>> Năng lượng sạch, cần môi trường đầu tư minh bạch

Theo các nhà đầu tư, hiện nay còn rất nhiều dự án/ phần dự án điện gió, điện mặt trời còn tồn đọng vốn lên đến hàng tỷ USD đang đắp chiếu vì phải chờ cơ chế giá mua điện mới. Ngoài 5 dự án/phần dự điện mặt trời có tổng công suất 452,62 MW đang chờ xác định giá bán điện mới thì có tới 62 dự án điện gió tổng công suất 3.479MW đã ký hợp đồng mua bán điện với EVN nhưng do không kịp vận hành thương mại trước ngày 1/11/2021 để kịp hưởng giá bán điện ưu đãi theo Quyết định 37/2011 và 39/2018 của Thủ tướng về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió tại Việt Nam, nên hiện tại vẫn đang mòn mỏi chờ giá bán điện mới.

Cơ chế chuyển tiếp cần có tính thực thi ngay vì khoảng trống chính sách đã kéo dài quá lâu

Cơ chế chuyển tiếp cần có tính thực thi ngay vì khoảng trống chính sách đã kéo dài quá lâu

Trên thực tế đã gần 01 năm trôi qua còn nhiều dự án triển khai dang dở cũng cùng số phận với các dự án trên và đang nằm bất động chờ cơ chế mới. Khó khăn này khiến chủ đầu tư của các dự án điện mặt trời, điện gió trên không có doanh thu, gặp nhiều khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, ảnh hưởng đến nghĩa vụ trả nợ lãi vay cho các tổ chức tín dụng và có nguy cơ trở thành nợ xấu tạo áp lực lớn cho ngành tài chính Việt Nam.

Thực trạng tổn thất là vậy, thế nhưng theo các doanh nghiệp họ càng thất vọng hơn khi mới đây đọc được Công văn số 126 của Bộ Công Thương ngày 21/7/2022, báo cáo Thủ tướng Chính phủ về Cơ chế đối với các dự án điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp. Tại công văn số 126 Bộ Công Thương trình Chính phủ 02 phương án cho các dự án điện gió/điện mặt trời chuyển tiếp. Cụ thể:

Phương án 1 (nêu trong báo cáo 17) “Bộ Công Thương ban hành và quy định phương pháp, trình tự lập và thẩm định khung giá phát điện và quy định khung giá phát điện đối với dự án điện gió, điện mặt trời làm cơ sở để Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đàm phán và ký hợp đồng mua bán điện với chủ đầu tư các dự án, tương tự như cách làm các dự án nguồn điện khác như thủy điện, nhiệt điện, tua bin khí,…”.

Đàm phán giá mua điện không có cơ sở thực hiện

Đàm phán giá mua điện không có cơ sở thực hiện

Phương án 2 (nêu trong Tờ trình 1513): “Xây dựng Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định cơ chế đấu thầu mua điện từ dự án điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp. Theo đó dự kiến đơn vị mua điện là EVN sẽ tổ chức đấu thầu mua điện trong giai đoạn 3 năm, trong khung giá do Bộ Công Thương ban hành”.

Tuy nhiên theo các nhà đầu tư cả 02 phương án Bộ Công Thương đề xuất, chưa xây dựng được lộ trình phát triển cho các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp, đặc biệt là phương án 1 được Bộ Công Thương cho là khả thi nhất, đề xuất Chính phủ thực hiện vẫn còn nhiều điểm nghẽn và không có cơ sở thực hiện.

Bởi theo các doanh nghiệp và chuyên gia, thông báo số 126 của Bộ Công Thương đưa ra mới đây so với quyết định của 01 năm qua, vẫn không có điểm nào mới. Sở dĩ đã gần 01 năm trôi qua với điện gió và gần 02 năm với điện mặt trời (dự án điện gió từ 31/10/2021 đối với điện mặt trời từ ngày 31/12/2020) đến nay vẫn chưa có giá mua điện mới.

“Các nhà đầu tư đã chờ đợi quá lâu, vậy mà đến năm nay Bộ Công Thương vẫn thông báo phương án các nhà đầu tư đàm phán với EVN, trong khi mức giá để đàm phán thì Bộ Công Thương vẫn chưa ban hành, dù EVN đã có văn bản kiến nghị hơn 1 năm trước.

Đối với các dự án đang vận hành, việc Bộ Công Thương đề xuất Thủ tướng cho phép bộ này rà soát, xem xét lại các Hợp đồng mua bán điện đã ký đã làm các nhà đầu tư hoang mang, bởi vì họ đã đầu tư theo giá Chính phủ ban hành, việc xem xét lại giá sẽ gây ra cuộc chiến pháp lý và ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của Chính phủ và môi trường đầu tư tại Việt Nam”, đại diện các doanh nghiệp ngao ngán phân trần.

>> Phát triển điện gió ngoài khơi - Bài 2: Cần chính sách nhất quán và dài hạn

Đánh giá về tính khả thi về thông báo số 126 của Bộ Công Thương, ông Bùi Văn Thịnh -  Chủ tịch Hiệp hội Điện gió và Điện mặt trời Bình Thuận cho biết, nhà đầu tư mòn mỏi chờ đợi đã lâu, nhưng đề xuất này của Bộ Công Thương không có gì mới so với 1 năm trước, thiếu tính khả thi khi Bộ chưa ban hành khung giá làm cơ sở đàm phán. “Các nhà đầu tư lo ngại sẽ mất nhiều tháng, thậm chí cả năm để đàm phán và phê duyệt hợp đồng mua điện, không hiểu họ còn đủ sức lực để chờ đợi nữa không?”, ông Thịnh nói.

Theo ông Thịnh, cơ chế chuyển tiếp cần có tính thực thi ngay vì khoảng trống chính sách đã kéo dài quá lâu rồi. Nên chăng vẫn căn cứ vào cơ chế giá FIT và giảm đi 1 tỷ lệ nào đó (chẳng hạn từ 1-2%/ quý) để cứu các nhà đầu tư?

Trước những bất cập trên, các doanh nghiệp cho biết, để xảy ra những thiệt hại lớn về nguồn lực xã hội và của nhà đầu tư như thực trạng trên vì thị trường năng lượng tái tạo còn tồn tại nhiều lỗ hổng của chính sách. Nếu Việt Nam có cơ chế “gối đầu” được xây dựng trước cho các dự án điện gió, điện mặt trời được chuyển tiếp khi hết hạn cơ chế giá FIT thì sẽ không xảy ra tình trạng như ngày hôm nay.

“Hàng tỷ USD vẫn nằm bất động, dự án bị bỏ hoang chưa biết ngày nào được vận hành thương mại, hàng trăm nhà đầu tư vẫn còng lưng trả lãi vay tín dụng hàng tháng trong khi nền kinh tế vẫn đang tiếp diễn. Vậy trách nhiệm thuộc về ai?", đại diện các doanh nghiệp đặt câu hỏi.

Bài 2: Cần xây dựng cơ chế mua điện phù hợp