương Minh Huân, Viện trưởng Viện phát triển doanh nghiệp - VCCI, cho biết, theo một số kết quả nghiên cứu cho thấy việc các doanh nghiệp khởi nghiệp đã sử dụng công nghệ số để vận hành doanh nghiệp hiệu quả, đã giúp doanh nghiệp tăng doanh thu đến 34%. Lợi ích nhìn thấy rõ của việc số hóa là: không cần phải dành ra một khoảng không để lưu trữ hồ sơ, giấy tờ, tài liệu..., tiết kiệm chi phí thuê mặt bằng, tiết kiệm thời gian in ấn và sắp xếp tài liệu, tìm kiếm cũng đơn giản hơn; việc số hoá dữ liệu kết hợp với những công cụ bảo mật tốt có thể tăng cường sự an toàn khi lưu trữ; dễ kiểm soát, lên kế hoạch...

TS. Lương Minh Huân, Viện trưởng Viện Phát triển doanh nghiệp, VCCI.

TS. Lương Minh Huân, Viện trưởng Viện Phát triển doanh nghiệp, VCCI.

“Tuy nhiên, hiện nay ở Việt Nam vẫn còn nhiều doanh nghiệp chưa triển khai và hoàn thiện được hoạt động này” – TS Lương Minh Huân nhận định.

Nguyên nhân có thể kể đến như: các doanh nghiệp, nhất là DNNVV thiếu nhân lực, thiếu nền tảng công nghệ thông tin đủ mạnh để cho phép CĐS, thiếu tư duy kỹ thuật số. Dù khoản đầu tư số hoá dữ liệu nhiều hay ít phụ thuộc vào từng giai đoạn phát triển, trình độ công nghệ sẵn có cũng như nhu cầu thực tế, nhưng nó vẫn là một gánh nặng, đặc biệt nếu đầu tư ngay một hệ thống đầy đủ và hiện đại có thể khiến chi phí đội lên khá cao.

Ngoài ra, việc số hoá có thể gây ra sự thay đổi lớn về nhân sự trong đơn vị, đặc biệt là những vị trí lâu năm hoặc chủ chốt. Như vậy, chuyển đổi số đang đặt ra thách thức cho mỗi doanh nghiệp, nhất là lãnh đạo doanh nghiệp.

“Qua trao đổi với các doanh nghiệp, nhất là các DNNVV thì một trong những rào cản lớn nhất cho việc chuyển đổi số trong các doanh nghiệp chính là thay đổi tư duy, nhận thức của người đứng đầu doanh nghiệp về tầm quan trọng của chuyển đổi số” – TS Lương Minh Huân cho biết.

Chuyển đổi số thực chất là một cách nói khác của chiến lược kinh doanh. Bởi vậy, lãnh đạo là những người phù hợp nhất để nói về chuyển đổi số. “Các nhà lãnh đạo phải là nhà lãnh đạo số, phải biết sử dụng các công nghệ mới nhất của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 để hỗ trợ cho hoạt động trí óc của mình” – Viện trưởng Viện phát triển doanh nghiệp nhấn mạnh.

Theo ông Trần Đình Thiên, thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam,: “Nhận diện bản chất của Cách mạng công nghiệp 4.0 và kinh tế số, nắm bắt đúng thời cơ trong bối cảnh mới, có những lựa chọn chiến lược thích hợp để dấn bước nhanh chóng vào tương lai – đó thực sự là yêu cầu cấp thiết đối với Việt Nam”.

Hội thảo quốc tế “Lãnh đạo và quản lý trong thời đại chuyển đổi số” do Viện Quốc tế Pháp ngữ (IFI) phối hợp với Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội (USB) và Viện Phát triển doanh nghiệp tổ chức tại trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Đồng hành với Hội thảo còn có Viện Nghiên cứu Châu Phi - Trung Đông (IAMES), Câu lạc bộ Nhà khoa học Đại học Quốc gia Hà Nội (VSL), Tập đoàn TIBCO (Hoa Kỳ), Tập đoàn Asialnvest (Singapore) và sự bảo trợ truyền thông của Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp.

Mục đích của Hội thảo là nhằm khảo sát các lý thuyết và ý tưởng mới, cũng như chia sẻ kinh nghiệm lãnh đạo và quản lý trong các tổ chức và doanh nghiệp. Tại Hội thảo, các nhà khoa học, nhà quản lý, các chuyên gia, giảng viên thảo luận những khía cạnh liên quan tới công nghệ, kinh tế, văn hóa, xã hội, đạo đức và luật pháp của lãnh đạo và quản lý trong thời đại chuyển đổi số, đồng thời cùng tư duy về lãnh đạo và quản lý – từ triết lý, chủ thể, đối tượng đến kỹ năng lãnh đạo và quản lý để nắm bắt những cơ hội và giải quyết những thách thức của thời đại số.

Hội thảo quốc tế Lãnh đạo và quản lý trong thời đại chuyển đổi số nằm trong chuỗi Hội thảo khoa học liên ngành DAAS (Diderot Advanced Academic Seminars) do IFI tổ chức thường niên. Đây là một chuỗi các sự kiện học thuật quốc tế, đáp ứng nhu cầu học tập, nghiên cứu và trao đổi của các nhà nghiên cứu, giảng viên, nghiên cứu sinh và sinh viên trong nhiều lĩnh vực khác nhau.