Tính từ trung tuần tháng 3 đến nay, giá bạc giao ngay đã tăng tới 172%, từ mức 11USD/oz lên tới 30USD/oz, trong khi giá vàng mới chỉ tăng khoảng 40%, từ mức 1.463USD/oz lên tới mức 2.074USD/oz.

Đáng chú ý trong đợt điều chỉnh mạnh hiện nay của giá vàng (giá vàng giảm từ 2.074USD/oz xuống tới tận 1.871USD/oz), giá bạc gần như chỉ giảm nhẹ xuống khoảng 24- 25USD/oz. 

Giá bạc đã tăng rất mạnh trong thời gian qua

Giá bạc thế giới đã tăng rất mạnh trong thời gian qua, có thời điểm lên tới gần 30USD/oz

Cũng giống như giá vàng, giá bạc chủ yếu được định giá bằng USD. Khi đại dịch COVID-19 bùng phát mạnh mẽ, thì các quốc gia trên thế giới đã đồng loạt tung ra các gói cứu trợ, tổng cộng lên tới hàng chục nghìn tỷ USD. Đặc biệt, FED cam kết tiếp tục nới lỏng định lượng không giới hạn cho tới khi lạm phát của Mỹ đạt mức mục tiêu 2%, thị trường lao động khởi sắc và kinh tế phục hồi trở lại.

Các động thái nói trên tiềm ẩn nguy cơ làm tăng áp lực lạm phát, khiến USD giảm giá trong dài hạn. Điều này đã hỗ trợ tích cực cho giá bạc.

Không chỉ vậy, khi đại dịch bùng phát, thì hoạt động khai thác mỏ ở nhiều quốc gia, đặc biệt ở Chile, Peru… cũng bị ảnh hưởng nặng nề, khiến nguồn cung bạc giảm mạnh. Theo dự báo của giới chuyên gia, nguồn cung bạc năm 2020 có thể sẽ giảm khoảng 7% trong năm 2020, đạt khoảng 987 triệu ounces (gần 28.000 tấn).

Trong khi đó, nhu cầu bạc lại tiếp tục có xu hướng tăng mạnh, bất chấp đại dịch. Hiện bạc được sử dụng phần lớn trong sản xuất trang sức và nhiều ngành công nghiệp khác. Trong đó, đối với ngành công nghiệp, bạc được sử dụng làm ống dò niệu quản; băng cứu thương; máy lọc nước; dây điện; linh kiện máy tính, điện thoại và máy ảnh… Đặc biệt, bạc được sử dụng nhiều trong tấm pin năng lượng mặt trời, trong khi thị trường năng lượng mặt trời thế giới dự kiến sẽ đạt giá trị khoảng 223 tỷ USD vào năm 2026, so với mức 52 tỷ USD năm 2018.

Bạc được ứng dụng rất nhiều trong ngành năng lượng mặt trời

Bạc được ứng dụng rất nhiều trong ngành năng lượng mặt trời

Ngoài ra, nhiều quốc gia cũng đã đẩy mạnh các chính sách thân thiện với môi trường, nên nhu cầu bạc cũng sẽ tăng mạnh trong những năm tới. Kể cả trong đại dịch COVID-19, nhiều quốc gia cũng đã hướng gói cứu trợ tới mục tiêu này, đơn cử như trong gói cứu trợ phục hồi kinh tế của EU trị giá 750 tỷ EUR được thông qua vào cuối tháng 7 vừa qua, có tới 30% chi tiêu cho bảo vệ môi trường.

Trước triển vọng tích cực của giá bạc, các quỹ đầu tư cũng đã và đang đổ xô mua gom bạc. Điều này càng đẩy giá bạc tăng mạnh hơn. Tính đến cuối quý 2/2020, lượng bạc nắm giữ của các quỹ đầu tư trên toàn thế giới ở mức cao kỷ lục 925 triệu ounces (hơn 26.000 tấn), tương đương với khoảng 1 năm khai thác mỏ bạc. Trong 6 tháng đầu năm nay, các quỹ này đã mua thêm 196 triệu ounces bạc (hơn 5.500 tấn), vượt xa so với mức bình quân khoảng 140 triệu ounces (gần 4.000 tấn) bạc tính từ năm 2009 đến nay. Trong đó, các quỹ ở Bắc Mỹ mua vào mạnh nhất, chiếm khoảng 90%.

Với việc bạc được ứng dụng nhiều trong các ngành công nghiệp quan trọng, nên nhiều nhà đầu tư giá trị nổi tiếng trên thế giới cũng đã dành một lượng vốn lớn để đầu tư vào kim loại này. Trong đó nhà đầu tư danh tiếng Warren Buffett đã dành tới 1 tỷ USD để đầu tư vào bạc. 

Nhiều chuyên gia nhận định, với áp lực lạm phát sẽ tăng mạnh, cùng nhu cầu bạc tăng cao trong sản xuất, đặc biệt là trang sức và các ngành công nghiệp thân thiện với môi trường, thì giá bạc sẽ còn tăng mạnh hơn nữa trong trung và dài hạn. Trong đó, Bank of America nhận định giá bạc có thể sẽ tăng lên mức 50USD/oz trong trung hạn. Thậm chí, ông Chris Vermeulen, Chuyên gia phân tích cao cấp của Financial Survival Network còn nhận định giá bạc sẽ đạt mức cao kỷ lục 100USD/oz trong dài hạn. Tuy nhiên trong ngắn hạn, giá bạc có thể tiếp tục điều chỉnh do USD đang phục hồi. Sự điều chỉnh này được cho là cơ hội tốt để mua vào đầu tư dài hạn.