Bộ trưởng Lê Minh Hoan là người rất am hiểu về nền nông nghiệp Việt Nam

Bộ trưởng Lê Minh Hoan là người rất am hiểu về nền nông nghiệp Việt Nam (Ảnh: Danviet.vn)

Nhìn xuống thêm một tầng nấc khác, nông nghiệp và nông dân hiện nay đối mặt với rất nhiều rủi ro - cả hiện thực lẫn tiềm tàng. Chính sách hiện có và nỗ lực đơn thuần là chưa đủ để giải quyết tận gốc vấn đề.

Ở quê tôi, người nuôi tôm ví mình như “đánh bạc” mặc dù không ít mô hình đầu tư bài bản, tiêu tốn hàng tỷ đồng. Họ hồi hộp vào mỗi buổi sáng thức dậy nhìn ra mặt hồ xem tôm có nổi lên hay không!? Nếu chẳng may trắng tay nợ ngập đầu ngập cổ, không một ai bảo lãnh cho họ.

Dự án “tàu 67” của Chính phủ - từ Nghệ An vào Quảng Nam, hỗ trợ vốn đóng tàu lớn đánh bắt xa bờ cơ bản thất bại. Nhiều chủ tàu ở Cửa Việt - Quảng Trị ra chuyến nào lỗ chuyến đó, vì ngư trường cạn kiệt, bị “tàu lạ” hằm hè đe đọa, số nợ xấu đến nay đã hàng trăm tỷ đồng.

Nông dân Tây Nguyên vẫn chưa hết đối diện với thực trạng chặt bỏ cây hồ tiêu, trồng cà phê, chặt cà phê chuyển sang trồng điều. Cứ thế, mướt mồ hôi đuổi theo thời vụ mặc dù tiêu, cà phê Việt Nam là đặc phẩm, khối lượng xuất khẩu hàng đầu thế giới, nhưng chúng ta không nắm được đầu cán, không điều tiết được giá cả, không làm chủ được thị trường.

Nông dân Tây Nam Bộ hàng ngày chứng kiến đất đai bạc màu, hoang hóa, xâm nhập mặn. Hai nguyên nhân cơ bản mà giới khoa học chỉ ra - hoàn toàn ngoài tầm với của người sở tại, đó là: Biến đổi khí hậu và thượng nguồn sông Mê Kông bị chặn bởi nhiều đập thủy điện.

Được mùa mất giá là lẽ thường tình khi cung lớn hơn cầu. Những khi ấy mới cần bàn tay can thiệp của nhà nước bằng chính sách, bằng công cụ vĩ mô. Nhưng mấy năm qua, việc tốt nhất có thể làm là huy động người tiêu dùng rủ lòng thương “giải cứu”.

Cần nhấn mạnh chính sách vĩ mô, cách thức và thời điểm can thiệp vào thị trường. Ví dụ, để bình ổn giá nông sản, không thể bằng phương thức “điều đình” với doanh nghiệp, họ có quyền được lãi theo sự vận động khách quan của thị trường. Nhà nước có công cụ thu mua hoặc xả kho, trợ giá để bình ổn nguồn cung, giảm thiểu thiệt hại cho nông dân.

Nông dân Tây Nguyên chặt phá tiêu chuyển sang trồng cà phê (Ảnh: Danviet.vn)

Nông dân Tây Nguyên chặt phá tiêu chuyển sang trồng cà phê (Ảnh: Danviet.vn)

Lúc còn ở vị trí đứng đầu Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặc biệt quan tâm đến nông dân, nông nghiệp, nông thôn. Ông 3 lần đối thoại với nông dân từ Bắc vào Nam.

Tại đối thoại Hải Dương đầu năm 2018, Thủ tướng đặt câu hỏi cấp bách: Tại sao nông dân chưa giàu lên? Tại sao có đến 70% dân số sống ở nông thôn, chiếm trên 43% lao động mà chỉ đóng góp 18% GDP?

Trong số các loại đất được giao, đất nông nghiệp - với tư cách là tài sản, là tư liệu sản xuất của người nông dân dễ bị xâm phạm nhất! Người ta chỉ cần một mệnh lệnh hành chính là có thể biến bờ xôi, ruộng mật thành “dự án” công nghiệp đầy rẫy hứa hẹn nhưng sau đó phân lô bán nền.

Đất nông nghiệp còn quan trọng hơn là sinh kế, nhưng nó là tài sản rẻ mạt, nhất khi đền bù, giải tỏa, thu hồi, từ vài đến vài chục nghìn mỗi mét vuông - nông dân không thể tái tạo sinh kế bằng số tiền ít ỏi như thế!

Đất nông nghiệp sau khi chuyển đổi mục đích bằng cơ chế “xin-cho” trở thành món hàng xa xỉ, đắt đỏ, một số ít trở thành triệu phú từ đất, còn con em nông dân chỉ biết ngước nhìn.

Ở nước ta, không có lĩnh vực nào phát sinh khiếu kiện, mâu thuẫn, hậu quả đẫm máu từ gia đình ra cộng đồng; giữa nhân dân và nhà nước, nhân dân và doanh nghiệp, cá nhân và tổ chức, cá nhân với cá nhân nhiều như đất đai.

Những Đoàn Văn Vươn (Hải Phòng), Đặng Văn Hiến (Đắc Nông) là minh chứng, họ bị tòa xử là “thủ phạm” nhưng đồng thời là “nạn nhân” trong nỗi đau mang tên quyết tâm giữ đất!

Những năm gần đây, khi nhiều vụ án tham nhũng động trời bị phanh phui, dù lĩnh vực nào, tính chất ra sao rồi phần lớn cũng dính dáng đến đất đai - tham nhũng, tiêu cực trong quản lý, sử dụng đất đai là nổi cộm nhất.

Quá dễ làm giàu từ đất đai, pháp luật quá nhiều khoảng hở, chồng chéo; trong khi đó nông dân là đối tượng dễ tổn thương nhất, chênh lệch trình độ phát triển, dẫn đến thua thiệt về hiểu biết pháp luật, cuối cùng họ bị biến thành “con mồi” béo bở.

Tôi tin Bộ trưởng Lê Minh Hoan là một người rất am hiểu nông nghiệp, nông dân, nông thôn, ông có những phát biểu rất khúc chiết, khoa học, điểm trúng vấn đề cốt tử hiện nay.

Hồi tháng 4 năm nay, trả lời báo chí về dự định của mình trên cương vị tân Bộ trưởng Nông nghiệp, ông Hoan nói: “Người nông dân cần nhận thức rằng cuộc đời của mình là do chính mình quyết định. Muốn vậy, người nông phải có ý chí mạnh mẽ, suy nghĩ tích cực, thay vì than thân, trách phận hay trông chờ ỷ lại”.

Nhưng, thưa Bộ trưởng! Khi nhà nước lập khu công nghiệp, thu hồi đất làm dự án, đất ruộng bị biến thành đất thương mại, đa phần các diễn biến này người nông dân không hề có tiếng nói quyết định.

Tất thảy mọi nơi trên thế giới, từ Thái Lan đến Israel, Úc, Nhật, bản thân người nông dân không thể tự mình biến nông thôn thành nơi đáng sống. Đi đầu luôn là chính sách, quyết tâm chính trị của nhà nước.