Theo báo cáo của VCCI cho biết mỗi năm có khoảng từ 40-50% doanh nghiệp FDI kê khai lỗ, trong đó có rất nhiều doanh nghiệp lỗ liên tục trong nhiều năm, thậm chí có doanh nghiệp lỗ lũy kế đến mức âm vốn chủ sở hữu nhưng vẫn tiếp tục hoạt động bình thường, kể cả việc mở rộng quy mô kinh doanh.

Có những thời điểm, tại một số địa phương thu hút nhiều doanh nghiệp FDI như TP HCM, Bình Dương..., tỷ lệ doanh nghiệp FDI kê khai lỗ lên đến 50-60%, trong đó có rất nhiều doanh nghiệp kê khai lỗ trong nhiều năm, tạo nên tình trạng lỗ giả, lãi thật, gây thất thu ngân sách.

Chuyển giá có là trốn thuế?

Tại Việt Nam lâu nay, chuyển giá vẫn được xem là hoạt động tiêu cực, bất hợp pháp vì không khác gì trốn thuế. Nhưng về vấn đề này, ông Adam Sitkoff, Giám đốc điều hành Amcham Hà Nội bày tỏ quan ngại khi cách nhìn nhận khá phổ biến tại Việt Nam về chuyển giá là công cụ trốn thuế và hành vi vi phạm pháp luật.

Theo đó, ông Adam cho rằng trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu, các giao dịch liên kết và xuyên quốc gia sẽ ngày càng nhiều hơn. Cách nhìn nhận không phù hợp và thiếu khách quan về những giao dịch này sẽ tạo nên những thách thức và rào cản đối với các nhà đầu tư xuyên quốc gia khi quyết định đầu tư tại Việt Nam.

Báo cáo của VCCI cho biết mỗi năm có khoảng từ 40-50% doanh nghiệp FDI kê khai lỗ

Báo cáo của VCCI cho biết mỗi năm có khoảng từ 40-50% doanh nghiệp FDI kê khai lỗ

Do đó cần phải có phương pháp xác định các mức giá phù hợp đối với các giao dịch này, bao gồm các giao dịch hữu hình, vô hình, dịch vụ, tài chính hay phân bổ chi phí/cổ phần.

Đồng quan điểm, ông Wayne Barford - cố vấn cấp cao của Trung tâm Thuế và Đầu tư quốc tế, Cựu trợ lý Ủy viên Sở Thuế vụ Úc, một chuyên gia có rất nhiều kinh nghiệm quốc tế về các vấn đề thuế - khẳng định: "Chuyển giá về bản chất không phải là một hoạt động bất hợp pháp. Chỉ có gian lận về giá hay lạm dụng chuyển giá nhằm mục đích trốn thuế mới là bất hợp pháp".

Ông lý giải: Chuyển giá được định nghĩa là các quy tắc và phương pháp định giá cho các giao dịch nội bộ và giữa các doanh nghiệp thuộc cùng một hệ thống sở hữu hoặc kiểm soát. Do những giao dịch liên kết xuyên biên giới có thể làm thay đổi thu nhập chịu thuế, các cơ quan thuế ở nhiều quốc gia có thể áp dụng những phương pháp xác định giá khác với những phương pháp thông thường dựa trên giá thị trường giữa những doanh nghiệp độc lập.

Doanh nghiệp nội cũng chuyển giá

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Toàn - Phó chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) cho rằng chuyển giá có nhiều cách hiểu. Ở Việt Nam, chuyển giá là hành vi dẫn đến lách thuế, trốn thuê. Với các tập đoàn xuyên quốc gia, giao dịch liên kết là việc hết sức bình thường. Vì vậy cần làm rõ hoạt động chuyển giá như thế nào là đúng quy định, thế nào là chuyển giá nhằm chuyển lợi nhuận về nơi có chế độ thuế thấp hơn để lợi dụng tránh thuế.

“Về nguyên tắc, chuyển giá có nhiều dạng nhưng chủ yếu thông qua giao dịch liên kết, các công ty có liên kết với nhau về vốn, các công ty con. Khái niệm chuyển giá có nhiều cách hiểu khác nhau. Ở Việt Nam, chuyển giá là hành vi trốn thuế, lách thuế. Nhưng nên hiểu các giao dịch liên kết là những giao dịch rất bình thường, đặc biệt với những doanh nghiệp đa quốc gia thì giao dịch liên kết là thường xuyên và đáng tin cậy hơn so với những công ty khác. Các giao dịch này tạo thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp”, ông Toàn nói.

Ông Toàn khẳng định: “Không chỉ doanh nghiệp nước ngoài có chuyển giá mà cả ở trong nước cũng có thể chuyển giá. Nếu đặt vấn đề chuyển giá mà chỉ đề cập đến doanh nghiệp nước ngoài thì không đúng. Có thể với doanh nghiệp nước ngoài thì nhà nước chú trọng hơn, vì có thể thu được thuế cao hơn.

Liên quan đến luật thuế, tôi thấy khá chi tiết, đầy đủ, minh bạch nhưng trong quá trình thực hiện thì khó vì bộ máy nhà nước phải nâng tầm về mặt nhận thức, năng lực, hành vi để thực hiện được luật thuế này”, ông Toàn nói.

Theo quan điểm của ông Toàn: "Chính phủ và cộng đồng sẽ có một cái nhìn toàn diện và khách quan hơn về hoạt động kinh doanh của những doanh nghiệp này, đặc biệt là về những giao dịch nội bộ hợp pháp giữa các doanh nghiệp trong những tập đoàn đa quốc gia, để tránh tạo ra những ảnh hưởng tiêu cực đối với môi trường đầu tư tại Việt Nam".