Khi cổ đông là công đoàn...

Công đoàn tại doanh nghiệp là một tổ chức chính trị - xã hội đại diện cho quyền lợi và lợi ích hợp pháp của người lao động. Tại CTCP Bóng đèn và Phích nước Rạng Đông (RAL), công đoàn dường như còn đại diện cho người lao động sở hữu doanh nghiệp khi công đoàn đang sở hữu tới gần 40% cổ phần. Như vậy, những người lao động cũng đang là chủ sở hữu lớn nhất tại RAL, họ vừa làm thuê, vừa làm chủ và hưởng thành quả do công ty mình tạo ra.

phát hành thêm 11 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu (tỷ lệ 91,1%). Mục đích của việc tăng vốn này là chuẩn bị nguồn lực đầu tư dự án nhà máy mới tại Hòa Lạc

Rạng Đông dự kiến phát hành thêm 11 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu (tỷ lệ 91,1%) nhằm tăng vốn cho nguồn lực đầu tư dự án nhà máy mới tại Hòa Lạc

Được biết, năm 2004, Rạng Đông có vốn điều lệ hơn 79 tỷ đồng, cán bộ công nhân viên của công ty được mua cổ phần với giá ưu đãi 7.000 đồng/cp, giá sàn 10.000 đồng/cp, trong khi giá trị thường lên tới 142.000 đồng/cp. Nhờ có sẵn số tiền thưởng hàng năm cho công ty vay, mọi công nhân đều đã mua hết số cổ phần được mua, nắm giữ hơn 40% doanh nghiệp từ thời điểm đó.

Năm 2007, khi giá cổ phiếu RAL đạt đỉnh, không ít cổ đông là cán bộ nhân viên muốn bán cổ phần hiện thực hóa lợi nhuận. Đây là điều có thể ảnh hưởng xấu đến hình ảnh của Rạng Đông. Giải pháp đưa ra lúc đó là Công ty sẽ gom lại cổ phiếu khi người lao động bán ra và giao cho Công đoàn là cổ đông tập thể đại diện sở hữu của người lao động. Công đoàn được tổ chức như một loại hình "quỹ đầu tư", nhưng chỉ có điều danh mục nắm giữ duy nhất cổ phiếu RAL.

Mới đây, RAL đang có kế hoạch phát hành thêm 11 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu (tỷ lệ 91,1%). Mục đích của việc tăng vốn này là chuẩn bị nguồn lực đầu tư dự án nhà máy mới tại Hòa Lạc, tổng mức đầu tư lên tới 2.700 tỷ đồng. Song, cổ đông lớn nhất là Công đoàn Rạng Đông sẽ phải bỏ ra ít nhất 500 tỷ đồng để mua cổ phiếu, nếu không tỷ lệ sở hữu của nhóm này có thể bị pha loãng.

Tương tự như RAL, tháng 2/2021, Công đoàn của công ty Cổ phần Tập đoàn đầu tư địa ốc No Va (NVL) cũng phát đi thông báo giao dịch mua lại 605.100 cổ phiếu ESOP của nhân viên nghỉ việc tại công ty.

Hay tại công ty cổ phần Thành Thành Công – Biên Hoà cũng phát đi thông báo hồi tháng 3 rằng, công đoàn của công ty sẽ thực hiện mua lại các cổ phiếu đã phát hành theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP) của cán bộ nhân viên thôi việc. Đồng thời, dùng những cổ phiếu này để làm cổ phiếu thưởng cho nhân viên hoặc xử lý khác phù hợp theo quy định pháp luật.

Mới đây nhất, CTCP Tư vấn Xây dựng Điện 2 (HoSE:TV2), công đoàn công ty này cũng đăng ký mua 720.000 cổ phiếu TV2 để tạo nguồn cổ phiếu thưởng cho người lao động. Giao dịch được thực hiện theo phương thức khớp lệnh hoặc thỏa thuận, dự kiến từ ngày 5/5 đến ngày 3/6/2021. Nếu giao dịch thành công, Công đoàn Công ty sẽ nâng sở hữu tại TV2 từ 96.585 cổ phiếu, tỷ lệ 0,27% lên 816.585 cổ phiếu, tỷ lệ 2,26%...

Kinh phí từ đâu?

Nhà nước quy định nguồn đóng góp từ doanh nghiệp và người lao động cho kinh phí hoạt động của công đoàn. Trong đó, doanh nghiệp phải đóng kinh phí công đoàn bằng 2% quỹ lương, làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động và người lao động có nghĩa vụ đóng đoàn phí để hình thành nguồn tài chính hoạt động của công đoàn. Ngoài ra, kinh phí công đoàn còn có thể đến từ các nguồn hỗ trợ khác hoặc tài trợ từ các tổ chức bên ngoài.

Nhiều cổ phiếu của chính công ty bị công đoàn hắt hủi vì mục tiêu không như kỳ vọng

Nhiều cổ phiếu của chính công ty bị công đoàn hắt hủi vì mục tiêu không như kỳ vọng

Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, Luật sư Vũ Minh Tiến, đại diện công ty luật VIAD (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho biết, theo quy định tại Khoản 2 Điều 8 Quyết định 1912/QĐ-TLĐ năm 2016, quản lý nguồn tài chính công đoàn đầu tư tài chính được quy định như sau:

Thứ nhất, công đoàn cơ sở doanh nghiệp được sử dụng tài chính công đoàn để mua cổ phần ưu đãi của doanh nghiệp Nhà nước cổ phần hóa theo quy định của Chính phủ. Khi Công đoàn cơ sở mua cổ phần, phải lập tờ trình, kèm theo phương án cổ phần hóa của doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền duyệt, trình công đoàn cấp trên trực tiếp đề nghị cấp có thẩm quyền phê duyệt để thực hiện.

Thứ hai, công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở; Liên đoàn Lao động cấp tỉnh, thành phố; công đoàn ngành Trung ương và tương đương được sử dụng tài chính công đoàn của đơn vị để trực tiếp mua cổ phần hoặc thông qua công đoàn cơ sở và cấp dưới trực thuộc mua cổ phần ưu đãi của doanh nghiệp nhà nước, Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty Nhà nước, doanh nghiệp công đoàn cổ phần hóa. Đơn vị mua cổ phần phải lập tờ trình, kèm theo văn bản của Ban cổ phần hóa doanh nghiệp chấp thuận cho tổ chức công đoàn được mua cổ phần, trình công đoàn cấp trên có thẩm quyền phê duyệt để thực hiện.

Đồng thời, công đoàn cơ sở sẽ được sử dụng 65% tổng số thu kinh phí công đoàn, 60% tổng số thu đoàn phí công đoàn và 100% tổng số thu khác của đơn vị. Như vậy,  quỹ lương và số nhân viên tại doanh nghiệp càng nhiều, thì kinh phí hoạt động cho công đoàn sẽ càng lớn.

Việc các công đoàn đầu tư vào chính cổ phiếu của doanh nghiệp cũng điều dễ hiểu, vừa đảm bảo tiếng nói của người lao động trong ban quản trị, vừa là một hình thức đầu tư trong dài hạn. Trong khi, các chương trình bán cổ phiếu của bản thân công ty cho người lao động thường là các chương trình ưu đãi với mức giá thấp hơn nhiều so với chào bán ra ngoài thị trường”, Luật sư Vũ Minh Tiến nói.

Hiện nay, tại một số doanh nghiệp lớn còn thành lập các công ty chuyên lo về hoạt động đầu tư tài chính cho công đoàn nhằm đảm bảo nguồn kinh phí được sử dụng một cách hợp lý. Mặc dù vậy, vẫn có không ít trường hợp cổ phiếu của chính công ty bị công đoàn từ chối, khi cổ phiếu không như kỳ vọng, công đoàn cũng không thể tiếp tục nắm giữ vì lợi ích chung.