>> Công nghệ số Make in VietNam trong chuỗi giá trị toàn cầu

Số liệu từ Vinasa cho thấy 92% các doanh nghiệp Việt Nam đã quan tâm và triển khai chuyển đổi số, nhưng 90% trong số này chưa có hiểu biết về chuyển đổi số và 72% chưa biết bắt đầu từ đâu.

Quản trị con người số

Có thể thấy, kỷ nguyên số sẽ làm thay đổi nhu cầu, cách thức quản trị và đặc biệt là phương thức giao tiếp giữa con người trong doanh nghiệp với các yếu tố như:

Về nhu cầu nguồn nhân lực, trong một thập kỷ trước, khi nói đến nhu cầu nguồn lực hay tuyển dụng lao động, thì yếu tố công nghệ ít xuất hiện như một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá năng lực của ứng viên. Doanh nghiệp chủ yếu tập trung vào kinh nghiệm, năng lực chuyên môn. Nhưng đến nay, những ứng viên có năng lực về công nghệ, biết sử dụng các công cụ công nghệ trong công việc, hay biết nhiều hơn về mạng xã hội, sử dựng các ứng dụng di động, Internet… cũng là ưu thế khi được phỏng vấn và lựa chọn vào làm việc.

Điều này đã tác động rất lớn đến thị trường tuyển dụng nguồn nhân lực, ngay cả với các ứng viên tham gia tìm việc, họ cũng có sự biến chuyển trong việc chuẩn bị hành trang cho bản thân để đặt chân vào các doanh nghiệp mong ước.

Trong thập niên tới, nguồn lực cũng như chất lượng nguồn nhân lực trong thời đại số sẽ biến chuyển rất khác, đòi hỏi nhanh hơn, đơn giản hơn và cũng nhiều áp lực hơn cho những thế hệ nhân viên mới ra trường, với các nhân viên có nhiều kinh nghiệm nhưng chưa cập nhật, hoặc không bắt kịp được xu hướng số trong thời đại công nghệ mới.

Về phương thức quản trị số, những cụm từ như “họp giao ban” hay “báo cáo tuần” đã dần dần trở nên lạc hậu trong doanh nghiệp. Thay vào đó là văn hóa quản trị mới đang dần hình thành và thay đổi thói quen trong quản lý điều hành. Theo đó, người quản trị phải hiểu và nắm bắt thông tin hàng ngày, hàng giờ với các công cụ số, giúp khả năng cập nhật thông tin, trạng thái công việc nhanh và dễ dàng hơn.
Doanh nghiệp sẽ ngày càng ít đi giấy tờ văn bản, thay vào đó là giao tiếp số. Người quản lý và nhân viên nắm được thông tin về nhau dễ hơn. Đánh giá năng lực, hiệu quả công việc đơn giản hơn, ít đi yếu tố cảm tính mà sẽ thông qua những chỉ số cụ thể phản ánh kết quả thực tế của mỗi người.

>> Hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số nâng cao năng lực xuất khẩu

Cạnh tranh từ nội tại

Trước khi đại dịch Covid - 19 diễn ra, hầu hết người dân Việt Nam không ai biết đến những cụm từ video call, online meeting, google meet, zoom, hay Grab, Uber, Lalammove,... đặc biệt là tỷ lệ người dân sử dụng ví điện tử, tài khoản ngân hàng rất thấp. Nhưng trong và sau khi xảy ra đại dịch từ năm 2019 - 2022, như một sự biến chuyển thần kỳ, đa số người dân đã quen thuộc với các ứng dụng công nghệ này.

 Tiểu thương chợ Tam Kỳ, Quảng Nam với chiến dịch không thanh toán tiền mặt. Ảnh: X.Phú

Tiểu thương chợ Tam Kỳ, Quảng Nam với chiến dịch không thanh toán tiền mặt. Ảnh: X.Phú

Số liệu được Ngân hàng Nhà nước công bố cho biết, đến nay, tỷ lệ người dân trưởng thành có tài khoản thanh toán đạt gần 66% với tốc độ tăng trưởng bình quân 11,44% từ năm 2015-2021. Đến tháng 4/2022, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng 69,7% về số lượng, 27,5% về giá trị; giao dịch qua Internet cũng tăng tương ứng 48,39% và 32,76%; qua điện thoại di động tăng tương ứng 97,65% và 86,68%; qua QR code tăng tương ứng 56,52% và 111,62% so với cùng kỳ năm 2021; tổng số ví điện tử đã kích hoạt tăng 10,37% so với cuối năm 2021.

Chuyển đổi số đang là xu hướng mạnh mẽ nhất trong thời gian qua. Xu hướng này cũng đang tác động rất lớn đến nguồn nhân lực tại các doanh nghiệp mà cho đến hiện tại, chúng ta hay gọi là nhân sự số (SMAC), đó là sự chuyển đổi số của các dịch vụ, quy trình nhân sự thông qua việc sử dụng công nghệ “Mạng xã hội (Social – S), Di động (Mobile – M), Phân tích (Analytics – A) và Điện toán đám mây (Cloud – C). Điều này đòi hỏi nhân sự càng ngày càng phải tự chuyển đổi chính mình, tự nâng cao khả năng thích nghi để có thể tồn tại và quen dần với sự thay đổi chung của thế giới.

Trong doanh nghiệp hiện nay cũng có sự biến chuyển rất lớn về cách thức giao tiếp giữa nhân viên với nhân viên, nhân viên với lãnh đạo, với khách hàng. Trước đó, sẽ mất rất nhiều thời gian để xây dựng một cuộc họp với thời gian đi lại, chuẩn bị phòng họp,... nhưng hiện rất nhanh chóng để tham gia một phòng họp trực tuyến.

Như vậy, chúng ta đã, đang trải qua thời đại số và chắc chắn sẽ trở thành những con người số trong tương lai. Mức độ, tốc độ trở thành con người số ra sao còn tùy thuộc vào khả năng và độ thích ứng của mỗi cá nhân.

Tuy nhiên đối với các doanh nghiệp, các lãnh đạo cần hiểu và tự nhìn nhận rằng, nếu biết biến những ưu điểm của kỷ nguyên số này thành nền tảng xây dựng văn hóa số, thì chắc chắn họ sẽ nuôi dưỡng và tạo ra được nhưng con người số có giá trị, giúp cho nguồn lực doanh nghiệp bền vững và ổn định hơn. Giá trị doanh nghiệp không chỉ là giá trị trên từng cổ phiếu, mà còn là lợi thế cạnh tranh về văn hóa và chất lượng nguồn nhân lực từ bên trong.