gggg

Một trong những đột phá chiến lược được Đảng ta chỉ ra là cải cách thể chế. Ảnh: Quốc Tuấn

Nhìn lại sau 35 năm đổi mới, đất nước, dĩ nhiên ngày càng phát triển, tiến xa hơn nhiều so với quá khứ. Thế và lực của Việt Nam đã lớn mạnh hơn nhiều về quy mô, tiềm lực, sức cạnh tranh của nền kinh tế được nâng lên; tính tự chủ của nền kinh tế được cải thiện; tích luỹ thêm nhiều kinh nghiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo và điều hành phát triển kinh tế xã hội.

Nhờ đó, kinh tế vĩ mô cơ bản được ổn định, niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp và xã hội tăng lên. Chất lượng tăng trưởng được cải thiện, tăng độ mở nền kinh tế và thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn. Khu vực tư nhân ngày càng trở thành động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước... Tức là, chúng ta đã tiến được bước dài.

Tuy nhiên, so với một số nước trong khu vực quy mô nền kinh tế chúng ta vẫn còn khiêm tốn, còn có khoảng cách. Quy mô các nền kinh tế như Indonesia, Malaysia, Hàn Quốc, Trung Quốc… đều lớn hơn Việt Nam nhiều lần. Chất lượng tăng trưởng, hiệu quả cạnh tranh kinh tế chưa cao, năng suất lao động có khoảng cách khá xa so với các nước khu vực. Nguy cơ tụt hậu còn hiện hữu..v..v.

Nhiều chuyên gia kinh tế đã có chung một nhận định: Trong bối cảnh hiện tại, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị vẫn còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc, nhiều đầu mối khác nhau nên tính đồng bộ vẫn chưa được nâng cao. Từ đó hiệu lực, hiệu quả hoạt động vẫn chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được đặt ra. Đáng chú ý, các tình trạng bao biện, làm thay hoặc bỏ sót nhiệm vụ vẫn còn hiện hữu trong bộ máy. Các yếu tố “tiêu cực” cũng đang ảnh hưởng đến hiệu quả của công việc. Từ các nhân tố “thụt lùi” này, Việt Nam vẫn chưa thể phát triển mạnh mẽ như các nước bạn, vẫn chưa thể trở thành “rồng Châu Á”. 

Cần phải nhấn mạnh rằng, để một đất nước phát triển chúng ta phải có một bộ máy thật tốt, bền bỉ và năng động. Đặc biệt, các nhân tố trong bộ máy đều phải được lựa chọn kĩ càng, không nhất thiết phải tài giỏi vượt bậc nhưng phải toàn tâm cống hiến. Do đó, bộ máy hành chính nhà nước cần được tinh gọn, hiệu quả theo đúng quan điểm “thà ít mà tốt”, chọn đúng người, đúng mục tiêu. Từ những mục tiêu cụ thể, qua sàn lọc, chắt chiu để lựa ra các cá nhân ưu tú đứng vào đội ngũ “công chức tinh hoa”. Đây chính là nguồn lực đưa đất nước đi lên, bắt kịp thời đại, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững.

Để đất nước phát triển, người đứng đầu cần sàn lọc bộ máy quản lý nhà nước, tìm kiếm được lực lượng “công chức tinh hoa” làm việc và cống hiến. Ảnh: Quốc Tuấn

Để đất nước phát triển, người đứng đầu cần sàn lọc bộ máy quản lý nhà nước, tìm kiếm được lực lượng “công chức tinh hoa” làm việc và cống hiến. Ảnh: Quốc Tuấn

Trò chuyện cùng Diễn đàn Doanh nghiệp, TS Nguyễn Đình Cung, thành viên tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng từng nhấn mạnh: Chất lượng của thể chế quyết định đến sự thành bại của một quốc gia. Còn Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng, Nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội thì cho rằng, do không có đội ngũ công chức hành chính tinh hoa nên không thể vận hành hiệu quả mô hình nhà nước kiến tạo phát triển, nhằm hiện thực hóa chương trình công nghiệp hóa đất nước. 

Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng cũng chỉ ra do chúng ta đã không có được một bộ máy hành chính, công vụ chuyên nghiệp và tài giỏi để hiện thực hóa chương trình công nghiệp hóa. “Không có đội ngũ công chức hành chính tinh hoa, không thể vận hành hiệu quả mô hình nhà nước kiến tạo phát triển. Chủ trương cắt giảm bộ máy hiện nay là cơ hội để chúng ta loại bỏ bớt những công chức năng lực hạn chế ra khỏi bộ máy hành chính”, Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng nói.

Phân tích của cả hai vị chuyên gia này đều hoàn toàn đúng, bởi lực lượng “công chức tinh hoa” ý thức được cần thiết phải cải cách bộ máy hành chính nhà nước để tạo sự thống nhất và quyết tâm hành động. Trong đó, mỗi cá thể sẽ là một động lực thực hiện. Đồng thời, lực lượng này cũng ý thức rõ được nguyên nhân dẫn đến thành công, lượt bỏ tiêu cực. Từ đó xác định tư tưởng kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, quan liêu,... trong bộ máy hành chính.

Thế nhưng, để làm được như kỳ vọng, đòi hỏi người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước cần phải xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, phân định rõ trách nhiệm giữa các cá nhân. Cần tránh xa các tiêu cực, không làm việc theo cảm tính, vụ lợi riêng cho bản thân mà bỏ sót những cán bộ, công chức có đủ khả năng. Hay nói như nguyên Phó chủ nhiệm văn phòng Quốc hội, Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng, "phải khơi gợi những giá trị đứt gãy, kiến tạo đội ngũ tinh hoa thực chất". 

Thông qua đó, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện thể chế về công tác cán bộ, bảo đảm đồng bộ, minh bạch với quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Cần chú trọng hơn nữa việc nâng cao chất lượng đội ngũ công chức. Mỗi cá nhân đều phải biết cách thay đổi nhận thức trong sử dụng công chức, cống hiến trong công việc. Bên cạnh đó, chú trọng đến phẩm chất, năng lực thực hiện công việc được giao, thay vì chỉ quan tâm đến bằng cấp chứng chỉ như trước.

Trong giai đoạn xây dựng đất nước hiện nay hướng tới mục tiêu xây dựng bộ máy quản lý nhà nước làm việc có hiệu quả, bệnh vững, việc tìm kiếm nguồn lực “công chức tinh hoa” là một yêu cầu cấp thiết, có yếu tố quyết định đến công cuộc đổi mới. Cho nên, việc xây dựng đội ngũ công chức có đủ phẩm chất, đạo đức và có năng lực, trình độ chuyên môn đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao là khâu vô cùng có ý nghĩa, bảo đảm sự thành công trong việc thực hiện mục tiêu phát triển đất nước.

Nền công vụ chuyên nghiệp, hướng tới đổi mới thể chế để đưa Việt Nam phát triển hùng cường, thịnh vượng càng đòi hỏi đội ngũ công chức phải chuyên trách, càng hiểu biết chuyên sâu, chuyên tâm cống hiến, phục vụ trong quá trình thực hiện công việc. Đồng thời, quan điểm “vì dân phục vụ” cũng phải được tuyên truyền xuyên suốt, đảm bảo hài hòa giữa lợi ích của đất nước và nhân dân. Có như vậy, đội ngũ “công chức tinh hoa” mới hoạt động có hiệu quả, đất nước sớm phát triển mạnh mẽ và bền vững.