Theo ông Vũ Thế Bình, Phó chủ tịch thường trực ViTA, Dịch covid-19 làm đảo lộn cuộc sống, khiến cho bao ngành nghề rơi vào khủng khoảng, đóng băng, trong đó có du lịch với gần như 100% các cơ sở phải đóng cửa. Tuy là ngành bị ảnh hưởng mạnh nhưng dự báo cũng là ngành phục hồi trước tiên.

Hiện nay, các thành phố lớn đều lần lượt mở cửa các điểm du lịch. Các công ty lữ hành, các nhà hàng, khách sạn đều đã sẵn sàng đón du khách. Tuy nhiên, bài toán làm sao vừa có đủ lượng khách để hoạt động vừa phải đảm bảo an toàn cho du khách là thách thức đang đặt ra cho ngành du lịch.

Du lịch ĐBSCL đang hồi phục sau dịch Covid -19.

Du lịch ĐBSCL đang hồi phục.

Xu hướng du lịch trong thời điểm hiện nay được du khách ưu tiên lựa chọn là những chuyến du lịch ngắn ngày gần nhà. Tuy ở Việt Nam đang tiến gần đến công bố hết dịch nhưng nhiều quốc gia khác dịch bệnh còn diễn biến phức tạp nên trong điều kiện hiện nay thì việc đẩy mạnh du lịch nội địa là thượng sách. Để kích thích du lịch nội địa phát triển, ViTA phát động toàn thể hội viên cùng tham gia kích cầu du lịch toàn diện bằng nhiều hình thức chứ không chỉ giảm giá vé, giá tour”, ông Bình nói.

Theo bà Đỗ Thị Hồng Xoan, Chủ tịch hiệp hội khách sạn Việt Nam, trong thời gian giãn cách, cách ly xã hội do dịch bệnh thì hầu hết khách sạn 3-5 sao đóng cửa do đó chính sách hỗ trợ về giảm giá điện, vay trả lương cho người lao động… không có ý nghĩa đối với cơ sở lưu trú, đó là chưa kể thủ tục để được hưởng cũng rất nhiêu khê. Để kích cầu du lịch, theo bà Xoan không chỉ ngành khách sạn mà các ngành dịch vụ khác và các khu du lịch, điểm đến cũng phải hưởng ứng thì thì mới phát huy được tác dụng.

Hiệp hội du lịch ĐBSCL cho biết sẽ họp báo công bố các tour du lịch

Hiệp hội du lịch ĐBSCL cho biết sẽ họp báo công bố các tour du lịch "siêu rẻ" trong tuần tới.

Trong dịp lễ 30/4 vừa qua, lượng du khách đến các địa phương trong vùng tăng mạnh, đây là dấu hiệu ngành du lịch đang hồi phục. Hưởng ứng đợt phát động kích cầu du lịch sau dịch Covid-19: đến nay đã có 33 doanh nghiệp ngành du lịch đăng ký tham gia với mức giảm giá từ 20-40%. Hiệp hội du lịch ĐBSCL đang tiếp tục phát động và dự kiến sẽ họp báo công bố các sản phẩm kích cầu du lịch vào tuần tới”, Phó chủ tịch Hiệp hội du lịch ĐBSCL Lê Thanh Phong cho biết.

Theo số liệu của Bộ VHTTDL:, quý I năm 2020, khách quốc tế đến Việt Nam giảm 18,1%, khách du lịch nội địa giảm 48% so với cùng kỳ năm 2019. Ước tính có 1,7 triệu lượt khách quốc tế hủy tour đến Việt Nam. Công suất phòng trung bình của quý I chỉ khoảng 20%, tháng 4 chỉ ở mức dưới 10%. Lao động ngành du lịch được cho nghỉ không lương hoặc giảm đến 80% lương. Doanh thu của các công ty lữ hành liên tục giảm sâu, gần như về con số 0 trong tháng 4.