>> Trung Quốc lại vi phạm chủ quyền Biển Đông

Ngoại trưởng Philippines, Teodoro Locsin (Ảnh: Inquirer)

Ngoại trưởng Philippines, Teodoro Locsin (Ảnh: Inquirer)

Ngày 18/11 vừa qua, Bộ Ngoại giao Philippines cho biết, ba tàu Cảnh sát biển Trung Quốc đã bắn vòi rồng và ngăn chặn hai tàu của Philippines đang trên đường vận chuyển thực phẩm cho quân nhân ở Bãi cạn Cỏ Mây (mà Việt Nam cũng tuyên bố chủ quyền) trên Biển Đông.

Tuy nhiên, vẫn dã tâm “ôm trọn Biển Đông”, phía Trung Quốc chỉ trích ngược lại tàu Philippines xâm phạm lãnh hải Trung Quốc và tàu Trung Quốc chỉ thực hiện nhiệm vụ bảo vệ lãnh hải. Lập luận này không hề mới, mà nó được sử dụng rất nhiều lần, như một phương pháp đấu tranh của Bắc Kinh và nếu các nước có liên quan đến những tranh chấp lãnh thổ lơ là hoặc im lặng thì nghiễm nhiên Trung Quốc sẽ càng được đà lấn tới.

Liên quan việc tàu hải cảnh Trung Quốc dùng vòi rồng ngăn tàu tiếp tế Philippines đến bãi Cỏ Mây, bà Lê Thị Thu Hằng - người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam yêu cầu các bên tuân thủ luật pháp quốc tế bao gồm UNCLOS trong mọi hoạt động trên biển Đông, không làm phức tạp tình hình và góp phần duy trì hòa bình tại khu vực; 

Dĩ nhiên, phía Việt Nam phản đối là hợp lý thuận tình vì Bãi Cỏ Mây thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Philippines cũng đưa ra tuyên bố chủ quyền với thực thể này. Quân đội Philippines trong nhiều năm qua đã gia cố tàu hải quân BRP Sierra Madre mắc cạn trên bãi Cỏ Mây từ năm 1999.

BRP Sierra Madre là tàu đổ bộ dài 100 m từng thuộc biên chế của hải quân Mỹ trong Thế chiến II. Tàu sau đó được chuyển cho Philippines và hải quân nước này đã cố ý cho tàu lao vào Bãi Cỏ Mây, mắc cạn tại đây và biến nó thành một tiền đồn đóng quân, phục vụ tuyên bố chủ quyền của Manila trong khu vực quần đảo Trường Sa.

Xuyên suốt quá trình thực hiện âm mưu độc chiếm Biển Đông, đặc điểm nổi bật trong thủ đoạn của Trung Quốc là bất ngờ, “tàng hình”, coi thường nguy cơ leo thang quân sự và luôn đưa ra “sáng kiến” cuối cùng (để tìm kiếm một thỏa hiệp chính trị có lợi cho Bắc Kinh).

Một tàu hải cảnh Trung Quốc xuất hiện ở Biển Đông vào tháng 4-2021 - Ảnh: AP

Một tàu hải cảnh Trung Quốc xuất hiện ở Biển Đông vào tháng 4-2021 - Ảnh: AP

>> Mỹ trừng phạt Trung Quốc trên Biển Đông

>> Biển Đông đang được kiểm soát căng thẳng bằng hòa bình?

Dù tuyên bố của giới lãnh đạo Bắc Kinh “cam kết giải quyết các tranh chấp lãnh thổ một cách hòa bình”. Người Trung Quốc luôn lý luận theo kiểu: “Những gì của chúng tôi là của chúng tôi, những gì là của bạn chúng ta có thể thương lượng” - Giáo sư Barhma Chellaney nhận xét.

Hiện Trung Quốc đang vượt trội so với các nước có tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông. Nên cam kết của lãnh đạo Bắc Kinh chỉ có nghĩa là đạt được một lợi thế đủ mạnh để có được cái họ muốn mà không phải tốn một phát đạn nào.

Trớ trêu cho Trung Quốc ở chỗ,  nếu một số quốc gia có thể áp dụng “nguyên tắc đường 9 đoạn” mà Trung Quốc đang bám lấy để yêu sách chủ quyền với chính một bộ phận hay toàn bộ lãnh thổ Trung Quốc.

Nhiều vùng lãnh thổ của Trung Quốc từng là thuộc địa của Đức, Pháp và Anh thời thế kỷ 19, 20 thì họ cũng có thể yêu sách “chủ quyền” với những vùng đất này như những gì Trung Quốc đã làm ở Biển Đông. Thậm chí Mông Cổ cũng có thể lấy gần trọn vẹn lãnh thổ của Đại lục ngày nay...

Đáng chú ý, việc Trung Quốc sử dụng vòi rồng để tấn công tàu Philippines tại Bãi Cỏ Mây cũng được đưa lên bàn nghị sự trong 2 ngày Hội thảo Quốc tế về Biển Đông lần thứ 13 (18-19/11) vừa qua. Đa số học giả tham gia đều nhất trí cần đề cao hơn nữa sự hợp tác trên biển, cũng như vai trò của luật pháp quốc tế trong giải quyết tranh chấp ở Biển Đông.

Học giả trong và ngoài nước phần lớn cho rằng nguyên nhân gây mất niềm tin ở Biển Đông là hành động đơn phương của Trung Quốc. Vì thế, khá nhiều học giả cũng tiếp tục bác bỏ yêu sách chủ quyền vô căn cứ của Trung Quốc đối với cái gọi là “đường 9 đoạn” ở Biển Đông.

Trong thực tế, cái “vòi rồng” mà Trung Quốc sử dụng đang cho thấy nó ít nhiều có tính hiệu quả. Bởi vì hành động này nó phần nào hù dọa được tàu của các nước như Việt Nam,  Philippines…trong khi chính bản thân Bắc Kinh cũng không muốn “kéo bạt” chĩa họng đại bác bắn vào tàu các nước mà Bắc Kinh cố tình tranh chấp chủ quyền để khơi mào cho một cuộc chiến tranh.

Vì thế, phun vòi rồng được xem là hành vi phạm luật dưới vỏ bọc những hoạt động phòng thủ của nước này. Trung Quốc đã quẳng đi gánh nặng bắt đầu một cuộc chiến tranh trong khi tìm cách đặt từng viên gạch nền tảng cho tham vọng bá quyền.

Lúc này, để thuận tiện cho công tác đấu tranh chủ quyền, ngoài việc nâng cao năng lực quốc phòng thì Việt Nam chúng ta cần phải tăng cường năng lực nhận thức hàng hải tại các khu vực tranh chấp. Năng lực nhận thức là khả năng Việt Nam có thể theo dõi thực địa 24/24 giờ để có thể nắm được các quốc gia xung quanh Trung Quốc và các quốc gia bên ngoài khu vực đang làm gì ở Biển Đông.

Việc có được đầy đủ thông tin về những gì đang xảy ra trên thực địa sẽ tạo điều kiện cho Việt Nam ngăn cản những hành vi phi pháp của Trung Quốc hoặc đưa ra những cách tiếp cận mới để giải quyết vấn đề cho phù hợp, không để lợi ích của mình trên Biển Đông bị sứt mẻ.

Một vấn đề khác là các quốc gia ASEAN cần phải giải quyết được bất đồng nội bộ về mặt tranh chấp lãnh thổ với nhau trước để có được lập trường chung. Việc đem được lập trường chung này ra nói chuyện với Trung Quốc giúp các nước có tranh chấp có một vị thế lớn hơn trên bàn đàm phán.

Dẫu sao đi nữa,  đấu tranh vì chủ quyền Biển Đông với Trung Quốc cần phải thực hiện một cách thường xuyên và liên tục, trong bất kỳ mọi thời điểm, bằng nhiều hình thức, phương pháp. Và khi “triệt tiêu” được cái vòi rồng của tàu Trung Quốc cũng tức là chúng ta đã một bước tiến tới thắng lợi trong công cuộc đầu tranh vì chủ quyền dân tộc.