Dự báo các vùng giá cổ phiếu MSN sau khi sáp nhập các chuỗi bán lẻ của VinGroup

Kết thúc phiên giao dịch 4/12, cổ phiếu MSN giảm 2,6% đóng cửa ở mức 62.500 đồng/cp

Trong phiên giao dịch ngày 3/2, cổ phiếu MSN giảm 7% và đến ngày 4/2 cổ phiếu này tiếp tục giảm 2,6%. Như vậy sau 2 phiên giao dịch kể từ ngày có thông tin về thương vụ sáp nhập Vincommerce và Vineco vào Consumer Masan, giá cổ phiếu MSN đã giảm gần 10%, tương đương với vốn hoá mất đi hàng ngàn tỷ đồng.

Theo nội dung thỏa thuận, VinCommerce và VinEco sáp nhập vào Consumer Masan để thành lập Tập đoàn Hàng tiêu dùng - Bán lẻ. Theo đó, Vingroup sẽ hoán đổi toàn bộ cổ phần trong VinCommerce thành cổ phần của Công ty mới sau sáp nhập. Masan sẽ nắm quyền kiểm soát hoạt động, Vingroup là cổ đông.

Đây là một động thái khá bất ngờ, khi mới đây BVSC cho biết, VinMart đang là thương hiệu thống lĩnh thị trường siêu thị và cửa hàng tiện lợi với tổng số lượng cửa hàng chiếm 53% thị phần, bỏ xa 2 đối thủ nội địa là Bách Hóa Xanh và Co.Opmart.

Tuy nhiên, nếu suy xét một cách sâu xa, thì thương vụ này không có gì bất ngờ, bởi tính đến thời điểm sáp nhập vào Masan Consumer, thì VinCommerce đã sở hữu sở hữu mạng lưới hơn 2.600 siêu thị và cửa hàng VinMart & VinMart + tại 50 tỉnh thành; còn VinEco có 14 nông trường công nghệ cao. Tuy nhiên, Vingroup đã phải đánh đổi lợi nhuận để mở rộng thị phần lớn như vậy, cụ thể trong 9 tháng đầu năm 2019, mảng bán lẻ của tập đoàn này đã lỗ hơn 3.000 tỷ đồng.

Trong khi đó, Masan đang sản xuất nhiều sản phẩm thiết yếu phục vụ đời sống hàng ngày, như nước tương-nước mắm, tương ớt, mì gói, nước ngọt, cà phê, bia, thịt ... 

Sau khi nhận sáp nhập VinCommerce và VinEco, Masan có thể tận dụng mạng lưới của VinCommerce để phân phối các sản phẩm của mình, đồng thời có lợi thế đàm phán với các đại lý phân phối của mình. Đặc biệt, thương vụ M&A này sẽ giúp Masan đẩy mạnh tăng trưởng mảng thịt của Masan Meat Life mà không phải phát triển mạng lưới phân phối của riêng mình từ đầu. Sở hữu một hệ thống lớn như VinCommerce sẽ giúp Masan tối ưu được kênh phân phối, giảm tỷ lệ chi phí trung gian tới tay người tiêu dùng, nhờ vậy lợi nhuận của Masan chắc chắn sẽ tăng lên. 

Ông Phan Lê Thành Long- Giám đốc Viện Quản trị Công chứng Úc, cho rằng trong thương vụ M&A này, Consumer Masan là bên mua, VinCommerce và VinEco là bên bán. Xét trên góc độ chiến lược kinh doanh, thì có lẽ đây là thương vụ lợi cả đôi bên. VinCommerce cần Consumer Masan, và Consumer Masan cần một hệ thống bán lẻ rộng khắp của VinCommerce. 

Trong khi đó, những tập đoàn nước ngoài như Amazon hay Alibaba đã và đang thâm nhập sâu vào thị trường Việt Nam. Nhiều chuyên gia dự báo trong khoảng 3-5 năm tới, nếu các nhà bán lẻ Việt Nam không có chiến lược cạnh tranh hiệu quả, thì sẽ mất đi khả năng bán hàng. Do đó, thương vụ M&A này có thể cũng nằm trong chiến lược của Masan để đối phó với sức ép cạnh tranh từ các doanh nghiệp ngoại.

Thương vụ M&A này sẽ giúp tối ưu hóa thế mạnh hoạt động của Masan, đồng thời tạo nên một tập đoàn hàng tiêu dùng - bán lẻ mới có sức cạnh tranh vượt trội và quy mô hàng đầu Việt Nam. Điều này sẽ giúp Masan tiếp tục gia tăng sức mạnh trên thị trường bán lẻ Việt Nam.

Một chuyên gia cho rằng, trong ngắn hạn, giá cổ phiếu MSN có thể sẽ tiếp tục điều chỉnh do các nhà đầu tư lo ngại việc tập đoàn sẽ phải làm thế nào để tạo ra dòng tiền tương lai bù đắp cho phần chi phí phải trả để nắm quyền kiểm soát hệ thống VinCommere và VinEco. Tuy nhiên trong dài hạn, khi nắm trong tay nhiều lợi thế như trên, thì Masan sẽ ngày càng phát triển mạnh. Theo đó, giá cổ phiếu MSN sẽ sớm phục hồi trở lại, nhiều khả năng sẽ quay trở lại vùng đỉnh cũ 90.000đ/cp trong trung và dài hạn.